Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét: “...Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện bằng một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường, uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...”.
Khi nhớ về sự kiện trong đại này, bà Nguyễn Thị Bình cũng tâm sự: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Bà Nguyễn Thị Bình tại Paris tháng 12/1970
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật Nguyễn Châu Sa (SN 1927) tại Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng: ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà, ông ngoại là nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh.
Từ nhỏ, Nguyễn Thị Bình theo học tại trường Lycee Sisowath (ở Phnôm-Pênh, thủ đô Cam-pu-chia) và tốt nghiệp tú tài tại đây. Nguyễn Thị Bình hoạt động trong các phong trào học sinh, sinh viên, phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia chỉ đạo nhiều cuộc biểu tình như: chống địch giải tỏa xóm lao động Bàn Cờ, cuộc biểu tình để tang Trần Văn Ơn (năm 1950), cuộc biểu tình phản đối tàu chiến Mỹ đến Sài Gòn…
Đồng bào, đồng chí thường gọi bà là “chuyên gia biểu tình”. Năm 1951, bà bị địch bắt giam gần 3 năm với tội “cầm đầu gây rối, phản nghịch chống chính quyền”.
Sau khi ra tù, bà tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tổ chức. Một thời gian sau, bà tập kết ra miền Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương.Tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Chính phủ CMLT) được thành lập, Nguyễn Thị Bình được phân công giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ CMLT tại Hội nghị Paris.
Thời khắc lịch sử: Ký kết Hiệp định Hòa bình ngày 27/1/1973
Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris, hình ảnh “madam Bình” theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm làm cho thế giới nể trọng, nhân dân nức lòng. Trên bàn đàm phán, mọi người đều nhận thấy Nguyễn Thị Bình là một người phụ nữ mềm mại nhưng khéo léo và đầy bản lĩnh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ giáo dục Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Năm 1987, bà được phân công làm Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hòa bình Đoàn kết hữu nghị với Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII, IX, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bà nghỉ hưu năm 2002.
Giờ đây, ở tuổi 89, bà vẫn là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam
Mỗi ngày, bà thường thức dậy từ 5 giờ 30 phút để tập thể dục, sau đó ăn sáng tại nhà, rồi đọc báo, đến 8 giờ đến văn phòng làm việc. Không ít hôm bà phải về muộn vì nhiều việc cũng như phải tiếp khách nước ngoài và các tổ chức đến làm việc với quỹ.
Những ngày thứ bảy, chủ nhật, bà thường hướng dẫn người giúp việc làm những món ăn gia đình ưa thích, những đặc sản của miền Nam. “Tôi xem người giúp việc như người nhà. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi nói chuyện, hỏi thăm tình hình gia đình, động viên vì họ cũng phải xa gia đình’ – bà tâm sự.
Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho gia đình, bạn bè, cũng chính vì vậy trong cuốn hồi ký của mình bà đã lấy tựa đề: “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Trong cuốn hồi ký, bà đã chuyển tải những bài học bổ ích cho thế hệ sau với tư cách như một người bà, một người mẹ. Bà muốn tri ân đến đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước. Đặc biệt, bà muốn tri ân đến bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của đất nước.