Nguyễn Hướng Dương vừa ra mắt phiên bản tái bản cuốn tự truyện ‘Đứng dậy và bước đi” (xuất bản lần đầu vào năm 2014). Cuốn tự truyện nhiều nỗi đau mất mát nhưng không thiếu niềm tin yêu, sự lạc quan.
Chào chị, từ sau khi được xuất bản lần đầu tiên, cuốn tự truyện Đứng dậy và bước đi của chị đã được đón nhận như thế nào từ phía độc giả?
- "Đứng dậy và bước đi" xuất bản lần đầu tiên vào năm 2014 từ nhân duyên với nhà chùa. Tủ sách "ĐẠO PHẬT NGÀY NAY" do Thượng tọa Thích Nhật Từ làm chủ nhiệm đã đứng ra bảo trợ toàn bộ cho việc xuất bản và phát hành sách theo hệ thống các chùa trong cả nước. Không ngờ sách được lan truyền theo tốc độ chóng mặt, gần như là "best seller" với số lượng nhiều ngàn quyển.
Có những Phật tử mua 100 - 200 quyển rồi để ở các tiệm cơm chay, các chùa phát không cho mọi người. Tôi nhận được rất nhiều ý kiến, cảm tưởng, phản hồi của độc giả là những người khuyết tật, mắc bệnh ung thư, trầm cảm... chia sẻ rằng cuốn sách như một "liều thuốc tinh thần" gieo vào lòng họ niềm tin vững chắc để vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật.
Có rất nhiều người thắc mắc tại sao không thể tìm mua sách ở các nhà sách lớn như Fahasa, Phương Nam hay Tiki. Tôi rất áy náy về điều này vì sách của "ĐẠO PHẬT NGÀY NAY" không phát hành theo các kênh đó. Cho nên, được sự đồng ý của NXB Trẻ, tôi đã quyết định tái bản với số lượng 5.000 cuốn để đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc.
Xin dẫn chứng một câu chuyện: Có lần tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông ở Kiên Giang nói rằng: "Cuốn sách của chị đã cứu tôi, ngăn cản tôi tìm đến cái chết!", vì ông làm ăn thất bại, thua lỗ, nợ nần vây bủa khiến ông túng quẫn đến nỗi muốn tự tử. Lúc đó, có người hàng xóm đi chùa về đưa cho ông quyển sách này. Đọc xong, ông chợt "ngộ" ra rằng một cô gái trẻ như tôi lúc đó cũng đã từng lâm vào cảnh bi đát, cũng đã từng muốn tự tử nhưng đã vượt qua được thì tại sao một người đàn ông đang có trách nhiệm với gia đình, vợ con như ông lại có thể đầu hàng, buông xuôi tất cả? Và ông đã từ bỏ ý định đó để bắt đầu hành trình vượt qua khó khăn của cuộc sống.
Còn những bạn trẻ khuyết tật thì tâm đắc với những giá trị sống và mục đích cuộc đời mà tôi đề cập trong sách.
Ngay từ đầu cuốn tự truyện, chị đã tâm sự mình sợ cái tôi của bản thân trỗi dậy, chi phối bản thân mình. Vậy trong suốt 3 năm qua, khi trở thành người được số đông mọi người biết đến, thậm chí là ngưỡng mộ câu chuyện của mình có khi nào có một cái Tôi nào đó của mình có ý định trỗi dậy hay không?
Tôi là một Phật tử đang trên hành trình tu tập theo triết lý đạo Phật nên điều mà tôi tự nhắc nhở mình từng giây từng phút là phải "chánh niệm, tỉnh giác". Có nghĩa là phải kiểm soát được từng suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình.
Trước những sự khen tặng hay ngưỡng mộ của người khác thì mình càng phải tỉnh táo vì những điều đó rất dễ trở thành chất men say, ru ngủ mình khiến mình trở nên tự mãn thậm chí tự cao với những gì mình đạt được. Sự "trương sình" của bản ngã là điều đáng sợ nhất, vì thế luôn có tiếng nói thầm trong tâm nhắc nhở tôi "KHIÊM HẠ, KHIÊM HẠ "
Có thể thấy, để có thể đứng dậy, bước đi sau “té ngã” thì chị đã “dựa” rất nhiều vào việc đọc sách, từ đó có những giác ngộ vực dậy tinh thần. Vậy chị có thể khẳng định một lần nữa về vai trò của sách đối với đời sống mọi người nói chung, đặc biệt với những ai đang vấp ngã?
Đối với tôi, sách chính là "Tri âm Tri kỷ", là người bạn thông thái nhất trong suốt cuộc đời. Tôi vốn mê sách từ khi còn nhỏ, nhưng phải đến khi bị tai nạn, rơi vào trạng thái hụt hẫng, tuyệt vọng, tôi mới thấy hết vai trò quan trọng của sách giống như một "vị cứu tinh" trong đời. Nhớ lại những ngày nằm trên giường bệnh mấy tháng trời, tôi chán nản đến mức không thiết tha gì với các hình thức giải trí khác như tivi, phim truyền hình mà chỉ biết khóc lóc, buồn rầu. Mẹ tôi đã lên chùa thỉnh về cho tôi những quyển sách của các vị Thiền sư, Lạt Ma, Hòa thượng nói về triết lý Phật giáo và thật màu nhiệm, những cuốn sách ấy đã tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm trí tôi, giúp cho tôi có sức mạnh để "chuyển Họa thành Phúc" như tựa một cuốn sách mà tôi đã đọc.
Cho đến bây giờ, nhờ công việc biên tập và đọc thu âm sách cho "Thư viện sách nói dành cho người mù" nên hàng ngày tôi có điều kiện đọc hàng trăm trang sách. Điều đó đã trở thành thói quen và cơ hội may mắn cho tôi luôn được cập nhật, học hỏi nhiều điều bổ ích từ sách. Tôi nghĩ rằng thật đáng tiếc cho những ai không có thời gian đọc sách nhất là các bạn trẻ lại càng nên "kết bạn" với sách vì chính những lúc mình vấp ngã, đau khổ, bất hạnh là lúc mà mình cảm thấy thấm thía những điều mà sách vở đã đúc kết từ lâu. Tôi ngẫm nghĩ một điều khá buồn cười là trong thời đại @ này, các bạn trẻ luôn muốn kết bạn thật nhiều trên Facebook càng tốt và dành phần lớn thời gian cho những người bạn "ảo" trong khi đó lại quên mất một người bạn vô cùng thông thái, uyên bác là sách!
Nếu nhà thơ Xuân Diệu đã từng "tuyên bố" rằng: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ, không thương một kẻ nào" thì đây, tôi có thể chứng minh điều ngược lại: “Em vẫn sống được mà không yêu/Không nhớ không thương một kẻ nào" đây nè! Nói có Trời đất chứng giám là hơn 20 năm qua tôi vẫn sống vui, sống khỏe mà không hề có chuyện yêu đương nào hết! Còn ..... "một bờ vai" ư? Chắc gì có được một bờ vai nào như vậy trong đời này? Tốt nhất là đừng mong chờ gì cả bởi trạng thái mà tôi ghét nhất là mong mỏi, đợi chờ nhất là đợi chờ một điều mơ hồ, không xác định.
Trong sách có tình tiết chị từng trở thành ca sĩ bất đắc dĩ trong phòng bệnh, rồi chi tiết chị giẫm chân giả lên chân người lạ nhiều lần trong đám đông vì đôi chân không cảm nhận được. Người đọc đôi khi phải bật cười với khiếu hài hước đó của chị. Có phải chị đang chủ ý tạo tiếng cười cho mọi người khi đọc sách của mình hay không?
Chị có thể chia sẻ thêm về cảm nhận của mình sau 9 lần lên bàn mổ. Và lần phẫu thuật chỉnh hình mỏm cụt bên chân trái lần thứ 9 vừa rồi của chị có kết quả ra sao rồi?
Lần mổ thứ 9 vừa rồi hồi tháng 4/2017 khá là nghiêm trọng do mỏm cụt bên trái bị biến chứng nặng, bác sĩ phải cưa 2cm xương, cắt lọc phần cơ bị hoại tử và tái tạo lại mỏm cụt. Bây giờ thì tôi đã bình phục và có thể đi chân giả trở lại, tiếp tục với công việc ở "Thư viện sách nói dành cho người mù".