Chị Hải sinh ra và lớn lên tại vùng đất Võ Nhai (Thái Nguyên). Bao đời bà con nông dân nơi đây gắn bó với nông nghiệp nhưng sản xuất chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình. Sản phẩm nông nghiệp làm ra, khó bán và không được giá.
Gia đình chị Hải cũng không tránh khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Bản thân chị Hải đã nhiều lần tìm tòi hướng đi phát triển kinh tế hộ gia đình nhưng hiệu quả mang lại vẫn còn khiêm tốn.
Liên kết để cùng nhau phát triển
Ở xã Liên Minh có nghề trồng và chế biến chè từ trăm năm nay. Những nương chè xanh ngút tầm mắt từng là niềm tự hào của bà con. Gia đình chị Hải cũng làm chè nên chị hiểu được nỗi vất vả cực nhọc của người làm chè. Từ khâu trồng, thu hái, chế biến… đều vô cùng vất vả.
Bà con đầu tư nhiều công sức mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, chè trồng ở đất này cho chất lượng ngon. Vấn đề khó nhất là tạo thương hiệu cho sản phẩm và phải "đặt tên" cho chè mới có thể tiêu thụ được nhiều hơn. Đó là vấn đề chị Hải quan tâm và thường xuyên suy nghĩ tìm ra cách giải quyết.
Muốn đưa ngành chè địa phương phát triển, chị Hải liền tập hợp và liên kết các hộ dân vào HTX. Thành lập HTX sẽ giúp bà con liên kết được sản xuất, cùng nhau nâng tầm cây chè. Năm 2018, chị Hải đã tập hợp được 30 xã viên, trong đó đa phần là phụ nữ tham gia HTX Nông sản an toàn Liên Minh.
Tham gia HTX, chị Hải đã đầu tư dây chuyền chế biến và đóng gói chè. "Việc thành lập HTX đã mở ra cơ hội hợp tác với nhiều đối tác khác trên cả nước", chị Hải chia sẻ.
Cái được khi vào HTX đã rõ, bà con bán được sản phẩm với giá cao hơn. Khi mua vật tư, giá cũng thấp hơn và nguồn hàng chuẩn hơn. Giá chè bán từ hơn trăm nghìn đồng, giờ lên cao gấp 2-3 lần. Nhận thấy lợi ích của việc vào HTX, nhiều hộ dân khác cũng xin làm thành viên. Đến nay, HTX đã có 50 thành viên. Nghề trồng chè của Liên Minh cũng từ đây được hồi sinh.
Chế biến thành công trà hoa đu đủ đực
Không dừng lại ở đó, từ khi thành lập HTX, chị Hải luôn học hỏi và tìm tòi ra hướng làm ăn mới cho bà con. Qua những lớp tập huấn, chị Hải biết được nhu cầu chữa bệnh và tẩm bổ bằng thảo dược ngày một tăng. Đặc biệt là việc chế biến các bài thuốc dân gian từ cây hoa đu đủ đực đã được bà con người Dao, người Tày, người Mường sử dụng từ lâu.
Với bà con dân tộc ở Võ Nhai, hoa đu đủ đực còn là món ăn bổ dưỡng. Chị Hải đi sâu tìm hiểu về cây đu đủ đực, nhận thấy đây là thứ cây có thể chữa bệnh và làm trà. Nếu làm bài bản nó còn có thể giúp các xã viên làm giàu. Khi đã có đủ thông tin và tìm hiểu cặn kẽ về cây hoa đu đủ đực, chị đã vận động chị em xã viên tham gia trồng thứ cây vốn mọc nảy đầy ngoài vườn.
Những vườn hoa đu đủ đực đã mọc lên ở đất Liên Minh. Khi vận động chị em trồng, nhiều người còn băn khoăn bởi khi cây có thu hoạch biết bán cho ai. Tuy nhiên, chị Hải tin rằng, thứ cây này vừa bán ăn tươi được và còn có thể chế biến, chắc chắn nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Chỉ sau 6 tháng, lứa hoa đu đủ đầu tiên cho thu hoạch. Bà con hái rồi bán được giá, có lúc bán được cả trăm nghìn đồng/kg. Trong khi đó, việc chăm sóc cây đu đủ rất nhàn, tốn ít công và chi phí chăm sóc. "Mỗi sào hoa đu đủ đực cho thu cả chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa", chị Hải cho biết.
Từ việc e dè trong việc đưa cây trồng mới vào sản xuất, HTX đã trồng được 1ha đu đủ đực. Trong quá trình sản xuất, HTX Liên Minh thường xuyên tập huấn cho các thành viên tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường. Để giúp đu đủ thích nghi và phát triển ổn định, cứ 2 lần/tháng chị Hải cùng các thành viên bón phân hữu cơ cho cây.
Khi sản lượng tăng dần lên, chị Hải còn tìm cách chế biến trà đu đủ. Nguyên liệu sau khi thu mua được chế biến thử trên hệ thống sấy chè có sẵn của HTX. Sau nhiều ngày kiên trì, nhờ sự nỗ lực của các thành viên và dành nhiều thời gian học hỏi, thực nghiệm chế biến, sản phầm trà đu đủ đực ra đời. Cuối năm 2020, HTX nông sản an toàn Liên Minh đã sản xuất thành công sản phẩm trà hoa đu đủ với hương thơm dịu, vị ngọt nhẹ, thanh mát.
Việc chế biến thành công trà hoa đu đủ đã tạo tiếng vang lớn cho HTX. Trong những lần mang sản phẩm đi triển lãm ở tỉnh Thái Nguyên và nhiều địa phương khác, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận.
Theo chị Hải, cứ 12-14kg hoa đu đủ tươi có thể chế biến được 1kg trà. Với giá bán 3,5-5 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí, HTX lãi khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/kg. Dự kiến, đến cuối năm nay, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng đu đủ đực lấy hoa lên 3ha.
Theo ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, xã đã xây dựng thành công 3 làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống được công nhận tại các xóm: Nhâu, Vang, Thâm. Việc thành lập HTX Nông sản an toàn Liên Minh đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương.
Với hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học, thông qua các làng nghề, HTX, UBND xã đã tổ chức được gần 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân trồng chè.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn