Người phụ nữ nhiễm HIV và hành trình 'thắp' khát vọng tình thương

14:57 | 22/09/2016;
"Biết vợ chồng tôi bị nhiễm HIV, bạn bè và cả người thân xa lánh. Nhiều lúc, tôi nghĩ đến việc uống một liều thuốc để vĩnh viễn rời xa cõi đời này nhưng nghĩ đến con, tôi lại thôi", chị Vũ Thị Xuân ở xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, Ninh Bình - chia sẻ.
Chúng tôi tới thăm gia đình chị cũng là lúc chị đang dạy cô con gái út 13 tuổi học bài. Thấy người lạ, cháu T. không học nữa mà đứng núp sau cánh cửa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dè chừng, cảnh giác. Chị bảo: “Nhiều người kì thị, thi thoảng còn nói xấu nên cháu không muốn lại gần ai”. Nói rồi, chị ôm con vào lòng. Chị lén quay đi mặt gạt những giọt nước mắt chảy dài trên má kể lại những tháng ngày buồn tủi của gia đình.

Chồng chất nỗi đau

Chị Xuân kể, năm 1999, chị lập gia đình với anh Huệ - người cùng quê. Sau một năm, cô con gái đầu lòng ra đời trong niềm hạnh phúc của vợ chồng chị. Lúc nông nhàn, chồng đi xây, vợ làm đồng, tối về vợ tranh thủ may vá. Cuộc sống gia đình chị lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Năm 2004, chị sinh bé T. Tuy nhiên, khi bé được 10 tháng tuổi, cháu bị tiêu chảy dài ngày không dứt và phải nằm điều trị tại BV Nhi TƯ. Tại đây, BV đã phát hiện cháu T. bị nhiễm HIV. Ngay sau đó, cả gia đình đều làm xét nghiệm HIV. Đau đớn thay, cả hai vợ chồng chị đều nhiễm HIV, trừ cô con gái đầu lòng là khỏe mạnh.

“Lúc biết 3 người bị nhiễm HIV, tai tôi ù đi, trời đất như sụp xuống, phía trước là một màn đêm mịt mù bao vây lấy gia đình”, chị chia sẻ.
1.JPG
Chị Xuân bên cháu T
Lúc ấy, chồng chị kể lại rằng đã có một lần duy nhất anh bị người cháu họ rủ rê thử tiêm chích ma túy. Do thiếu hiểu biết, anh đã dùng chung bơm kim tiêm với cháu và bị nhiễm HIV. Anh day dứt, đau khổ vì lỗi lầm đã đem bệnh về cho vợ con. Tinh thần và sức khỏe của anh suy sụp.

Từ khi biết mình bị nhiễm HIV, suốt một thời gian sau đó, chị đã đau khổ, dằn vặt xen lẫn tủi hờn, trách móc, hết nghĩ đến chồng con, lại trông bản thân khiến cơ thể bị suy kiệt. Chị bảo: “Biết vợ chồng tôi bị nhiễm HIV, bạn bè và cả người thân trong gia đình xa lánh. Mỗi khi ra đường, tôi cũng không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Nhiều lúc, tôi nghĩ đến việc uống một liều thuốc để vĩnh viễn rời xa cõi đời này”.

Quyết định bất ngờ

Gạt nỗi đau sang một bên, chị Xuân đã bán một phần đất của gia đình, đi vay nặng lãi được 18 triệu đồng lên lại Hà Nội chạy chữa. Được một thời gian, gia đình chị về quê thì bị dân làng xa lánh, không ai đến chơi hay động viên. “Khi cháu T. mới đi học, nhiều phụ huynh không đồng ý cho học chung lớp. Ngay cả thầy, cô giáo cũng có người e ngại, không muốn nhận cháu vào lớp. Cháu nó còn nhỏ nào có biết căn bệnh nó như thế nào đâu. Có hôm, hai mẹ con nằm ngủ, cháu hỏi: “Mẹ ơi, con sắp chết phải không? Con chưa muốn chết đâu, con muốn đi học cơ”. Tôi nghe mà không cầm được nước mắt”, chị Xuân kể.

Trong thời gian điều trị tại Hà Nội, chị Xuân đã gặp một số anh chị em trong Câu lạc bộ (CLB) những người có HIV. Các anh, chị đã động viên gia đình chị rất nhiều. Chị thấy đó là liều thuốc tinh thần giúp mình vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục cuộc sống. Khi ấy, chị nghĩ: “Dù không còn sống được được bao lâu, cũng phải làm một công việc có ích để giúp đỡ những người cũng cảnh ngộ”.
04092013164334_1.JPG
Chị Xuân (áo xanh) đi tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV
Tại Ân Hòa, đầu những năm 2000, HIV như cơn đại dịch trút xuống làng quê nghèo khó này. Cũng bởi, khoảng những năm 90 thế kỷ trước, cơn lốc tìm vàng lan rộng khắp xã Ân Hòa. Đi đâu cũng chỉ nghe người dân bàn chuyện đi đào vàng. Trung niên đi, thanh niên đi, đến cả những đứa trẻ mới lớn cũng vội vã tìm đến những bãi vàng ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Nghệ An… Khi bị cơ quan chức năng truy quét và đóng của các bãi vàng trái phép, hàng trăm lao động lại lũ lượt trở về quê và không ít trong số đó đã mang trong mình virus HIV. Họ là đối tượng đã lây truyền HIV cho chính những người thân trong gia đình. Lúc ấy, có gia đình 4 người cùng bị nhiễm HIV, có gia đình cả vợ và chồng, con cùng nhiễm bệnh. Những cái chết diễn ra liên tiếp. Không khí tang tóc, u ám bao trùm cả miền quê.

Từ thực tế của địa phương và gia đình, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị Xuân nảy ra ý tưởng thành lập nhóm tự lực của những người có "H" tại xã Ân Hòa và lấy tên là “Khát vọng tình thương”. Chị đưa ý tưởng này ra chính quyền địa phương và được UBND xã, các ban ngành, đặc biệt là Hội LHPN ủng hộ. Tháng 1/2008 CLB “Khát vọng tình thương” của xã Ân Hòa được thành lập. Ban đầu, CLB chỉ có 15 hội viên, tất cả đều là những người nhiễm HIV, do chị làm chủ nhiệm.

Cầu nối yêu thương

Hằng tháng, CLB “Khát vọng tình thương” sinh hoạt theo chủ đề dưới các hình thức nói chuyện chuyên đề, hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị Xuân tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống HIV, hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc người có HIV tại nhà. Cũng nhờ đó, nhiều hội viên đã tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Bế cô con gái 20 tháng tuổi khỏe mạnh trên tay, chị N.T.L (28 tuổi, xã Ân Hòa) tươi cười mời khách vào nhà. Chị bảo, không ngờ có ngày mình được hưởng niềm vui làm mẹ này. Chị L. lập gia đình năm 2010. Thế nhưng, trong một lần ốm, chị làm xét nghiệm, thì được biết đã nhiễm HIV. Ngay lập tức, cả chồng chị cũng đi xét nghiệm và phát hiện nhiễm HIV. Anh thừa nhận trước đó đi đào vàng đã chích ma túy, không ngờ đã mang trong mình căn bệnh này.
hiv1.jpg
Tuyên truyền cho những người nhiễm HIV tại Ân Hòa
Khi sinh tham gia sinh hoạt tại CLB “Khát vọng tình thương” chị L. biết tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 25%, nhưng nếu dự phòng tốt thì chỉ khoảng 5%, thậm chí là 2%. Có nghĩa, người mẹ nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh. Vợ chồng chị quyết định sinh con. Khi que thử báo hai vạch, chị hồi hộp đến mất ăn mất ngủ. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị kiên trì dùng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) theo hướng dẫn.

Đến ngày sinh, một bé gái xinh xắn chào đời, nhưng chị vẫn nơm nớp. Khi kết quả xét nghiệm HIV của bé âm tính, chị đã mừng, nhưng còn phấp phỏng. Bởi sau 18 tháng, nếu kết quả xét nghiệm HIV âm tính thì mới khẳng định là đứa trẻ đó không bị nhiễm HIV. Trong suốt thời gian chờ đợi, chị hồi hộp, hy vọng, bởi biết đâu số mình không may mắn! Chỉ đến khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV âm tính của con sau 18 tháng, niềm vui mới thật sự hiện rõ trên khuôn mặt chị. Chị bảo: “Từ giờ đến lúc cuối đời. Tôi sẽ cố gắng làm lụng để nuôi con nên người”.

Không chỉ tư vấn, tuyên truyền, CLB còn là cầu nối, từng bước giúp hội viên vượt qua khó khăn. Bởi khi tham gia CLB, mỗi tháng, hội viên đóng góp 50.000 đồng làm quỹ. Số tiền này CLB dùng để cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất. Nhờ đó, một số hội viên đã thoát nghèo, điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn T.
ps2.jpg
Dù khó khăn, nhưng chị Xuân vẫn miệt mài với công việc mình đã chọn
Anh T. cho biết, sau bao năm đi khai thác vàng, anh bị nhiễm HIV và lây cho vợ. Vì thế, vợ mất sớm, để lại cho anh 3 đứa con thơ và gánh nặng nợ nần. Chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống, anh bỏ mặc con cái cho bố mẹ già, còn mình xa vào rượu chè. Được chị Xuân động viên, anh tham gia sinh hoạt ở CLB. Ở đây, anh được chia sẻ tình cảm với những người có cùng cảnh ngộ, được khám chữa bệnh và phát thuốc miến phí. Ngoài ra, CLB giúp anh vay vốn từ nhiều nguồn quỹ khác nhau. Từ số vốn ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng, anh nuôi lợn, gà, rồi tranh thủ đi phụ hồ. Cuộc sống gia đình dần vơi đi khó khăn. Bây giờ, anh có thể nuôi sống mình và con cái, đồng thời tự tin hơn, cởi mở với mọi người xung quanh.

Theo chị Xuân, dù biết nhiều người bị nhiễm HIV, nhưng khó nhất là làm sao lôi kéo họ tham gia vào CLB. “Tôi tìm đến nhà thì họ lẩn tránh, từ chối tiếp xúc. Có người còn chửi: “Đồ điên, tao có mắc bệnh đâu mà bảo tham gia”. Không nản chí, ngày ngày chị đạp xe đi thôn cùng ngõ hẻm, tìm đến gia đình những người có biểu hiện nhiễm HIV vận động họ tham gia CLB. Chúng tôi phải xuống từng nhà, gặp từng người để vận động, một lần chưa thấm, lại đi hai lần, ba lần mới được. Thấy chị không giấu bệnh, lại nhiệt tình nên mọi người tham gia CLB ngày càng đông. Từ 15 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã có 43 thành viên. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, CLB đã trở thành chỗ dựa về vật chất, tinh thần và là bến đỗ bình yên cho những người nhiễm HIV gặp khó khăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn