Người phụ nữ phát kiến văn hóa Ả rập

11:35 | 07/08/2016;
Tại các thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của mình, Gertrude Bell là một nhà văn, điệp viên, nhà ngoại giao, nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học… và đôi khi đảm nhiệm tất cả cùng một lúc.
Gertrude Bell là người phụ nữ có cuộc đời phi thường đầu thế kỷ XX. Không chỉ nước Anh, mà cả thế giới sẽ còn nhớ tới bà nhờ những phát kiến quan trọng của bà về văn hoá Ả rập. Bà đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Anh về Ả rập và đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập nên quốc gia Iraq hiện đại.

Sinh ngày 14/7/1868 tại Durham (Anh) trong một gia đình giàu có, Gertrude Bell là con gái của nhà công nghiệp Isaac Lowthian Bell. Nhờ vậy mà sau này bà có nguồn tài chính dồi dào để chi tiêu trong những chuyến viễn du khắp thế giới.

Ở tuổi 16, Gertrude theo học tại trường nữ sinh Lady Margaret Hall thuộc Đại học Oxford. Chỉ sau 2 năm rưỡi, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu danh sách trong lịch sử của trường.
4.jpg
Chân dung Gertrude Bell
Sau đó bà đã đi đến những vùng đất như Iran, Mesopotamia, Jerusalem và Thuỵ Sĩ. Bà bắt đầu đam mê khảo cổ và leo núi trên dãy Alps của Pháp. Sự mê hoặc của văn hoá Ả rập đã khiến bà học tiếng Ả rập và nhiều thứ tiếng khác. Để thuận lợi cho công việc, tại Jerusalem bà đã cải trang thành nam giới và đắm chìm vào cuộc khám phá thế giới bí ẩn trong cộng đồng Druze (nhánh Hồi giáo ở Syria, Lebanon, Israel và Jordan ngày nay).

Bell đã rong ruổi khắp nơi, đến những vùng sa mạc của Ả rập trên lưng lạc đà, kết bạn, tham gia khai quật khảo cổ học, tích cực tìm tòi, khai phá các nền văn hóa khác nhau.

Năm 1915, Gertrude Bell trở thành tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Pháp nhưng ít lâu sau, bà được cử sang Cairo (Ai Cập) công tác cho văn phòng của tổ chức này. Bà là người đã kích động phong trào nổi dậy của người Ả rập chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhờ khối lượng kiến thức lớn cũng như mối quan hệ cá nhân với những bộ lạc Ả rập mà Gertrude có khả năng cung cấp được lượng thông tin tình báo dồi dào cho nước Anh. Những thông tin này được T. E. Lawrence (sĩ quan quân đội Anh) và những người khác sử dụng dẫn tới thành công trong cuộc khởi nghĩa Ả rập (1916 – 1918).
3.jpg
 Bà đi qua nhiều vùng đất khác nhau, khám phá các nền văn hóa.
Năm 1916 bà tới Basra. Bà đã vẽ bản đồ giúp quân đội Anh tiến vào Baghdad. Bà là nữ sĩ quan duy nhất trong quân đội Anh khi đó và sau này vì thành tích “vẽ nên bản đồ Iraq” bà đã được tặng thưởng C.B.E. (huân chương cao nhất của quân đội Anh).

Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt dẫn tới sự sụp đổ của đế chế Ottoman. Bà trở thành nhân vật đắc lực trong những cuộc đàm phán đầu tiên về biên giới Iraq. Chính bà đã thuyết phục thủ tướng Anh Churchill công nhận Faisal là quốc vương của Iraq. Sau đó, với tư cách là cố vấn không chính thức cho quốc vương Faisal, bà được gán biệt danh “Nữ hoàng Iraq không ngai”. Điều đó cho thấy bà có khả năng tuyệt vời trong việc thuyết phục các chính khách chấp nhận ý kiến của bà. Nhà văn nữ cùng thời đã mô tả Gertrude Bell như sau: “Người đàn bà hách dịch, ở trên muôn người, khiến ta có cảm giác bất tài”.

Đáng tiếc là sự hình thành một quốc gia Iraq mới đã không mang lại được ổn định cho người dân ở đất nước này, mà lại là nguồn cơn cho những xung đột giữa các bộ lạc khác nhau. Sự hiện diện của người Anh ngày càng trở thành cái gai trong mắt người Iraq và dẫn đến sự đối đầu bạo lực dai dẳng và tốn kém.

Sau khi tình hình ở Iraq tạm yên, Gertrude lại tiếp tục theo đuổi đam mê khảo cổ của mình. Bà thành lập bảo tàng Khảo cổ học Baghdad với những bộ sưu tập cổ vật phong phú của Babylon. Bà là người tiên phong trong việc kêu gọi quốc tế gìn giữ cổ vật tại các nước mà cổ vật có xuất xứ. Bảo tàng Baghdad đã từng là một trong những bảo tàng khảo cổ uy tín nhất của thế giới.
2.jpg
  Cuộc đời bà là những hoạt động không ngơi nghỉ trên nhiều lĩnh vực.
Không những thế, bà còn tìm được những tác phẩm thơ huyền bí của Hafiz – nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 14 và dịch đầy cảm hứng sang tiếng Anh. Bản dịch đó đến nay vẫn rất phổ biến và khiến thế giới bên ngoài hiểu thêm tâm hồn của người  Ả rập. Victor Winstone - người viết tiểu sử cho Gertrude Bell đã mô tả cuộc đời bà là “sự kế tục hầu như không ngơi nghỉ của những thành tựu xuất chúng”.

Đáng tiếc là cuộc đời sáng chói của Gertrude Bell đã có một kết cục bi kịch vào tháng 7/1926. Cuộc khởi nghĩa chống lại người Anh của chính quyền Iraq khiến tình hình ở nước này rối ren. Cộng thêm tác động của bệnh tật, và cả sự cô đơn, bà đã quyết định quyên sinh bằng thuốc ngủ quá liều.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn