Người phụ nữ Nùng giúp dân tăng thu nhập từ cây sả

12:24 | 11/09/2019;
Ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) không ai còn lạ gì với người phụ nữ dân tục Nùng - Vi Thùy Dương. Chị đã thành công trong việc giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập từ cây sả.
Đau đáu tìm đường kinh doanh, suýt mất đi tổ ấm
 
Nói về con đường làm kinh tế của mình, chị đùa rằng cuộc đời chị “bầm dập” không ít. Là con nhà nòi theo ngành giáo dục, mẹ là Hiệu trưởng của trường mầm non, còn chị là giáo viên. Trong một lần đi tham quan tại tỉnh Hòa Bình, chị thấy cây sả được người dân chú trọng trồng và chế biến thành tinh dầu mang lại lợi nhuận cao. Bản thân Thùy Dương đã chứng kiến sự khó khăn vất vả của bà con, cô thấy cần phải làm việc gì đó cho quê hương, để nâng cao thu nhập, dần mang lại cuộc sống ổn định và bền vững cho bà con. 
 
Vi Thùy Dương mang sản phẩm của mình đến với hội chợ tại Hà Nội - Ảnh: Kiều Trang

 

Trong thời gian cộng tác cùng tổ chức phi chính phủ ChildFund triển khai các dự án công đồng ở địa bàn huyện cũng như trên toàn tỉnh Bắc Kạn, nhận thấy cây sả là một loại cây đã tồn tại như một cây bản địa bền vững ở địa phương, đặc biệt là mọc hoang dã ở những nơi đất dốc, khô cằn. Bà con chưa biết nhiều về lợi ích của cây sả, nên chỉ mới dùng để làm gia vị hoặc nấu nước tắm. 
 
Tự tin và đầy hào hứng khi nói về những việc mình làm và sản phẩm mình có
 
 
Chính vì vậy, Thùy Dương đã quyết định chọn cây sả để phát triển và ước mong thúc đẩy cây sả thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con quê nhà. Nhận thấy quê hương Nguyên Phúc cũng có những điều kiện tự nhiên và nguồn lao động phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu sả, chị nuôi ý tưởng chế biến tinh dầu từ cây sả. Sau rất nhiều ngày đêm trăn trở, đắn đo, chị quyết định đi theo hướng này để làm kinh tế. 
 
Thùy Dương chủ động mang sản phẩm đi giới thiệu và tìm các đối tác cho HTX

 

“Khi tôi bỏ nghề giáo viên ra ngoài làm thì bị mẹ từ mặt, nhưng tôi quyết tâm làm để chứng minh cho gia đình thấy nhận định của mình là đúng, sau này sẽ xin lỗi mẹ sau. Nhưng quả thật làm kinh tế không dễ dàng. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ làm tinh dầu sả, đi khắp mọi nơi, bỏ bê cả việc chăm sóc con cái, để tìm hiểu thị trường tìm hiểu công nghệ. Chồng tôi không ủng hộ tôi vì nghĩ tôi viển vông cho nên giữa chúng tôi bắt đầu có rạn nứt. Năm 2017 chúng tôi ly thân.
 
Đôi lúc tôi băn khoăn tự hỏi liệu con đường mình đi có quá mạo hiểm không? Thành công đâu chưa thấy nhưng mất mát lại quá nhiều và tôi có ý định bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của các anh chị em bạn bè tôi lại gắng gượng bước tiếp. Tôi bắt đầu khởi nghiệp lại bằng nguồn vốn vay ít ỏi của Hội phụ nữ huyện và tham gia chương trình "OCOP – Mỗi xã phường 1 sản phẩm". Khi tham gia chương trình này được sự hướng dẫn bài bản của các chuyên gia, tôi bắt đầu định hướng sản phẩm của mình, từ đấy, sản phẩm được hoàn thiện và kết nối để bán ra ngoài. Cũng may, sau một thời gian rạn nứt, mẹ và chồng đã hiểu được công việc của tôi và chung tay giúp đỡ tôi, mẹ cho tôi vay tiền để đầu tư và chồng quản lý xưởng, trông con giúp tôi có thời gian phát triển công việc và hướng dẫn bà con”, chị Vi Thùy Dương chia sẻ.
 
Tăng thu nhập cho người dân
 
Chị Dương cho biết, ban đầu khi vận động bà con trồng sả chẳng ai tin lợi nhuận có được từ cây sả nên chị trồng trước tại vườn nhà mình vài trăm mét sả. Sau 3 tháng đầu tiên thu lứa lá thứ nhất, ba tháng tiếp theo thu lứa lá thứ 2 và, sau đó 45 ngày thu một lần lá, một năm thu 7 lứa lá. Từ lá này cho đem chưng cất ra được tinh dầu, sau khi đã nấu hết tinh dầu được đưa ra phân loại, lá dài để làm đồ thủ công mĩ nghệ, lá vụn để ủ phân. Tất cả các giai đoạn hoàn toàn làm bằng thủ công. Hiện tại số diện tích sả của HTX trồng và liên kết với bà con lên đến gần 10ha. Thu nhập trung bình của bà con là từ 30-40 triệu đồng 1ha/lá/ 1 năm, như vậy bình quân là hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Theo nhận định của chị, hiện tại, nguyên liệu để sản xuất tinh dầu đang rất thiếu.
 
Nghiên cứu sâu về cây sả, Thùy Dương nhận thấy cây sả có rất nhiều ưu điểm như: dễ trồng,
không kén đất, thích nghi rộng với mọi vùng khí hậu, tốc độ sinh trưởng cao, phù hợp với việc trồng tận dụng trên sườn dốc hay dưới chân vườn cây chưa khép tán...

 

Không chỉ manh mún là tinh dầu sả, chị nghĩ cần phải làm bài bản thì sản phẩm mới hấp dẫn, chuyên nghiệp, mới có khách đặt mua. Chị mạnh dạn kêu gọi hợp tác đầu tư từ bên ngoài và được công ty cổ phần Tập đoàn phát triển doanh nghiệp Việt VIETED cùng thầy Trần Văn Ơn - tư vấn trưởng chương trình OCOP tham gia hợp tác đầu tư với tư cách thành viên và tư vấn quản trị cho HTX.
 
HTX Hương Ngàn (hương của núi rừng) được tái cơ cấu lại do Thầy Trần Văn Ơn làm Chủ tịch hội đồng quản trị và chị Vi Thùy Dương làm giám đốc. HTX sau khi tái cơ cấu đã đẩy mạnh việc mơ rộng sản xuất, tiếp nhận công nghệ mới đã bước đầu đi vào hoạt động bài bản.
 
Ngoài ra, Hội phụ nữ Tỉnh cũng hỗ trợ HTX Hương Ngàn một bộ thiết bị chưng cất tinh dầu 500 lít để giúp bà con năng suất hơn trong việc chưng cất tinh dầu.
 
Sản phẩm thân thiện với môi trường
 
“Tôi khẳng định, sản phẩm HTX làm ra rất thân thiện với môi trường, lá sả sau khi chưng cất xong, lá dài sấy khô, đan thành đồ thủ công mỹ nghệ, phần bã nát thì ủ lấy phân. Như vậy cả quá trình sản xuất, không đưa một chút rác thải nào ra môi trường. Đây hoàn toàn là sản phẩm tự nhiên có lợi cho sức khỏe, tiện dụng cho người sử dụng, có thể dùng để xông mặt, nhỏ tinh dầu vào máy xông, dùng tắm, đuổi muỗi, khử mùi”, chị Dương tự tin.
 
Cây sả sau khi chưng cất tinh dầu thì bã sả được dùng đan các sản phẩm thủ công

 

 
Chị cũng cho biết thêm, ngoài cây sả đang được HTX kêu gọi bà con trồng và phát triển Bắc Kạn còn có một vựa quýt lớn. Tổng diện tích cho thu hoạch lên đến 1600ha và cho thu hoạch khoảng 23.000 tấn/1 năm tuy nhiên khoảng 5000 tấn quýt rụng và quýt bi không đưa được ra ngoài thị trường hoặc bán với giá cực rẻ thì được tận dụng được để chưng cất tinh dầu tăng thêm thu nhập cho bà con nhà vườn và giảm việc ô nhiễm môi trường từ quýt thối quýt rụng.
 
Chính vì vậy, ngoài sản phẩm tinh dầu sả HTX Hương Ngàn còn phát triển thêm sản phẩm với tinh dầu quýt. Ngay trong mùa đầu tiên HTX đã kí được 1 hợp đồng xuất khẩu tinh dầu quýt lớn với 1 công ty Dược tại Hà Nội với trị giá hợp đồng lên tới gần 700 triệu đồng và giải quyết cho bà con được hơn 100 tấn quýt tận dụng.
 
Hiện tại, HTX đang triển khai trồng nguyên liệu ở thôn Khuổi Bốc, xã Sỹ Bình và đã vận động được 15  hộ dân trồng sả cung cấp nguồn nguyên liệu cho hợp tác xã. Còn với sp quýt thì HTX kí hợp đồng thu mua với 2 hợp tác xã khác ở trong tỉnh.
 
Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị Dương đã chủ động thường xuyên đưa HXT tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Hiện nay các sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã Hương Ngàn được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên…
 
Các sản phẩm tinh dầu của Hợp tác xã làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy, đa phần làm không đủ đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu còn ít. Do đó, Hợp tác xã đang tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu.
 
HTX Hương Ngàn đã tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người dân, giú đời sống người dân được nâng lên
 
 
Đến giờ, Thùy Dương có thể tự hào vì không chỉ đời sống của chị mà còn của bác con trong xã đã được cải thiện rõ rệt. “Hy vọng rằng hợp tác xã Hương Ngàn sẽ mở rộng được quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo”, chị Dương nói.
 
Những héc ta sả ngày càng được nhân rộng tại xã Nguyên Phúc huyện Bạch Thông, Bắc Kạn

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn