Người phụ nữ tuần nào cũng đi ‘buôn chuyện’ về sinh đẻ, phòng the

07:53 | 11/08/2018;
Trung bình một tuần cứ vào 2-3 buổi tối, sau 19 giờ cơm nước xong là chị lại xách xe chạy đến từng hộ gia đình. Khi đi, chị luôn mang theo nhiều tờ rơi, tờ bướm, bao cao su và thuốc tránh thai... để sẵn sàng cung cấp cho những người có nhu cầu. Chị bảo: 'Chỉ cần thấy ở quanh mình không còn phụ nữ phải khổ vì sinh đẻ nhiều, không có trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn…, thế là vui rồi!"

Chị là Dương Thị Liễu, người dân tộc Tày ở thôn Hồng Phong 1 (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Ngoài 40 tuổi nhưng dáng chị rất trẻ trung, hay cười, hay nói. Chị bảo: “Để làm tốt công việc của mình, tôi đã luôn giao cho mình nhiệm vụ là phải tích cực chuyện trò.

Sau cơm tối là rời nhà đi... "buôn chuyện"

Năm 2011 là thời điểm chị Liễu chính thức tham gia vào hoạt động cộng đồng của thôn trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Do làm tốt công việc của mình nên 2 năm sau, chị lại được bà con và cấp trên tín nhiệm cử đi học lớp cô đỡ thôn bản trong 6 tháng. Sau khi trở về, chị tiếp tục đảm nhiệm thêm 2 công việc liên quan đến y tế và dân số của thôn. Chị Liễu xác định, để làm tốt công việc hỗ trợ chị em chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản (CSSK/SKSS), ngoài việc lập kế hoạch hoạt động tốt, chuẩn bị nội dung tốt thì phương pháp gần gũi, thường xuyên đến tận nhà người dân để tuyên truyền, vận động theo kiểu “buôn chuyện” là rất cần thiết.

 

ms-lieu.jpg
Theo chị Liễu, để tuyên truyền,vận động những chuyện liên quan đến sinh đẻ, phòng the thì phải theo kiểu “buôn chuyện” mới có hiệu quả. 
Chị Liễu đã lên kế hoạch thống kê trong 70 hộ dân của thôn ra từng nhóm theo các tiêu chí: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49, phụ nữ là hội viên Hội phụ nữ, phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con 1 bề, phụ nữ đang có trẻ em trong độ tuổi cần tiêm phòng/ tiêm chủng, phụ nữ đang có con ở tuổi vị thành niên… Sau đó, ngoài hoạt động tuyên truyền, vận động chị em thực hiện CSSK/SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KKHGĐ) tại các buổi sinh hoạt định kỳ theo quý (và đột xuất) của Hội phụ nữ, trung bình 1 tuần cứ vào 2-3  buổi tối, sau 19 giờ cơm nước xong, chị Liễu sẽ rời nhà, gần thì đi bộ, xa thì chạy xe máy để tích cực “đến chơi” với các hộ gia đình trong thôn và “buôn chuyện” theo từng chủ đề và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nếu với gia đình cởi mở, thân thiện, chị sẽ đi đến một mình. Với những gia đình khó tính, chị rủ thêm một nhóm vài ba chị hàng xóm đến để có thể dễ dàng trò chuyện.
 
Với những hộ gia đình sinh con 1 bề, chị Liễu không chỉ tiếp cận với riêng phụ nữ mà còn hướng đến cả các đấng mày râu. Trong các câu chuyện, chị chủ ý lồng ghép nội dung về việc xã hội bây giờ không nên phân biệt con trai, con gái; về những gương điển hình là những gia đình trong thôn, những gia đình trên báo đài vừa đưa tin về việc họ sinh ít con, hạnh phúc và thành đạt…
 
img_2745.JPG
Nam giới trong thôn Hồng Phong của chị Liễu ngồi nghe truyền thông về dân số, SKSS, KKHGĐ...

 

Ngoài ra, chị còn hay trò chuyện về các phương pháp tránh thai như dùng thuốc, đặt dụng cụ tử cung hoặc là sẽ đi tiêm thuốc tránh thai… cung cấp thông tin, tư vấn để các cặp vợ chồng đó tự lựa chọn. Lúc nào bên chị cũng có bao cao su và viên thuốc tránh thai để sẵn sàng cung cấp cho người dân khi họ có nhu cầu… Với những chị em muốn đi thực hiện dịch vụ tránh thai mà lại không có phương tiện di chuyển, chị Liễu sẽ nhiệt tình hỗ trợ đưa đón…

 

img_2742.JPG
Phụ nữ trong thôn tại một buổi truyền thông về SKSS (tháng 7/2018) 

 

Với những gia đình có phụ nữ mang thai, chị sẽ đến để trò chuyện về các câu chuyện liên quan đến việc cung cấp vi chất cho bà bầu, lịch thăm khám và vận động chị em đến trung tâm y tế để siêu âm, khám thai và sinh nở, tránh hiện tượng đẻ rơi, không được đẻ tại nhà… để tránh rủi ro thai sản.
 
Với những hộ gia đình có trẻ em, chị sẽ đến chơi vào nói về lợi ích của việc nuôi dạy con, phòng tránh suy dinh dưỡng, tiêm phòng, tiêm chủng đầy đủ rồi cân đo chiều cao, cân nặng cho trẻ luôn tại nhà.
 
Với những gia đình có trẻ vị thành niên/thanh niên, chị vừa thông qua các buổi sinh hoạt của Đoàn viên, đội viên thì còn đến nhà, trò chuyện với cha mẹ và các em về các vấn đề liên quan đến việc không quan hệ tình dục/kết hôn sớm; Nếu các cháu yêu nhau, có thể không ngăn cấm được việc quan hệ tình dục thì cần phải biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai (bao cao su, uống thuốc tránh thai khẩn cấp) để tránh không để mang thai ngoài ý muốn…
 
Say nghề 
 
Để có được những kiến thức về CSSK/SKSS, KHHGĐ phục vụ cho những buổi tối đi “buôn chuyện” với các hộ gia đình, chị Liễu đã tự trang bị cho mình bằng nhiều cách khác nhau như: Tích cực tham gia hầu hết các lớp tập huấn trên tỉnh, huyện…; đọc sách, báo, nghe đài, tìm kiếm thông tin trên Internet… Tuy nhiên, chị vẫn rất khiêm tốn khi cho rằng mình phải học hỏi nhiều hơn.
 
Từ sự nhiệt tình, nỗ lực đó của chị đã và đang góp phần đưa thôn Hồng Phong 1 trở thành một trong những thôn đi đầu của xã Chiến Thắng trong các phong trào liên quan đến Dân số và phát triển, CSSK/SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái... Trong khoảng 5 năm trở lại đây, toàn thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không có gia đình phụ nữ nghèo làm chủ hộ, không có trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn…; đời sống tinh thần, vật chất phụ nữ được nâng lên.
 
38770577_221319531835347_3677175167169069056_n.jpg
Đã có khoảng hơn 20 hộ gia đình ở trong thôn của chị Liễu biết tự trang bị tù thuốc để chăm sóc sức khỏe cho gia đình.
Chị vừa đảm nhiệm việc nhà, cùng chồng chăm sóc 2 con, lo việc ruộng vườn, chăn nuôi… rồi thu nhập lại ít (chị nhận chưa đến 1 triệu/tháng, trong đó phụ cấp của Hội phụ nữ và Dân số, mỗi ngành nhận được 195.000 đồng/tháng kết hợp với y tế thôn bản được 600.000 đồng/tháng… Nhiều lúc không đủ tiền điện thoại, xăng xe nhưng chị Liễu cho biết: “Tôi chỉ mong trong thôn không còn phụ nữ phải khổ vì sinh đẻ nhiều, không có trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn… ! Tôi sẽ vẫn theo đuổi, gắn bó mãi với công việc dân số, KHHGĐ này bằng tất cả lòng nhiệt tình”.
img_2799.JPG
Sau buổi sinh hoạt về SKSS tại Nhà văn hóa của thôn Hồng Phong, chị em lại tập trung chơi bóng chuyền trong tràn ngập tiếng cười... (tháng 7/2018)

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn