Người phụ nữ tiên phong đầu tư chế biến tinh bột nghệ sạch

10:30 | 15/04/2018;
Chị Hồ Thị Thy ở thôn 6, xã Quảng Phú, huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến tinh bột nghệ. Mỗi năm, chị thu mua và chế biến hơn 70 tấn nghệ tươi. Cơ sở của chị hiện đạt công suất 10kg tinh bột nghệ/ngày.

Chị Thy kể, năm 2015, khi giá cà phê xuống thấp, chị đã chuyển sang thu mua và chế biến nghệ tươi. Khác với các hộ dân chỉ làm tinh bột nghệ theo kinh nghiệm truyền thống, chị Thy lại tìm hiểu học hỏi các chuyên gia để chiết xuất loại bỏ hoặc giữ được các vi chất tốt nhất có trong nghệ. Bên cạnh đó, chị Thy cũng đăng ký công bố chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì và được cơ quan chức năng công nhận sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017, mang tên Phú Thuận.

Hiện nay, sản phẩm tinh bột nghệ Phú Thuận đã có mặt ở hầu hết cửa hàng thực phẩm an toàn do Chi cục quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy hải sản Đắk Lắk xây dựng. Khi sản phẩm được công bố chất lượng, chị Thy tham gia nhiều cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh từ chế biến tinh bột nghệ do Hội LHPN địa phương tổ chức.

Nữ chủ cơ sở chế biến tinh bột nghệ này cũng cho hay: Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã công bố nghiên cứu thành công nano curcumin, dược chất quý hiếm curcumin. Khi được chiết xuất thành tinh bột dạng nước thì nano curcumin có khả năng: Điều trị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hành tá tràng, điều trị HP dạ dày; giải độc gan, giảm viêm gan, xơ gan, lợi mật; bổ máu, giảm viêm, làm đẹp da; hỗ trợ hồi phục sau mổ, phụ nữ sau sinh; làm đẹp, trẻ hóa làn da, ngăn ngừa nám tàn nhang, trắng hồng làn da. Đơn vị này cũng hướng dẫn người tiêu dùng nên sử dụng tinh bột nghệ bằng cách pha với nước, cho thêm đường, sữa, mật ong và sử dụng hằng ngày.

Chị Thy bên sản phẩm tinh bột nghệ của mình 

Thành công trong nghiên cứu thành phần curcumin đã đưa cây nghệ vượt qua khỏi những bài thuốc truyền thống, những món ăn dân gian mà từ bao đời nay nhân dân ta vẫn dùng như một dược liệu thông dụng. Chị Thy lấy đó làm niềm tin để tiếp tục đầu tư công nghệ cao chế biến nghệ, nhằm cho ra nhiều sản phẩm hơn, để không chỉ xuất khẩu mà nano curcumin từ nghệ sẽ trở thành thức uống thường xuyên, giá cả phải chăng, đem lại hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.

Thời gian này, người dân Đắk Lắk đã hoàn tất việc thu hoạch, sơ chế nghệ. Nghệ được phơi đầy sân, tích trữ đầy kho, tinh bột nghệ được bán nhiều nơi. Tuy nhiên, việc trồng nghệ đều do người dân trồng tự phát, nở rộ từ năm 2015. Những năm đầu, nhiều hộ dân trồng nghệ đã bán được giá cao từ 12 đến 15 triệu đồng/tấn nên đua nhau trồng đại trà và trồng xen trong vườn.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Thu ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar, có 4ha tiêu và được trồng xen cây nghệ. Vụ trước, thu hoạch nghệ với giá cao nên chị thu được gần 300 triệu đồng. Năm nay, nghệ tươi giá xuống thấp, chưa bằng một nửa giá thu mua năm ngoái, lại không có người mua nên nghệ đành chất đống.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ nông dân trồng nghệ vụ này. Hy vọng thành công của ngành chế biến tinh bột nghệ sẽ giúp người nông dân trồng nghệ không phải lao đao vì đầu ra của sản phẩm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn