Cũng giống như ở nhiều bản làng khác, làm nông nghiệp ở bản Vặt là công việc vất vả đối với gia đình chị Lường Thị Hồng Tươi. Nhưng thành quả đạt được không tương xứng với công sức bỏ ra. Làm du lịch là một khái niệm còn khá mới mẻ với họ.
Chị Hồng Tươi cho biết: Thu nhập của gia đình dựa vào nông nghiệp nên chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Vụ mùa thất bát nghĩa là gia đình chị sẽ không lo đủ được những thứ cần thiết cho bọn trẻ. Và họ thường xuyên gặp phải những vụ mùa kém. Trước đây, 100% hộ dân trong bản phụ thuộc vào nông nghiệp như ngô, lúa và thu nhập không ổn định. Hầu như nam giới là người đưa ra các quyết định trong gia đình, vì họ được coi là người mang lại thu nhập chính.
Quyết tâm học hỏi để vươn lên
Dành toàn bộ thời gian để làm nông nghiệp song chỉ đủ sống. Nhìn thấy tiềm năng phát triển kinh tế, khi trong bản thỉnh thoảng có khách đến tham quan và tìm chỗ nghỉ chân, chị Hồng Tươi mạnh dạn đầu tư, sửa nhà thành nhà làm homestay để đón khách. Nhưng lượng khách ít, không đáng kể. Cách làm du lịch của gia đình chị cũng chỉ là tự phát và gặp nhiều khó khăn. Không biết tổ chức hoạt động thế nào, không có vốn đầu tư, phải vay ngân hàng… là những trở ngại chị gặp phải trong thời gian đầu mở homestay.
Năm 2019, nhờ tổ chức AOP (action on poverty), với sự hỗ trợ của GREAT (dự án Nâng cao bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch) do Chính phủ Úc hỗ trợ để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Vặt, người phụ nữ dân tộc Thái này đã quyết tâm học tập, tiếp cận với các chương trình tập huấn kỹ năng để tự tin, phát triển kinh tế.
Cuộc sống của chị Hồng Tươi cũng như nhiều chị em khác trong bản đã dần thay đổi. Thay vì rụt rè nép mình sau bậu cửa, chị Lường Thị Hồng Tươi có thể chủ động tự lên thực đơn rồi nấu nướng đón khách, tự hạch toán sổ sách chi tiêu, chụp hình rồi viết quảng cáo trên facebook... Chị cũng không ngừng học hỏi từ những lời góp ý chân thành của du khách và chọn lọc, tiếp thu để hoàn thiện homestay của mình.
Quan trọng hơn hết là đã có thể làm chủ sinh kế để không bị phụ thuộc. Sự thay đổi rõ rệt nhất là phụ nữ trong bản có thể khẳng định bản thân nhiều hơn và cảm thấy tự tin hơn, bà chủ Homestay Hoa Mộc Miên chia sẻ.
Với những nỗ lực đó, dù đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lượng khách sáu tháng đầu năm 2020 đến với bản Vặt và homestay của gia đình chị Tươi còn nhiều hơn cả năm 2019. Hiện tại, qua kết nối mạng xã hội và người quen, chị đón tiếp đa dạng du khách, từ hầu hết các tỉnh khu vực phía Bắc.
Phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương
Không chỉ tập trung phát triển Homestay Hoa Mộc Miên của gia đình, chị Lường Thị Hồng Tươi còn là trưởng nhóm du lịch cộng đồng bản Vặt. Chị cùng 15 chủ hộ homestay khác tại bản chung tay thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, Sơn La với sự hỗ trợ của dự án Nâng cao bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch của Chính phủ Úc.
Các hoạt động của dự án bao gồm phát triển kĩ năng dịch vụ du lịch, kinh doanh và tiếp thị, nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo tổ nhóm, kết nối thị trường với các đại lý du lịch và công ty lữ hành, thiết lập công cụ tín dụng giúp các hộ dân xây mới hoặc nâng cấp homestay cũng như tăng nhận thức về bình đẳng giới.
"Điều khiến tôi vui nhất là nụ cười tươi rạng rỡ của du khách khi quay trở lại và nhìn thấy sự thay đổi tích cực trong gia đình các chị em người dân tộc Thái và Mường tại tỉnh Sơn La. Đặc biệt, với sự quyết tâm học hỏi, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, người phụ nữ được tự chủ tài chính và tự tin hơn", chị Lường Thị Hồng Tươi chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn