Muôn vàn khó khăn
Tại thôn Bàng An (xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), ai cũng cảm phục tấm gương vượt khó của chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (38 tuổi). Nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi, ít ai có thể ngờ rằng, cách đây hơn chục năm, gia đình chị phải "chạy ăn từng bữa".
Lúc chúng tôi đến nhà cũng là lúc chị vừa đi thu mua lúa về. Ấn tượng đầu tiên khiến ai nấy đều "há hốc mồm" là hình ảnh một người phụ nữ rất tháo vát đang chạy chiếc xe ba gác máy. Trên xe, hàng chục bao lúa được sắp xếp gọn gàng. Quệt vội giọt mồ hôi trên trán, chị gồng mình vác từng bao lúa đặt vào kho. Mọi việc xong xuôi, chị mới bắt đầu trò chuyện và chia sẻ về quãng thời gian khó khăn cùng chặng đường vượt khó để thoát nghèo.
Trước đây, nếu nói đến nghèo thì gia đình chị đứng trong "top" đầu. Đã hơn 16 năm, chồng chị mắc phải căn bệnh tắc nghẽn động mạch, sức khỏe ngày một yếu đi, không làm được việc nặng. Từ ngày chồng bệnh, chị Kiều "kham" luôn cả vai trò trụ cột gia đình. Mỗi tháng, ngoài 2 triệu đồng tiền thuốc cho chồng chị còn phải lo lắng, quán xuyến cho 4 đứa con ăn học. Chị còn chăm sóc mẹ chồng, cô ruột của mẹ chồng tuổi già sức yếu, bệnh tật thường xuyên.
Một người lo lắng cho 7 người đôi khi vượt quá sức chịu đựng của chị bởi công việc không ổn định cùng vài sào ruộng, mấy con lợn, con gà. Chẳng bao giờ chị dám nghĩ đến tương lai sẽ có một cuộc sống đầy đủ và ấm no, chỉ mong có tiền chữa bệnh cho người thân và mong con cái đi học đàng hoàng, tử tế.
Mẹ chồng chị bùi ngùi chia sẻ: Cả nhà tôi không biết sẽ ra sao nếu không có con Kiều. Hằng ngày cứ thấy nó tảo tần sớm trưa mà không cầm được nước mắt. Dù có khổ đến đâu nó vẫn chịu đựng vượt qua, không một lời than trách và luôn động viên mọi người trong nhà: Có thế nào cũng phải sống.
Bộc bạch trong niềm xúc động, chị Diễm Kiều bảo: Lúc khổ, nhìn quanh không thấy ai giúp được mình thì mình phải tự giúp mình. Cũng không đổ lỗi cho số phận được, thay vì thế phải cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng đó, chỉ mong gia đình có miếng cơm, manh áo qua ngày chứ nào dám nghĩ ngày mai sẽ ra sao.
Quyết làm giàu nhờ thông tin học trên sách báo
Câu chuyện quyết tâm làm giàu của chị bắt đầu từ những câu chuyện của những tấm gương điển hình trong cuộc sống được báo, đài đăng, phát liên tục. Chị nghĩ họ làm được thì mình cũng phải làm được.
Cách đây 3 năm, nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương, từ nguồn vốn vay cho hộ nghèo, cho hội viên phụ nữ, chị gom góp được 30 triệu đồng và bắt đầu nuôi lợn.
Ban đầu chị chỉ nuôi 2 con. Từ kinh nghiệm tích lũy và thấy được hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích cóp được chị tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô với số lượng 11 con. Trung bình mỗi năm, chị nuôi khoảng 100 con. Trừ chi phí, riêng chăn nuôi lợn mỗi năm chị lãi từ 40 đến 70 triệu đồng.
Nói về khó khăn, chị cho biết, ban đầu chị muốn vay 50 triệu đồng nhưng chỉ vay được ít hơn do "sợ khó thu hồi". Hơn nữa, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt khiến người chăn nuôi gặp khó. Tuy nhiên, nhờ sự năng động, nhạy bén chị cũng dần vượt qua. Hiện tại, chị đã nắm rõ từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn để chăm sóc hợp lý. Nắm rõ các loại bệnh mà lợn hay mắc phải như bệnh cầu trùng, bệnh viêm ruột... hoặc cách cho lợn ăn hợp lý để tiết kiệm thức ăn mà vẫn mang lại hiệu quả, đặc biệt là chú trọng khâu tiêm phòng.
Chưa dừng lại ở đó, chị tiếp tục vay mượn để đầu tư máy xay xát gạo. Ngoài ra, chị còn mua một chiếc xe ba gác máy 40 triệu đồng, đi bỏ mối trái cây ở chợ vào mỗi sáng sớm. Đến khoảng giữa trưa thì dùng xe đi thu mua lúa về xay, rồi bán lại gạo trắng cho các đại lý hoặc bán lẻ. Mỗi ngày, trừ hết chi phí và quán xuyến cho gia đình, chị tiết kiệm được ít nhất 300.000 đồng.
Gần đây, chị khiến cho nhiều người khá bất ngờ khi vừa đầu tư thêm một xe ôtô tải chở hàng gần 400 triệu đồng để tiện hơn cho việc chở lúa, còn xe ba gác để chở trái cây. Chị đi học lái xe để không phải tốn thêm tiền thuê tài xế.
Chị bộc bạch: Xuất phát điểm của mình là hộ nghèo nên muốn làm ăn lớn phải biết tính toán, tiết kiệm từ những việc nhỏ. Cảm thấy mình có thể tự làm được việc gì thì làm hết. Có vậy, mình mới mong làm giàu. Với chị bây giờ không còn phải kiếm từng đồng bạc lẻ lo cho gia đình, để thoát nghèo mà là để kinh doanh làm giàu, với cơ ngơi khang trang.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Quang, cho biết, trước đây gia đình chị Kiều có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí và nghị lực của mình, chị Kiều từng bước vươn lên, là điển hình về tinh thần vượt khó, sớm thoát nghèo và là tấm gương để các hội viên noi theo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn