Từ một người phụ nữ thành đạt với công việc thiết kế nội thất, năm 2014 sau tai nạn, chị Lương Thị Minh Nguyệt (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị thương tật đến 93%, liệt cả 2 chân, chấn thương cột sống và phải ngồi xe lăn. Biến cố bất ngờ ập đến, có lúc tuyệt vọng và tìm đến cái chết, nhưng rồi chị bừng tỉnh, vươn lên làm chủ cuộc đời mình, hơn thế nữa còn thành lập Hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh giống mình.
Nếu chỉ nhìn vào gương mặt tự tin, rạng rỡ và giọng nói lưu loát đầy lôi cuốn ít ai biết rằng chị Nguyệt đã từng phải trải qua một quãng đường đầy chông gai trước biến cố của cuộc đời.
Kể về lý do làm bạn với chiếc xe lăn, ánh mắt chị Nguyệt đượm buồn: "Năm 2014, một tai nạn không mong muốn đã xảy ra. Khi bác sĩ thông báo bị liệt hoàn toàn, tôi đã rất sốc. Mọi hoạt động đều phải phụ thuộc vào người khác". Ngoài đau đớn thể xác, tinh thần thì sụp đổ hoàn toàn, từ một người phụ nữ thành đạt, nay phải gắn liền với chiếc xe lăn khiến 2 năm liền, chị Nguyệt chỉ nghĩ đến cái chết.
Chị Nguyệt tâm sự, để vượt qua giai đoạn này vô cùng khó khăn và vất vả. Lúc ấy, thứ duy nhất níu chị lại với cuộc sống chính là cậu con trai đang học lớp 8 và cô con gái mới học lớp 4. "Khi tôi nằm một chỗ như vậy điều mà khiến tôi lo lắng nhất là các con còn nhỏ quá. Các con cần mình và mình cũng cần các con và phải quyết tâm đứng dậy".
Khi đã bình tâm lại, chị Nguyệt bắt đầu làm quen với cuộc sống của người khuyết tật, tìm hiểu qua mạng rồi kết nối lại với bạn bè tìm sự động viên, giúp đỡ. Chị đã cố gắng để thích ứng dần với cuộc sống, tham gia cộng đồng những người khuyết tật, gặp gỡ, tiếp xúc, từ đó hiểu hơn về cuộc sống của họ và tìm lối đi cho cuộc đời mình.
Bản thân bị liệt cả hai chân nên chị Minh Nguyệt hiểu hơn ai hết cảm giác là gánh nặng của gia đình cũng như thái độ tự ti, ngại giao tiếp của những người khuyết tật. Đó là lý do chị tìm đến những người có hoàn cảnh giống mình rồi cùng nhau bàn bạc, tìm cách lao động, kinh doanh phù hợp với sức khỏe, khả năng của mình.
Năm 2018, Hợp tác xã "Sức sống xanh" ra đời, hoạt động theo mô hình sản xuất và thương mại với nhiều ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, bán buôn, thăm quan du lịch, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Mỗi người khuyết tật ở "Sức sống xanh" là một mảnh đời khác nhau, được chị Nguyệt sắp xếp công việc theo khả năng và sức khỏe. Người khuyết tật nhẹ thì trồng, chăm sóc các loại cây như mít, bưởi, đinh lăng... Người khuyết tật nặng (liệt hai chi hoặc tứ chi), đi lại khó khăn đảm nhận việc bán hàng qua mạng, tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã và của người khuyết tật ở các đơn vị khác. Những người khéo tay được phân công làm những bức tranh Phật đính đá phục vụ Phật tử đi lễ chùa… Dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Lương Minh Nguyệt, họ cùng chung một ý chí là vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong thời đại công nghệ số, những tưởng các cách thức kinh doanh trên mạng sẽ mang lại khó khăn cho chị Nguyệt và các thành viên trong Hợp tác xã, nhưng chính chị lại nhìn ra: Kinh doanh online là phương pháp phù hợp với sức khỏe của bản thân.
Chị Nguyệt chia sẻ: Với người khuyết tật hạn chế về đi lại thì kinh doanh qua mạng là cách kiếm tiền vô cùng tiện lợi. Chị đã dành thời gian theo học các lớp nghiệp vụ về kỹ năng bán hàng qua mạng. Giờ đây, chị có thể tự tin livestream sản phẩm, giới thiệu, quảng bá hàng hóa để tiếp cận gần hơn với khách hàng. Những kỹ năng bán hàng qua mạng cũng được chị truyền lại cho các thành viên trong hợp tác xã và kênh phân phối, giúp lan tỏa sản phẩm đi xa hơn.
Chị Lương Thị Minh Nguyệt chị mong muốn sẽ giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khuyết tật khác để lan tỏa tình yêu thương và nghị lực sống đến cộng đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn