Sinh ra và lớn lên tại Kon Tum, Hoàng Ly nhận thức rõ đất quê hương mình còn giàu tiềm năng nhưng bà con chưa khai thác, phát triển đúng cách từ nghề nông nên vẫn còn nghèo, còn khổ nhiều. Chị mong muốn một ngày nào đó mình có thể chia sẻ, góp sức cùng với bà con, nhất là những phụ nữ làm nghề nông, hàng ngày vẫn đang nhọc nhằn lên nương làm rẫy mà cuộc sống vẫn bấp bênh, bữa đói, bữa no, không có tài sản tích lũy.
Nghĩ rồi bắt tay vào làm, Hoàng Ly đã quyết tâm hiện thực dự án tạo nên một vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong cộng đồng mà mình đang sinh sống. Với mong muốn làm giàu cho bản thân và mang lại sinh kế cho đồng bào, cho những phụ nữ yếu thế nơi vùng quê xa xôi, núi non điệp trùng tại thôn Kon Jơdri, xã Đăk Rơ Wa - TP Kon Tum.
Vốn tốt nghiệp đại học chuyên ngành môi trường, ít nhiều có liên quan đến nông nghiệp nên việc nghiên cứu, tìm hướng đi cho dự án có chút thuận lợi. Hoàng Ly bắt đầu tìm nguồn cung cây giống, hạt giống từ người dân địa phương để mang về gieo trồng ở vườn nhà. Từng bước sàng lọc, lưu giữ lại những giống tốt, mang nguồn gen quý, đặc hữu, không bị lai tạo hay biến đổi như các loại rau, củ, quả đang có trong vùng. Rồi chị tìm nguồn đất trồng, nhân công, hợp tác với các hộ nông dân để cùng sản xuất những sản phẩm nông nghiệp theo đúng mùa vụ. Tiêu chí hàng đầu là không sử dụng hóa chất độc hại như: thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch.
Hoàng Ly cho biết thời gian đầu vốn ít, phải chạy vạy đủ đường, chủ yếu lấy công làm lời, vừa làm vừa học, tích lũy kinh nghiệm, từng bước xây dựng cơ sở. Quá trình vận động người dân xung quanh hợp tác tham gia cũng không dễ dàng. Cách của Hoàng Ly là nông dân có đất, có công, chị cung cấp cây giống, hạt giống, phân bón, kỹ thuật canh tác. Khi thu hoạch, sản phẩm được chia đôi. Không phải ai cũng tin tưởng vào hướng đi này, thậm chí còn chỉ trích. Thế nhưng chị luôn vững tin, chấp nhận thử thách từng ngày để vươn lên. Hoàng Ly nói: "Ai theo mình thì mình cùng làm, cùng chia sẻ với họ, tiếp tục đi tìm và thuyết phục các hộ gia đình khác để duy trì dự án".
Hướng khởi nghiệp tích cực, phù hợp với thời đại của Hoàng Ly còn được bạn trên mạng xã hội ủng hộ và tham gia từ những ngày đầu, họ trở thành những đầu mối phân phối sản phẩm cho chị tại TPHCM. Đó chính là một trong những thuận lợi để chị phát triển dự án của mình tốt hơn.
Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công ty sản xuất nông nghiệp Moutain Farmers của Hoàng Ly đang áp dụng thành công phương pháp canh tác hữu cơ theo hướng tuần hoàn. Tận dụng nguồn phân bón tự nhiên từ vỏ cà phê, tro trấu, bã đậu và xác bã thực vật từ vườn để làm nguồn phân bón. Mọi quy trình sản xuất tại đây đều được thực hiện theo tự nhiên, không can thiệp bởi bất kỳ hóa chất nào. Các sản phẩm được làm ra tại trang trại được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, các loại rau xanh luôn giữ được hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng.
Hoàng Ly cho biết việc sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp cải tạo đất, tăng độ mùn, giúp đất tơi xốp, thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển theo hướng tự nhiên, bền vững. Đồng thời, lựa chọn giống cây trồng bản địa, không sử dụng giống biến đổi gen cũng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học cho các loại cây trồng.
Sau gần 10 năm khởi nghiệp, hiện nay Hoàng Ly đã phát triển được trang trại rộng hơn 2 ha có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 22 nhân viên, chủ yếu là phụ nữ người đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai… Bên cạnh đó chị còn hợp tác sản xuất với hơn 20 hộ nông dân trồng lúa, ngô, khoai và các loại rau củ quả khác trên địa bàn.
Nhiều người nhìn nhận Hoàng Ly là người phụ nữ có nghị lực, công việc chị làm không đơn thuần là làm kinh tế mà còn là một cách thể hiện tình cảm với bà con trong buôn làng. Có thể nói chị đã có những bước đi đúng đắn trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Kon Jơdri. Ngoài ra Hoàng Ly còn làm tốt công tác xã hội, chị kêu gọi tình nguyện viên về làng hỗ trợ bà con về dự án trồng rừng, dạy ngoại ngữ và các môn học khác…
Phụ nữ làm nhân viên hay hợp tác với công ty của Hoàng Ly đều được chị chia sẻ những kiến thức, kỹ năng hữu ích về gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch theo phương pháp an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, họ có thể tự sản xuất tại nhà nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Ở Moutain Farmers, có nhiều phụ nữ gắn bó với công việc từ 6 đến 8 năm. Trong đó, có chị em chỉ biết đọc chữ, có người học hết lớp 9… được Hoàng Ly động viên, có chị em đã cố gắng học tiếp đến hết đại học... Thậm chí có chị đã lâu không còn cầm bút nay lại lưu loát viết được báo cáo, số liệu mỗi ngày và dần trở lên chỉnh chu hơn trong tổ chức cuộc sống. Những điều đơn giản đó là niềm vui lớn giúp Hoàng Ly thêm tin vào hướng đi của mình. Chị bày tỏ: "Mình luôn hy vọng rằng chúng ta, những người phụ nữ có trái tim ấm áp sẽ cùng nhau làm cho thế giới tươi đẹp hơn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn