Mới đây, bà Katalin Karikó đã nhận được Giải Széchenyi, phần thưởng cao quý cấp nhà nước của Hungary dành cho những cống hiến lớn về khoa học. Giải thưởng này là sự tưởng thưởng lớn đầu tiên ở tầm nhà nước mà giáo sư Karikó Katalin được nhận cho 40 năm lao tâm khổ tứ để cho ra đời công nghệ mRNA, nền tảng của các vaccine thế hệ mới đầy hứa hẹn như BioNTech/Pfizer và Moderna.
Bà là nhà sinh học nổi tiếng, sống và làm việc tại Mỹ từ năm 1985 và hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch cấp cao hãng BioNTech. Từng là giáo sư trường Đại học Pennsylvania, bà Karikó được đánh giá là người có công lao nổi bật trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu. Những mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech đã được tiêm cho 40.000 người thử nghiệm vào tháng 11/2020. 50 triệu liều vaccine của họ đã được chốt đơn hàng vào cuối năm ngoái. Dự kiến trong năm 2021, Pfizer/BioNTech sẽ sản xuất và phân phối hơn 1,3 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới.
Bà Karikó chia sẻ một động lực giữ cho bà trở nên lạc quan: "Tôi luôn tâm niệm rằng mình cần phải giúp đỡ mọi người. Vì vậy, tôi đã luôn cố gắng để đưa các nghiên cứu của mình trở thành những ứng dụng ngoài đời thực... Niềm vui của con người là sự công nhận thật sự đối với tôi!".
Bà Karikó lớn lên tại Kisújszállás, Hungary, trong một gia đình nghèo, có cha làm nghề bán thịt và mẹ là kế toán. Là người say mê khoa học, bà bắt đầu sự nghiệp từ tuổi 23 tại Trung tâm nghiên cứu sinh học của trường Đại học Szeged, nơi bà đã bảo vệ luận án tiến sĩ. Chính tại đó, bà bắt đầu quan tâm đến vật liệu di truyền ARN thông tin, những phân tử dưới hình thức mã di truyền tạo cho tế bào khả năng sản sinh ra các protein có lợi cho cơ thể người. Bà say sưa làm việc nhưng trong các phòng thí nghiệm Hungary, các phương tiện thiếu thốn. Hơn thế, ở tuổi 30, nhà khoa học bị sa thải khỏi trung tâm nghiên cứu vì năm 1985, Hungary khó khăn tới mức không đủ điều kiện để lo cho các nhà khoa học.
Bà xin học bổng vào các nước Tây Âu nhưng thất bại. Vô phương, bà bán một cái xe hơi cũ, gom tiền được 1.000 USD, đem khâu vào một con gấu bông và mua vé 1 chiều tới Mỹ. Đó là tất cả những gì bà có thể hy vọng trong một chuyến đi chưa hẹn ngày về. Tới Mỹ, bà làm việc cho khoa Hóa Sinh tại trường Đại học Temple. Thời điểm đó, cộng đồng khoa học chỉ tập trung nghiên cứu ADN mà họ cho rằng có khả năng chuyển hóa các tế bào và việc đó có thể chữa trị các loại bệnh như ung thư hay bệnh tràn dịch nhầy phổi. Trong khi đó, bà Karikó quan tâm tới ARN thông tin, với hy vọng vật liệu di truyền này sẽ cung cấp cho tế bào những chỉ dẫn để có thể tự sản sinh ra các loại protein trị liệu. Giải pháp này cho phép tránh phải thay đổi gene đơn bội của các tế bào.
Năm 1989, bà tới U Penn và làm việc tại khoa Dược như một giáo sư. Vì nghiên cứu của bà không được ủng hộ nên bà bị giáng chức thành nhà nghiên cứu bình thường. Đây là thời gian khó khăn do bà nhận lương thấp, không nhận được tài trợ, không tìm nổi dự án. Song bà không nản lòng và tiếp tục theo đuổi những gì bà thấy là đúng. Vừa làm việc, vừa nuôi con, đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bà có khả năng quên hết mỗi khi bước vào phòng thí nghiệm. Mặc dù mắc bệnh ung thư, Karikó vẫn cố gắng giữ cho ngày làm việc của mình bắt đầu lúc 6 giờ sáng. Bà lao đầu vào công việc ngay cả trong ngày cuối tuần và ngày lễ, thậm chí thỉnh thoảng ngủ lại qua đêm trong văn phòng. Từ đó, bà truyền cho con gái quyết tâm vượt qua mọi thử thách. Con gái bà đã giành huy chương vàng Olympic 2008 và 2012 trong đội đua thuyền của Mỹ.
Một cuộc gặp gỡ tình cờ đã thay đổi sự nghiệp của bà Karikó. Một buổi chiều năm 1998, bà đi photo tài liệu thì gặp giáo sư miễn dịch học Drew Weissmen. Trong lúc chờ photo, bà đã kể cho Weissmen về mRNA. Giáo sư Weissmen nhận ra đó là một nguồn tri thức vô giá. Ông quyết tâm đầu tư tiền của, cộng tác với Karikó để cùng phát triển mRNA trong lĩnh vực y sinh học. Sau nhiều nỗ lực, họ đã đặt được phân tử ARN vào trong những hạt nano lipide, một dạng vỏ bọc tránh cho phân tử ARN bị suy thoái quá nhanh và dễ dàng xâm nhập vào tế bào.
Năm 2005, Karikó và Weissman đã xuất bản 1 bài báo, nộp 1 bằng sáng chế và thành lập công ty công nghệ sinh học để thương mại hóa sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cả cộng đồng khoa học hầu như không có ai quan tâm đến sáng chế mới của họ. Bẵng đi một thời gian, năm 2010, Derrick Rossi, một giáo sư tại Trường Y Harvard, đọc được nghiên cứu 5 năm trước của Karikó. Ngay lập tức, Rossi đã nhận ra đó là một công trình xứng đáng với một giải Nobel. Tầm nhìn của Rossi được hiện thực hóa vào cùng năm đó. Ông đã cùng với một nhóm giáo sư Harvad và MIT lập ra Moderna, một công ty công nghệ sinh học nhắm đến việc sửa đổi mRNA để tạo ra vaccine và thuốc điều trị bệnh.
Năm 2013, bà Karikó được mời tới Đức. Ở đó, có một doanh nhân gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ugur Sahin cũng đã nhìn ra được sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu mRNA. Ông ấy đã thành lập một công ty khởi nghiệp khác tên là BioNTech và Karikó nhận lời Ugur Sahin để trở thành Phó chủ tịch cấp cao tại BioNTech. Tại đây, Karikó đã lãnh đạo chương trình nghiên cứu phương pháp thay thế protein RNA để tạo ra các loại vaccine và thuốc chữa bệnh mới.
Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 2019, sau khi SARS-CoV-2 được phát hiện và gây ra đại dịch toàn cầu Covid-19. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Moderna gộp gene SARS-CoV-2 được giải mã để thiết kế ra một loại vaccine chống lại Covid-19. Còn Karikó và BioNTech ở Đức cũng đã khởi động một chương trình phát triển vaccine cho riêng mình hợp tác với "gã dược phẩm khổng lồ" Pfizer của Mỹ. Tháng 11/2020, những mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của liên doanh Pfizer/BioNTech đã được cấp phép tiêm chủng tại Anh, sau đó là Mỹ và hàng loạt quốc gia khác trên thế giới. BioNTech từ một công ty khởi nghiệp "chẳng có nổi một trang web" đã trở thành một công ty trị giá 25 tỷ USD với hơn 1.500 nhân viên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn