Ở những chương trình thẩm định cổ vật ở Trung Quốc, nhiều người chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sở hữu một món đồ cổ. Bộ sưu tập với giá trị trên trời khiến người ta không khỏi ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp những món đồ gia truyền hoặc mua ngoài chợ trời với mức giá bình thường lại được thẩm định ra là cổ vật có giá trị. Thế nhưng trường hợp của người phụ nữ hơn 50 tuổi họ Đàm này lại khác.
Bà Đàm kinh doanh một nhà nghỉ nhỏ, cuộc sống tuy không quá giàu sang nhưng vẫn đủ đầy. Bình thường không có việc gì làm, bà thích xem chương trình thẩm định cổ vật, không bỏ một tập nào.
Có lần bà Đàm biết được một người bạn dân tộc Tạng, bỏ ra 200 NDT (gần 670 nghìn đồng) mua một cái bình, kết quả cái bình này được thẩm định là có xuất xứ từ thời nhà Nguyên. Chuyên gia còn định giá cho chiếc bình cổ là 2 triệu NDT (gần 6,7 tỷ đồng).
Bà Đàm trong lòng cực kỳ ngưỡng mộ vì giá trị của chiếc bình kia cả đời cho thuê nhà nghỉ cũng không thể kiếm được. Vì thế trong lòng bà cũng nhen nhóm ý định: Hay là mình cũng sưu tầm đồ cổ thử xem!
Sau một thời gian lùng sục khắp các chợ chuyên bán đồ cổ, thậm chí bà còn lên vùng Tây Tạng để tìm mua những vật được cho là quý giá và hiếm có trong lịch sử. Cuối cùng, bà tâm đắc nhất chính là hai chiếc bình đã mua với giá 8.000 NDT (hơn 26,7 triệu đồng).
Bà Đàm mang hai chiếc bình đến chương trình thẩm định cổ vật và nói chúng là vật được sử dụng trong hoàng cung từ thời Càn Long của nhà Thanh. Đồng thời, bà tự tin định giá ít nhất là 1 triệu NDT (hơn 3,3 tỷ đồng) cho mỗi chiếc bình. Lời này vừa dứt liền khiến khán giả xôn xao vì con số thành tiền không hề nhỏ. Vậy hai chiếc bình này thật hay giả? Nó đáng giá bao nhiêu?
Các chuyên gia tỉ mỉ kiểm tra hai chiếc bình và nói: "Xin chị bình tĩnh nghe tôi nói. Chị không phát hiện chiếc bình này có vấn đề sao?".
Theo đó, chuyên gia nói rằng, họa tiết trên hai chiếc bình của bà Đàm hoàn toàn giống nhau. Ở thời Trung Quốc xưa, cụ thể là thời nhà Thanh mà bà Đàm đã đề cập, cho dù là thợ thủ công khéo tay nhất, cũng không có khả năng vẽ hai họa tiết hoàn toàn giống nhau y đúc như thế, chỉ có khoa học kỹ thuật hiện đại dùng máy tính mới có thể làm được trình độ này.
Ý tứ của chuyên gia cũng rất rõ ràng, hai chiếc bình chính là đồ giả, là hàng thủ công mỹ nghệ hiện đại.
Chuyên gia nói thêm, vì đây chỉ là hàng thủ công mỹ nghệ hiện đại nên mặc dù giá trị thành tiền có thể lớn nhưng không hề có giá trị lịch sử, đương nhiên cũng không phải là cổ vật mà bà Đàm đã nói.
Cụ thể, theo chuyên gia, giá trị của hai chiếc bình sứ màu đen có họa tiết hoa sen này cũng không có giá trị cao, mà chỉ ở mức bình thường, ai cũng có thể mua được.
Bà Đàm cực kỳ thất vọng với kết quả này, vì nhận ra mình đã bị lừa, bỏ ra số tiền không nhỏ chỉ để mua về món đồ tầm thường. Thế nhưng bà bình tĩnh lại rất nhanh, thậm chí còn cười thành tiếng trước khán giả bởi sự “ngốc nghếch” của mình.
Thật ra, nhìn vẻ ngoài của hai chiếc bình của bà Đàm cũng có thể nhận ra chúng còn quá mới, mặt ngoài đều lấp lánh, hơn nữa chỉ tốn 8.000 NDT để “mua được chiếc bình hoàng cung thời Càn Long”, điều này hoàn toàn không hợp lý.
Các chuyên gia cũng nhắc nhở bà Đàm rằng hiện nay thị trường đồ cổ thật giả lẫn lộn, muốn sưu tầm thì phải có đam mê và kinh nghiệm, nếu không tiền mất tật mang. Bản thân không có khả năng phân biệt cổ vật, đồ thật và đồ giả thì tốt nhất không nên mù quáng chi tiền, rất dễ bị lừa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn