Ấn tượng đầu tiên về chị Hoa cứ ám ảnh mãi trong tôi là hình ảnh một cô gái không còn hình hài bình thường, nhỏ thó nơi góc giường, một tay cố đỡ điện thoại tay kia cầm cây bút khó nhọc viết những làn điệu Ví, Giặm. Trò chuyện cùng chị Hoa, tôi vô cùng cảm phục nghị lực sống của cô và tin rằng, với một người tật nguyền như chị Hoa thì Ví, Giặm không chỉ để hát, mà còn là động lực để sống.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, bố mẹ là cựu binh chống Mỹ. Ông trời đã ban tài năng bẩm sinh nhưng dường như cũng lấy đi của chị nhiều thứ. Từ nhỏ, chị đã rất mê dân ca và mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo dạy nhạc. Thế nhưng ước mơ này của chị bị tắt lịm từ khi chị học lớp 7 vì cơ thể em ngày càng teo tóp, oèo oặt do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ người bố từng vào sống, ra chết trên chiến trường máu lửa. Cũng chính từ đó, từ một học sinh giỏi, nhưng không thể tự mình đến trường, hết lớp 7 chị đành gác bút nghỉ học ở nhà. Trở thành người tàn tật, mọi sinh hoạt của cá nhân đều phải dựa vào người thân, ai cũng nghĩ, ước mơ trở thành cô giáo dạy nhạc khép lại với chị từ đó.
Dẫu vậy, mỗi khi nghe bố, hay các nghệ sĩ Tiến Dũng, Lệ Thanh, Hồng Lựu hát dân ca, lòng chị lại xốn xang và khát khao, rồi ước ao về một thân hình khỏe mạnh bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng rồi chị đã phải giấu nỗi khát khao tận đáy lòng, bởi đôi chân chị ngày càng yếu dần và sau đó là không thể đi lại được nữa.
Nỗi đau đớn về thể xác cộng với nỗi đau về tinh thần khiến chị Hoa nhiều lúc không thiết sống nữa. Nhưng rồi chị vẫn phải chịu đựng để vượt qua. Và để quên đi nỗi đớn đau, quên đi sự vô dụng của bản thân, chị Hoa đã tự tập tành viết tiểu phẩm một cách bản năng. Sau đó thì chị có ý thức rõ ràng hơn. Chị hỏi bố, rồi mày mò đọc trên mạng không chỉ để biết kỹ năng viết mà để tìm hiểu về Ví, Giặm. Chị đọc rất nhiều sách báo, tiểu thuyết, truyện ngắn, rồi tranh thủ hỏi han những người am hiểu dân ca Nghệ Tĩnh. Nhờ đó chị đã có được một vốn hiểu biết về dân ca Ví, Giặm khá phong phú và một khả năng sáng tác.
Mẹ chị bảo: Từ khi đọc sách, báo, được nghệ nhân dân ca giúp đỡ, nó không còn luôn miệng đòi chết nữa, mà suốt ngày tìm tòi đọc đọc, viết viết. Mấy năm trước, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, tôi bế Hoa ra bàn và nó cứ ngồi viết cả buổi cho đến khi tôi về. Dăm năm nay thì nó nằm trên giường viết. Nó đã được sống lại!
Từ lúc nắm vững các làn điệu ví giặm, chị bắt đầu tập viết lời mới, các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca với bút danh Quỳnh Hoa. Biết đến tài năng người phụ nữ tật nguyền, mỗi dịp lễ, hội, Tết đến xuân về, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị ở địa phương lại đến nhờ chị viết.
Bây giờ, chị Hoa không còn bận tâm nhiều về nỗi đau đớn của thể xác, về sự vô dụng của mình mà đã tìm thấy niềm vui sống từ Ví, Giặm. Hơn 1.600 tiểu phẩm, đối ca, diễn xướng Ví, Giặm với đủ mọi nội dung sáng tác khá phong phú, từ chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, người lính, đến xây dựng nông thôn mới, kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, nói không với thực phẩm bẩn… Tác phẩm nào cũng nóng hổi tính thời sự, chan chứa tình đời, tình người được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Khi được hỏi vì sao chị có thể sáng tác được nhiều đến vậy? Chị bảo, có thể chị đã được thừa hưởng một phần gen nghệ thuật từ người bố; ít nhiều được sống trong môi trường làm việc của bố; Có thể tình yêu Ví, Giặm đã có sẵn trong lòng cô. Nhưng có lẽ, cái quan trọng nhất, là vì cô cần một niềm vui sống. Chị tìm thấy niềm vui ấy chính từ trong Ví, Giặm và đã hát, đã viết, đã truyền niềm yêu thích Ví, Giặm của mình cho mọi người xung quanh. Chị nắm vững hàng chục làn điệu Ví, Giặm cổ và cải biên vừa để truyền dạy cho mọi người vừa giúp cô sáng tác.
Từ năm 2002, các tiểu phẩm "Tiễn anh lên đường", "Con đã sai" (về ma túy) của chị đều đạt giải nhất liên hoan văn nghệ của xã nhà và của trường cấp 3 huyện Tân Kỳ. Rồi chị còn làm thơ, mà theo chị là để đặt lời mới cho Ví, Giặm được tốt hơn. Bài thơ "Em là Cô gái Nghệ" của chị đã đạt giải khuyến khích diễn đàn văn thơ thành phố Hồ Chí Minh năm 2016. Các trường, các đoàn thể trong, ngoài xã của huyện nhà, thậm chí cả ở các huyện Tân Kỳ, Yên Thành cũng nhờ chị sáng tác. Nhuận bút có khi chỉ là những gói bánh, gói kẹo, nhưng chị rất vui.
Cô giáo Trần Thị Hương, Hiệu phó Trường mầm non xã Giang Sơn Đông, bảo: “Các cô giáo có thể hát ngọt hơn, nhưng để hát Ví, Giặm cho đúng thì phải nhờ chị Hoa hướng dẫn. Mà chị ấy nhiệt tình lắm. Có những lần trường mở hội thi, gần 20 giáo viên đều đến nhờ viết màn chào hỏi và hoạt cảnh dân ca, chị ấy viết được hết”. Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non và là thành viên CLB dân ca của xã góp chuyện: Từ nhiều năm trước, khi chưa về đây, em đã thể hiện rất nhiều bài hát, tiểu phẩm do chị Hoa viết. Lối viết của chị ấy xúc động lắm, cả người diễn và người xem đều rơi nước mắt. Tại Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh toàn tỉnh vừa qua, diễn xướng Tình kẹo trao duyên của chị Hoa viết về nghề trồng mía làm kẹo ở Đô Lương đã đạt giải A”.
Còn Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thanh (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) thì rất quý Hoa vì “… cơ thể tật nguyền như vậy nhưng nghị lực và niềm đam mê Ví, Giặm thì rất mạnh mẽ”. Bà Thanh còn cho biết, vẫn giữ rất nhiều bức thư Hoa viết cách đây mười mấy năm nhờ bà giúp tìm hiểu Ví, Giặm, rồi nhờ bà xuống tận nhà để bày dạy được tỉ mỉ. Chị Hoa vẫn thường xuyên trao đổi với bà mỗi khi viết một bài ca, diễn xướng mới.
CLB dân ca xã nhà được thành lập 2 năm nay do chị Hoa làm chủ nhiệm. Sức khỏe quá yếu, chị Hoa không còn hát được nhiều nhưng cô luôn trăn trở cho các hoạt động của CLB. Có những tiết mục phải dàn dựng múa, chị nêu ý tưởng nhờ người dựng thành sơ đồ trên máy tính và từ đó chỉ bảo cho anh em biết cách đi, đứng thế nào cho phù hợp.
Chị Trương Thị Hằng, thành viên CLB chia sẻ: “Cảm phục nghị lực của chị Hoa mà mọi người tham gia chứ duy trì được CLB này vất vả lắm. Xã nghèo nên không hỗ trợ được gì. Đi đâu, làm gì anh em cũng tự túc hết”. Sau chị Hoa là người mẹ (bố Hoa đã mất năm 2005) và vợ chồng người em trai đã hết sức ủng hộ chị. Kinh tế không dư dả, nhưng cả gia đình đều hỗ trợ để chị thực hiện được đam mê, duy trì được CLB của mình. Sự động viên ủng hộ của mọi người đã cho chị Hoa thêm nghị lực vượt lên số phận. Chị Hoa bảo: Bây giờ chị đã có CLB Ví, Giặm, với 34 thành viên; sinh hoạt khá thường xuyên và còn tổ chức giao lưu với các CLB khác, tạo thêm được một sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng.
“Tôi mong muốn được truyền lửa niềm đam mê của mình cho nhiều người để không làm mai một đi giá trị văn hóa tinh thần quý báu ấy. Tôi mong muốn ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được lan tỏa hơn nữa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…” – chị Hoa trăn trở.
Chia tay chị Hoa, tôi thầm mong những điều ước của cô: Giá như có thể đi được để ra ngoài xã hội học hỏi thêm; Giá như CLB có được nguồn quỹ mua sắm nhạc cụ, trang phục và có thể đi giao lưu biểu diễn nhiều hơn, … sớm thành hiện thực để những nỗ lực lan tỏa Ví, Giặm vào cộng đồng mà chị Hoa ấp ủ sẽ thêm hiệu quả; Và quan trọng hơn, là để tiếp thêm động lực giúp cô đi tiếp chặng đời còn lại.