Người phụ nữ Thái mở nhà cộng đồng, quảng bá bản sắc dân tộc

16:36 | 23/10/2018;
Khởi nghiệp không bao giờ là muộn, đó là trường hợp của bà Hoàng Thị Loan (bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). Sau khi về hưu bà mới bắt tay vào học hỏi, đầu tư, phát triển mô hình nhà cộng đồng, làm giàu cho gia đình và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái.
Chào đón từng đoàn du khách đến với bản Sà Rèn với nụ cười tươi thắm là việc làm quen thuộc hàng ngày của bà Hoàng Thị Loan. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản cung cấp dịch vụ “3 cùng”: ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng gia đình, nhưng mô hình nhà cộng đồng của bà Hoàng Thị Loan đã tạo dấu ấn riêng và luôn là điểm đến của du khách nước ngoài và các hãng lữ hành uy tín.
 
Khởi nghiệp khi đã nghỉ hưu
 
Nhớ lại những ngày ấp ủ biến ngôi nhà ở của mình thành nhà cộng đồng, phục vụ du khách, bà Hoàng Thị Loan cho biết: Trước đây, bà đã từng tham gia công tác ở Hội phụ nữ và ở xã. Đến khi nghỉ hưu, bà lo lắng vô cùng, vì đồng lương hưu ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Chăm chỉ làm ruộng, làm nương, chăn nuôi cũng chỉ đủ ăn, các con chưa có việc làm, chưa có thu nhập thêm, đời sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn.
 
Chính vì vậy, ngay khi bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi tham gia dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, gia đình bà Loan là 1 trong 9 hộ tại bản mạnh dạn đăng ký tham gia. Không tiếc thời gian, gác lại mọi công việc của gia đình, bà Loan chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái tổ chức; đi tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm ở các vùng khác như ở thị xã Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải (Yên Bái); Mai Châu (Hòa Bình), để về áp dụng cho mô hình nhà cộng đồng của mình.
 
hoang-thi-loan-4.jpg
Mô hình Nhà cộng đồng phục vụ 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người địa phương, là một hình thức du lịch đang phát triển mạnh ở các tỉnh vùng cao

 

Với số tiền 20 triệu được dự án hỗ trợ, bà Loan quyết định cải tạo không gian sinh hoạt trong nhà, đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn để đón khách.
 
Lúc mới đầu còn bỡ ngỡ lắm, bà Loan kể lại. Tôi và các con phải học bài bản từ những việc quen thuộc nhất như cách giao tiếp, nấu nướng, dọn dẹp đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống. Khác với nhiều gia đình khác trong bản cũng mở nhà cộng đồng, gia đình tôi đã phải bỏ hết chăn nuôi trong nhà, để giữ vệ sinh và mở rộng không gian dành cho du khách.
 
hoang-thi-loan-3.jpg
Bà Hoàng Thị Loan bên khuôn viên thoáng, rộng của nhà cộng đồng Loan Khang

 

Đây là một quyết tâm rất lớn, vì với người dân tộc, nuôi gia súc trong nhà là một thói quen từ hàng ngàn đời nay và mang lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình. Có lẽ chính sự mạnh dạn này đã tạo nên lợi thế cho nhà cộng đồng của gia đình bà Hoàng Thị Loan.
 
Nỗ lực đưa tiêu chuẩn chất lượng vào nhà nghỉ cộng đồng
 
Bên cạnh đầu tư, cải tạo ngôi nhà sàn của mình, tiện lợi nhưng vẫn giữ đúng bản sắc của ngôi nhà sàn người Thái, bà Loan còn mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ như: được trực tiếp tham gia các công việc thường ngày của người dân địa phương, trải nghiệm các nét văn hóa dân tộc qua các lời ca, điệu múa, thưởng thức các món ăn đặc sắc của vùng cao Yên Bái…
hoang-thi-loan-5.jpg
Đến với nhà cộng đồng, du khách sẽ được trải nghiệm nét bản sắc văn hóa riêng cùng người dân địa phương

 

“Tôi rất tâm huyết và đam mê với nghề du lịch cộng đồng này, chính vì thế mà tôi học hỏi khắp nơi để chắt lọc thành cái của riêng mình. Hiện nay, tôi cũng áp dụng các tiêu chuẩn như của khách sạn vào nhà cộng đồng của mình như: miễn phí dành cho trẻ em dưới 5 tuổi, miễn phí cho khách thứ 16 trong đoàn, tổ chức tiệc tự chọn các món sản vật địa phương với những đoàn từ 15 khách trở lên…
 
Với mức giá 80.000 đồng/người/ngày, 120.000 đồng – 150.000 đồng/suất ăn, tôi luôn cố gắng đáp ứng và phục vụ tốt những yêu cầu riêng về ăn, ngủ, kế hoạch đi tham quan của từng đoàn. Điểm đặc biệt nhất ở nhà cộng đồng của tôi là các món ăn truyền thống của người Thái với nguyên liệu từ thiên nhiên được nuôi trồng ngay chính trong khu vườn nhỏ của gia đình, chế biến thành những món ăn mới lạ, ngon và đủ dinh dưỡng cho du khách”, bà Hoàng Thị Loan không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về nhà cộng đồng của mình.
hoang-thi-loan-6.jpg
Mọi hoạt động của nhà cộng đồng đều phải học bài bản từ những việc quen thuộc nhất như cách giao tiếp, nấu nướng, dọn dẹp... đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống.

 

Với những nỗ lực đó, nhà cộng đồng của gia đình bà đã được nằm trong hệ thống nhà cộng đồng đạt tiêu chuẩn, có mối liên kết với các công ty lữ hành nên lượng khách ổn định hơn. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, trung bình, mỗi tháng, nhà cộng đồng của bà Loan tiếp đón khoảng 100 lượt khách trong và ngoài nước.
 
hoang-thi-loan-31.jpg
Với nụ cười hồn hậu, bà Loan đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách

 

Tuy nhiên, điều đau đầu nhất đối với bà Loan chính là nguồn nhân lực. Nhân viên tại nhà cộng đồng đều là người trong gia đình, họ hàng, hàng xóm… vốn ngoại ngữ và các kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài vẫn còn ở mức độ hạn chế. Ngay chính bản thân bà Loan vẫn đang phải tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch, kỹ năng tuyên truyền, quảng bá dịch vụ của mình đến với đông đảo du khách.

 

Luôn dành hết cả thời gian và tâm huyết cho nhà cộng đồng mang tên Loan Khang (hay còn gọi là Sà Rèn homestay), bà Hoàng Thị Loan luôn mơ ước có thật nhiều khách đến với mình để bà và cả nhà cố gắng để khách được phục vụ chu đáo nhất, để khách giới thiệu nét văn hóa, bản sắc rất riêng của người dân tộc Thái đến với bạn bè mọi miền tổ quốc.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn