Sau 6 tháng kiên cường giành giật sự sống, anh Lương Đình Phúc (44 tuổi, xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) may mắn sống sót trở về nhưng với hình hài thân tàn ma dại.
Từ một người đàn ông lành lặn, khoẻ mạnh, là chỗ dựa cho cả gia đình, giờ đây, anh Phúc bị liệt nửa người, liệt dây thanh quản không thể nói. Bất hạnh hơn, anh còn mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận đều đặn 3 lần/tuần để duy trì sự sống.
Vừa chạy thận xong, anh Phúc được vợ dìu từ xe lăn lên chiếc xe máy cà tàng dựng sẵn để chở về nhà. Suốt chặng đường dài từ viện về nhà, anh mệt mỏi gục đầu vào tấm lưng gầy của vợ, nước mắt rưng rưng khi nghĩ về người cha tàn tật nằm một chỗ và tương lai mịt mù của 5 đứa con nhỏ ở nhà, về khoản nợ khổng lồ vay mượn trước đó để chạy chữa cho anh. Càng nghĩ, người đàn ông càng thêm bất lực nhưng vẫn kiên trì chữa trị, hi vọng một ngày sẽ được khoẻ mạnh để vợ con bớt khổ.
Chị Phạm Thị Nguyệt (44 tuổi, vợ anh Phúc) kể, biến cố xảy đến với gia đình chị vào 5 năm trước, ông Lương Văn Hiền (77 tuổi, bố ruột anh Phúc) không may bị tai biến nặng, tắc mạch máu cả 2 chân. Cố gắng vay mượn cứu chữa cho cha nhưng rồi cuối cùng, không còn cách nào khác, anh Phúc đành nén nỗi đau ký vào giấy phẫu thuật cắt bỏ đôi chân của cha mình lên đến tận bẹn nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Cũng từ đó, ông Hiền nằm một chỗ, lúc tỉnh lúc mê, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Ngày ông Hiền lâm bệnh, chị Nguyệt đang mang thai đứa con thứ 5 ở tháng thứ 7.
Vất vả chưa qua thì nửa năm trước, anh Phúc đang nhập viện điều trị bệnh tiểu đường thì bị tai biến, rơi vào trạng thái hôn mê và được kết luận bị suy thận giai đoạn cuối.
"6 tháng giành giật sự sống, cuối cùng, chồng tôi cũng dần hồi phục nhưng trở về trên chiếc xe lăn. Anh ấy bị liệt dây thanh quản phải phẫu thuật mở khí quản ở cổ để thở, không nói được. Bình quân mỗi tuần, tôi đưa chồng chạy thận 3 lần ở bệnh viện cách nhà hàng chục km.
Chồng, bố chồng đau ốm nặng, đàn con nhỏ dại đang tuổi ăn học, nợ nần chồng chất, một mình tôi không biết xoay xở thế nào", chị Nguyệt lo lắng.
Trước đây chị Nguyệt làm công nhân trong công ty sản xuất bao bì trên địa bàn TP Vinh. Anh Phúc làm nhân viên giao hàng bút bi, văn phòng phẩm với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài đồng lương ít ỏi, họ còn tranh thủ cấy thêm mấy sào ruộng, nuôi con gà, đàn vịt để trang trải cuộc sống. Dù thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn không đủ để nuôi 5 con trai (lớn nhất 19 tuổi, nhỏ vừa lên 4 tuổi) và phụng dưỡng cha mẹ già yếu.
Từ ngày chồng và bố chồng lần lượt lâm bệnh hiểm nghèo, gia đình càng thêm khó khăn. Chị Nguyệt trở thành chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình nhưng cũng phải nghỉ việc để chăm chồng, bố chồng. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ hoàn toàn vào vay mượn và tình thương của anh em họ hàng, bà con lối xóm, các nhà hảo tâm.
Năm ngoái, con trai lớn của vợ chồng chị Nguyệt là Lương Đình Lâm (19 tuổi) đậu trường Đại học Kỹ thuật Vinh. Vừa nhập học mấy hôm thì bố bị tai biến, Lâm phải nghỉ học, đi làm phụ hồ gần nhà để kiếm tiền phụ mẹ chữa bệnh cho bố và ông nội.
4 đứa em của Lâm là Lương Đình Nam (lớp 11), Lương Đình Bắc (lớp 9), Lương Đình Thuyên (lớp 7) và Lương Đình Tài (4 tuổi) đứa nào cũng chăm ngoan, tự lập và hiểu chuyện. Ngoài giờ đến lớp đều tự phân công nhau việc nhà, chăm sóc bố, ông nội và trông em.
"Nhà nghèo, bố và ông đều bệnh nặng thế này, anh em cháu buồn lắm. Mẹ lại khổ thêm. Cháu đành nghỉ học, cố gắng đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho bố và cho đàn em không phải bỏ học giữa chừng. Chỉ mong bố sớm bình phục, có thể nói chuyện như trước để gia đình dù khổ nhưng vẫn luôn bên nhau", Lâm tâm sự.
Ngồi lặng trên giường, cầm xấp giấy tờ là hồ sơ bệnh án, giấy thanh toán viện phí của chồng, bố chồng trên tay, khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi của chị Nguyệt lại ngấm lệ. Khoản nợ 200 triệu đồng trước đó vay để chữa trị cho bố chồng chưa kịp trả xong thì chị lại phải vay thêm hơn 200 triệu nữa cứu chữa cho chồng. Nợ nần chồng chất, chị không biết thời gian tới sẽ bấu víu vào đâu để tiếp tục duy trì sự sống cho chồng, thuốc thang cho bố chồng và sách vở đầu năm học cho đàn con.
Ông Phạm Văn Cường, Trưởng xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân chia sẻ, gia đình chị Nguyệt hàng chục năm là hộ khó khăn triền miên của xã. Từ ngày bố chồng rồi chồng lần lượt lâm bệnh hiểm nghèo, cuộc sống càng bi đát hơn. 9 thành viên trong gia đình giờ chỉ biết dựa vào nghề phụ hồ bấp bênh của người con trai 19 tuổi. Nắng ráo thì có việc, mưa gió thì không có đồng nào.
"Địa phương, bà con lối xóm cũng đã kêu gọi ủng hộ gia đình chị người 50.000, 100.000 đồng nhưng không thấm tháp vào đâu so với sự khó khăn, vất vả của gia đình chị Nguyệt đang gánh chịu. Qua báo chí, rất mong các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để gia đình chị bớt phần gánh nặng, chăm lo cho chồng, bố chồng cũng như đàn con được tiếp tục đến trường", ông Cường chia sẻ.
Mọi giúp đỡ cho gia đình chị Nguyệt xin gửi về địa chỉ: Chị Phạm Thị Nguyệt, xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An.
STK chị Phạm Thị Nguyệt: 3607378533816, ngân hàng Agribank. ĐT: 0378533816.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn