Người phụ nữ 'khùng' bỏ hơn 30 tỷ đồng xây trung tâm từ thiện

18:15 | 30/08/2019;
Nhiều người bảo bà Nguyễn Thị Nguyệt bị “khùng”, bởi đã bỏ hơn 30 tỷ đồng xây trung tâm từ thiện và nuôi đám trẻ mồ côi, khuyết tật. Thế nhưng, người phụ nữ có trái tim nhân hậu ấy cho rằng, bà đến với những cảnh đời cơ nhỡ ấy bằng sự thấu hiểu và chiêm nghiệm nỗi nhọc nhằn từ bao tháng ngày bĩ cực.

Vay lãi ngày để xây trung tâm

Tới Trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân Hường Hà Nguyệt (xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên) khi đã quá trưa. Ngạc nhiên, là cảm giác của tôi khi đặt chân tới trung tâm từ thiện. Bởi mới nhìn, ai cũng nghĩ là công sở của một cơ quan nhà nước bởi nó quá hoành tráng. Thấy có khách tới thăm, bà Nguyễn Thị Nguyệt (64 tuổi) mời vào uống nước. Người phụ nữ ấy dáng thấp, nước da bánh mật, đôi tay đen sạm, là kết quả của những tháng ngày phiêu dạt kiếm sống. Duy có đôi mắt sáng và nụ cười tươi.

Dẫn chúng tôi đi một vòng, bà Nguyệt cho biết, Trung tâm nằm trên khu đất rộng 3.000m2, với 39 phòng. Hiện tại, Trung tâm đang xây thêm 21 phòng, nâng tổng số phòng lên con số 60. Theo thiết kế, Trung tâm có thể tiếp nhận hàng trăm trẻ em tàn tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa. Hiện Trung tâm có đầy đủ các phòng chức năng, từ phòng ăn, phòng ngủ đến phòng y tế, với tổng số tiền đầu tư xây dựng lên tới 30 tỷ đồng.

Bả bảo, từ năm 2009, khi quyết định xây dựng trung tâm từ thiện, bà chỉ được chính quyền địa phương ủng hộ chủ trương, còn lại không có hỗ trợ gì. Bà bỏ tiền túi, mua đất của dân với giá 150 triệu đồng/sào. Mức giá đó cao hơn giá thị trường rất nhiều, vì thế, bà không gặp khó khăn gì. Đất đã có, bà nhanh chóng làm thủ tục xây dựng, đến cuối năm 2010, bà khởi công. Đó là những tháng ngày khó khăn với bà. Ban đầu, bà dự tính số tiền xây dựng trung tâm chỉ khoảng 20 tỷ đồng, là vừa sức với gia đình. Tuy nhiên, khi làm, chi phí đội lên. Tiền hết, bà phải thế chấp tài sản vay ngân hàng, nhưng thủ tục rườm rà, lại phải chờ lâu, công trình thì không thể dừng lại. Bà phải vay lãi nóng gần 1 tỷ đồng, với mức 5.000 đồng/triệu/ngày. Sau 2 tháng, số tiền cả gốc và lãi lên đến 1,4 tỷ đồng. “Lúc trả cho họ mà tôi hãi quá. Mình chậm 1 ngày, nó tìm đủ mọi cách đòi. Từ gọi điện, nhắn tin, đến dọa nạt. Có hôm còn ném cả trứng thối, mắm tôm vào nhà. Những ngày ấy, đầu óc tôi căng như sợi chỉ. Đến khi có tiền vay ngân hàng trả nợ, tôi mới nhẹ đầu. Từ giờ tôi cạch mặt vay lãi nặng, kẻo có ngày mình đột tử với chúng. Bây giờ, tôi vẫn còn nợ hơn 3 tỷ đồng”, bà chia sẻ.

 

1-1068x768.jpg
Bà Nguyệt được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen

Đầu năm 2013, Trung tâm chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng gần 62 trẻ mồ côi, trẻ bị bệnh tâm thần, bệnh đao và người già với hàng chục bảo mẫu chăm sóc. Các bé đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, nhưng đều có chung hoàn cảnh là mồ côi hoặc tàn tật, bị người nhà bỏ rơi. Thế nhưng, đến với Trung tâm, các em đã có một mái ấm thực sự.

Nói đến đây, bà Nguyệt rưng rưng bởi bản thân đã từng nuôi các em từ khi bị bỏ rơi cho đến nay. Bà kể: Cách đây 8 năm, tôi đang ở nhà thì BV Đồng Hỷ (Thái Nguyên) gọi điện, cho biết có một bé bị bỏ rơi, nghi do nhiễm HIV. Nhận được thông tin, tôi lên đến nơi thì bác sĩ cho biết, khi vừa sinh, bé bị bỏ rơi ở gầm cầu thang, không có mảnh tã che thân. Khi biết có trẻ bị bỏ rơi,  có mấy người cũng đến xin làm con nuôi. Tuy nhiên, kết quả test nhanh của BV cho thấy bé bị nhiễm HIV. Vì vậy, những người kia không nhận nữa. Bà nhận nuôi và bảo: Cũng là một phận đời, tôi mang về nuôi, trời thương thì cho con ở lâu với mình, còn trời bắt đi sớm thì phải chịu”. Thế là bà mang về nuôi và chăm sóc đặt tên là Tình. Sau 2 tháng bà mang tình xuống Hà Nội kiểm tra, rất may mắn bé không bị nhiễm HIV. Khỏi phải nói, ai cũng mừng. Đến nay, bé đã học lớp 2 tại trường tiểu học của địa phương.

Vượt lên nghịch cảnh

Khi được hỏi về lý do xây dựng Trung tâm, đôi mắt bà rưng rưng. Thẫn thờ một lúc, bà mới kể lại câu chuyện đời mình. Theo đó, bà là con thứ hai trong một gia đình có đông anh chị em ở Hải Dương. Từ nhỏ, cuộc sống của bà đã gắn với những khoai, ngô và những đói khổ của năm tháng chiến tranh. Hơn 10 tuổi, bố mất sau một cơn trọng bệnh, gánh nặng đè lên vai mấy mẹ con bà. Đất đai ít, miệng ăn nhiều, một phần lại dành cho tiền tuyến. Gia đình bà gồng gánh lên Thái Nguyên tìm kế mưu sinh, vùng đất xã Đồng Bẩm được chọn là nơi cư ngụ mấy mẹ con bà.

Đất canh tác chưa có, bà phải đi chặt cây, cuốc đất trồng trọt. Ban đầu, chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng, hạt gieo xuống không nảy mầm, cây nào lên được thì cũng không phát triển. Không có ruộng, bà phải hái rau rừng, đào củ mài ăn trừ bữa. Quần áo vá chằng vá đụp, nhiều cái rách không thể vá được nữa đành lấy tấm này vá cho tấm kia miễn mặc kín. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Năm 1972, anh trai cả đi bộ đội, rồi hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nhận hung tin, mẹ bà phát bệnh thần kinh phải điều trị dài ngày, gánh nặng gia đình đè lên vai bà.

 

anh-1-1.JPG
Trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân Hường Hà Nguyệt

 Năm 20 tuổi, bà lập gia đình. Chồng bà là người cùng quê. Bà cần mẫn, khéo tay, nhưng không may mắn về đường tình duyên. Chồng bà là người vũ phu, cứ rượu vào là mắng chửi, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với bà. Suốt 3 năm trời, những trận đòn thừa sống, thiếu chết diễn ra như cơm bữa. Nhưng bà sợ nhất là những đêm ân ái. Ông chồng vũ phu sử dụng mọi biện pháp “cảm giác mạnh”, từ cấu véo, cắn đến cào cấu. bà đau quá không chịu được lại la lên, thế là lại bị đánh. Sau mỗi đêm mình mẩy bà đầy thương tích nhưng cũng không dám nói với ai. “Có hôm, ông ta cắn gần đứt cả đầu vú của tôi ấy”, bà kể.

Không chịu nổi những trận đòn của chồng, bà quyết định chia tay. Sợ gặp phải người chồng vũ phu khác, bà ở vậy cho đến nay. Để nuôi mẹ và các em, bà làm đủ việc, từ nuôi lợn, chăm gà, đến buôn bán nhỏ, việc nào cũng thông. Khi có chút vốn, bà mạnh dạn đi buôn bán dài ngày, mua bán ở những tỉnh biên giới. Nắng mưa, sương gió cũng mặc. Khắp các tỉnh miền Trung, các tỉnh dọc biên giới Trung Quốc, nơi đâu cũng in dấu chân của bà. Bà buôn đủ thứ, từ hàng tạp hóa với cái kim, sợi chỉ, cho đến khi có vốn bà lại buôn gạo, buôn vảo rồi đánh hàng Trung Quốc về bán. Nhờ cần mẫn, tiết kiệm, bà ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn. Bà thành lập công ty và kinh doanh lớn, với đủ các mặt hàng, từ chăn ga, gối đệm cho đến điện tử, điện lạnh. Đến nay, bà đã có một cơ ngơi khang trang với 4 cửa hàng điện máy, điện lạnh… doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng.

Đồng cảm với những cảnh đời cơ nhỡ

Bà không sinh con, nhưng có 4 người con nuôi. Các con đến với bà cũng rất tình cờ và đó cũng là thời điểm để bà tìm đến với những mảnh đời cơ nhỡ.  Bà kể, năm 1974, khi đi rừng, bà phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên bờ suối. Thấy đứa bé khóc ngặt, người tím tái vì lạnh, vì đói, bà nhặt mang về nhà. Nhiều người khuyên nên cho những gia đình hiếm muộn, nhưng bà cương quyết để nuôi. Năm 1976, phát hiện một trẻ sơ sinh đã được ai đó để lại trước nhà mình, bà lại mang về nuôi dưỡng. Vài năm sau, bà lại nhận thêm 2 người con nuôi nữa, đều là của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà sớm khuya chăm sóc, xem như con đẻ của mình. Không phụ lòng mẹ, 4 người con nuôi của bà chăm chỉ học hành và tìm được những công việc ổn định. Chứng kiến sự trưởng thành của các con, ý tưởng thành lập trung tâm trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ngày càng lớn trong tim bà.

 

2t.jpg
Các bé mồ côi được chăm sóc tại Trung tâm

 

Đến khi còn bôn ba buôn bán, gặp những người ăn xin, trẻ mồ côi, bà nghĩ, “cũng là con người, sao họ phải chịu khổ như thế. Có cách nào để giúp không”. Nghĩ vậy, bà cho tiền, cho gạo, gặp bữa thì mời ăn. Những người còn khỏe mạnh, bà phân tích, khuyên nhủ về quê tìm việc làm kiếm sống. Thế nhưng, với những mảnh đời bất hạnh, bà thấy chúng quá thiệt thòi. Khi bà đưa ra ý định thành lập trung tâm từ thiện, không ít người gàn, bảo bà đã có tuổi nên nghỉ ngơi. Cũng có người độc địa, cho rằng bà bị thần kinh, bị ma nhập mới có những suy nghĩ như thế. Bởi, nếu để mấy chục tỷ đó gửi ngân hàng, gia đình bà cũng sống khỏe. Mặc cho những lời khuyên can, dè bỉu, bà vẫn quyết tâm với công việc của mình. Các con biết tính mẹ, nên ủng hộ, mỗi người một tay xúm vào.

Để có nguồn “nuôi” Trung tâm, bà tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của mình, gồm 2 cửa hàng bán đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, cấy trên 1 mẫu ruộng và nuôi trung bình trên 60 con lợn thịt, ao cá cùng với một số việc kinh doanh khác. Trên 60 tuổi, người phụ nữ ấy vẫn miệng nói, tay làm, tác phong nhanh nhẹn khác thường. Người làng thấy vậy chỉ lắc đầu, bởi có ai là chủ cả một chuỗi cửa hàng điện máy nhưng vẫn xắn quần cấy lúa.

 Ngoài ra, bà còn vận động các tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm giúp đỡ. Từ mỳ tôm, gạo, cá khô, nước mắm, quần áo, xà phòng, dầu gội đầu... những gì có thể đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày của các cháu bà đều nhận hết. Ngoài việc lo ăn ở cho các em, bà còn cho các em đi học xóa mù. Băn khoăn nhất của bà hiện nay là số trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ còn rất nhiều. Bản thân bà tuổi cũng đã cao, không thể đi lại nhiều như trước nữa. “Tôi hy vọng ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào những hoạt động từ thiện, giúp các em vượt qua khó khăn”, bà Nguyệt bày tỏ.

Tuy vậy, vì là cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân, không được hỗ trợ từ ngân sách nên Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn vì kinh phí duy trì hoạt động, chưa thể phát huy tối đa công suất. Bà Hường mong muốn xã hội cần sự chung tay ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan, các nhà hảo tâm để tiếp tục phát triển, xứng đáng là một mô hình điển hình về xã hội hóa trong công tác bảo trợ xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn