Từ đầu năm 2014, chị H.T.K.O (SN 1980, ngụ Q.12, TPHCM) bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng ở vùng rốn và buồn nôn. Đi khám tại một bệnh viện lớn tại TPHCM, chị được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng. Nhưng sau khi điều trị, tình trạng đau của chị không hề thuyên giảm.
Tiếp tục đến một bệnh viện khác để khám, chị O. được chẩn đoán đau bụng do căng thẳng, lo âu và được chỉ định uống thuốc an thần, trầm cảm. Song, những cơn đau vẫn cứ tiếp diễn, nữ bệnh nhân lại tìm đến một bệnh viện khác.
Hơn 5 năm qua, chị O. đã lặn lội, đến rất nhiều bệnh viện tại TPHCM, khi thì được chẩn đoán viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP, khi thì được chẩn đoán đau bụng cơ năng do yếu tố thần kinh nhưng sau khi điều trị. Tuy nhiên, những cơn đau vẫn không chấm dứt mà ngày càng tăng lên.
Theo chị O., thường đến 2 giờ chiều (sau khi ăn trưa 2 tiếng), chị bắt đầu đau bụng dữ dội kèm theo nôn, nôn hết thức ăn rồi đến dịch mật. Sau đó, cơn đau giảm dần đến khoảng 6 giờ chiều và lặp lại mỗi ngày.
“Đã đi khám và điều trị ở rất nhiều bệnh viện nhưng không hiệu quả nên tôi rất lo lắng, không biết nguyên nhân thật sự gây ra tình trạng của mình là gì và làm thế nào để chấm dứt nó. Tôi mệt mỏi, chán nản rồi sau đó hoang mang. Nhiều lúc tôi còn nghĩ liệu có phải mình mắc bệnh nan y, hay mình bị ung thư… Tinh thần tôi rất tệ, cảm thấy mọi thứ như bế tắc”, nữ bệnh nhân kể.
Từ 56kg, chị O. sút còn 52kg, 50kg, rồi 48kg. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, chị gần như suy sụp, hầu như tháng nào cũng phải nhập viện cấp cứu, có tháng còn nhập viện 2 lần. Lúc này, chị O. chỉ còn 44kg, yếu đến nỗi không để tự đi bộ quá 5 mét.
Chị O. nhập viện Bệnh viện Gia An 115 (TPHCM) trong tình trạng cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều suy kiệt, ngoài triệu chứng đau bụng, buồn nôn còn bị thiếu máu, thường xuyên chóng mặt. Khi khai thác bệnh sử của bệnh nhân K.O, thấy bệnh nhân có bệnh cảnh dài, tiền sử bệnh khá phức tạp như từng mổ tử cung 3 lần, hơn nữa tình trạng đau bụng lại bất thường nên đã hướng dẫn bệnh nhân đi nội soi ruột, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính và siêu âm ổ bụng để tầm soát.
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 - chuyên gia tại Bệnh viện Gia An 115, cho biết, sau khi quan sát kỹ các kết quả cận lâm sàng thì nhận thấy bệnh nhân có xơ hóa và hẹp hồi tràng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn hồi tràng xơ hóa và hẹp. Tuy nhiên, do thể trạng bệnh nhân quá yếu, thiếu máu nặng nên đã được chăm sóc tích cực để nâng cao thể trạng trước khi phẫu thuật.
Ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 thực hiện thành công, bệnh nhân giảm đau rất nhanh và được xuất viện sau đó. Đến nay, bệnh nhân không còn đau bụng, buồn nôn hay chóng mặt, ăn uống ngon miệng, tinh thần rất vui vẻ, thoải mái và đã tăng được 2kg.
Bác sĩ Phượng cho biết, viêm ruột, hẹp hồi tràng tuy không phải là bệnh trực tiếp đe dọa tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, để kéo dài như trường hợp của nữ bệnh nhân trên thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh. Đáng ngại khi đây lại là bệnh hiếm gặp và khó phát hiện.
Theo bác sĩ Phượng, những triệu chứng như đau bụng, nôn ói có thể gây nhầm lẫn với các bệnh như viêm loét dạ dày-tá tràng hay hội chứng ruột kích thích do yếu tố thần kinh. Hơn nữa, trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan, những cơ quan này nằm gần nhau nên biểu hiện đau gần giống nhau, vì thế việc chẩn đoán chính xác đòi hỏi phải có kỹ năng thăm khám của bác sĩ, kết hợp với việc am hiểu và sử dụng đúng các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng.
Bên cạnh 2 yếu tố trên, để việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng chính xác, các bác sĩ cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía người bệnh. Theo đó, người bệnh nên mô tả chi tiết và đầy đủ những biểu hiện mà mình cảm nhận, báo cho bác sĩ những bất thường về sức khỏe trong quá khứ, tuân thủ những yêu cầu của bác sĩ khi khám bệnh. Khi có thắc mắc, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ, không tự ý làm theo ý mình hoặc lời khuyên của người khác.
Ngoài ra, khi thấy đau bụng, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau vì bác sĩ sẽ căn cứ trên triệu chứng này để theo dõi cho đến khi tìm ra nguyên nhân. Với những trường hợp đau bụng do nguyên nhân ngoại khoa như viêm ruột thừa, tắc mật, tắc ruột... thường phải phẫu thuật, việc tự ý dùng thuốc giảm đau sẽ gây khó khăn cho việc chẩn đoán và làm trì hoãn việc phẫu thuật điều trị.