Người phụ nữ xa hoa nhất Philippines đối mặt với án tù nửa thế kỷ

07:45 | 10/11/2018;
Ngày 9/11, Sandiganbayan, tòa án chống tham nhũng đặc biệt của Philippines ra lệnh bắt giữ cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos (89 tuổi). Tòa buộc bà 7 tội danh tham nhũng và bà có thể đối mặt với án tù 6 - 11 năm đối với mỗi tội danh. Nếu bị kết tội cả 7 tội danh trên thì án tù của bà Marcos ít chất cũng gần nửa thế kỷ.
Tội lỗi chất chồng
 
imelda-marcos-9.jpg
Cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos

  

Công tố viên Philippines cáo buộc hạ nghị sĩ Imelda Marcos phạm 7 tội danh liên quan đến tham nhũng trong suốt 2 thập niên cầm quyền của chồng - cố Tổng thống Ferdinand Marcos. Trong số này, có tội danh 7 lần chuyển khoản tổng số tiền 200 triệu USD (4.661 tỷ đồng) cho các quỹ tại Thụy Sĩ trong suốt nhiệm kỳ bà làm thống đốc Manila (1975-1986). Công tố viên đặc biệt Ryan Quilala tố cáo vợ chồng cựu Tổng thống Philippines đã dùng tên khác để mở tài khoản ở Thụy Sĩ và chuyển tiền vào đó. Theo The Straits Times, cả gia đình của bà Imelda bị tố giấu khối tài sản khổng lồ lên đến 658 triệu USD trong các quỹ ở Thụy Sĩ.
 
Lệnh bắt giữ bà Imelda có thể sẽ không được thực hiện ngay lập tức vì bà có thể kháng cáo Imelda phán quyết của Tòa án chống tham nhũng Sandiganbayan. Ngoài ra, bà có thể xin bảo lãnh tại ngoại. Theo quy định của Tòa án Sandiganbayan, bà Imelda có 15 ngày kể từ ngày tòa ra phán quyết để đệ đơn kháng cáo, sau đó tòa này có 30 ngày để ra quyết định.
 
imelda-marcos-7.jpg
Bà Imelda Marcos trong một lần bị bắt giữ

 

Ferdinand Marcos, chồng của bà, giữ chức tổng thống Philippines giai đoạn 1965 - 1986 và từng ban bố thiết quân luật, cho phép mình độc tài cầm quyền, trong khi gia đình và các đồng minh của ông làm giàu bằng tham nhũng. Ông cùng những người thân cận bị cáo buộc biển thủ 10 tỉ USD. Nhà độc tài này cùng gia đình lưu vong sang Mỹ khi chính quyền của ông bị lật đổ vào năm 1986 sau 20 năm cầm quyền và chết năm 1989 khi đang lưu vong ở Hawaii.
Hàng trăm triệu USD từ tài khoản ngân hàng của ông Ferdinand ở Thụy Sỹ đã bị phong tỏa và trao lại cho chính phủ mới. Chính quyền dân cử tịch thu được 3 bộ sưu tập nữ trang của gia đình nhà độc tài bỏ lại. Năm 1991, một cuộc thẩm định giá do công ty bán đấu giá Christie’s ở London (Anh quốc) thực hiện cho biết tổng trị giá lên đến 8,5 triệu USD.
 
Sau khi ông Ferdinand qua đời, bà Imelda cùng các con trở lại Philippines và hầu hết đều có chức vụ trong chính quyền. Gia đình Marcos từng bị cáo buộc vơ vét kho bạc của chính phủ giữa khủng hoảng nghèo đói. Tuy nhiên, họ phủ nhận mọi cáo buộc và kháng cáo thành công nhiều vụ kiện tham nhũng khác.
 
Jacqueline Kennedy của Philippines
 
Tuy sinh ra trong gia tộc giàu có Romualdez nhưng cha của Imelda lại không phải là người có tiếng nói trong dòng họ. Ông có 5 người con trong cuộc hôn nhân đầu tiên trước khi ông gặp và tái hôn cùng Remedios Trinidad. Hai người có với nhau một cô con gái xinh đẹp là Imelda Romualdez.
 
imelda-marcos-3.jpg
Bà Imelda Marcos thời trẻ

 

Những người anh em của bà không chấp nhận cuộc hôn nhân thứ 2 của cha mình và phản ứng dữ dội với em gái út vừa ra đời. Tuổi thơ của bà là những ngày sống trong hầm giữ xe ẩm mốc và mục nát, ban đêm họ nằm ngủ trên một tấm bàn dài. Mẹ bà mất vì viêm phổi năm 1938, trong khi cha bà thất bại trong sự nghiệp luật sư cũng vào khoảng thời gian này. Cha bà đành phải chuyển cả đại gia đình về quê hương ở Leyte và tiếp tục phải vật lộn với cuộc sống vô cùng khó khăn. Bà Imelda phải theo học một trường dòng dành cho nữ ở Tacloban.
 
Những năm đầu thập niên 1950, bà Imelda chuyển đến Manila sinh sống cùng một người họ hang để làm ca sĩ và người mẫu. Năm 18 tuổi, Imelda với vẻ đẹp trời phú và tài năng nghệ thuật đã giúp bà thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Ông Elpidio Quirino - Tổng thống đương nhiệm của Philippines thời đó là người đầu tiên phải lòng “Đóa hồng của Tacloban” năm năm 1949 khi ông được vinh danh tại bữa tiệc tổ chức tại Đại học Divine World. Imelda được mời đến để hát tặng các quan chức cấp cao và ngay lập tức Tổng thống Quirino bị quyến rũ bởi sự lộng lẫy của cô gái trẻ. Tuy nhiên, vì uy tín chính trị nên ông bỏ qua cơ hội tiếp cận người đẹp.
 
imelda-marcos-8.jpg
Bà Marcos và chồng - Tổng thống Ferdinand Marcos

  

Bà Imelda còn tham gia cuộc thi Hoa Hậu Manila 1953. Tuy bị thua nhưng Imelda trở về như “Nàng thơ của Manila” - Danh hiệu đặc biệt mà thị trưởng Arsenio Lacson dành tặng cô. Sau đó, bà gặp nhà chính trị trẻ tuổi tên Ferdinand Marcos. Chỉ 11 ngày sau khi gặp gỡ, Imelda và Ferdinand đã kết hôn năm 1954 bằng một nghi thức dân sự nho nhỏ. Một tháng sau, họ mới tổ chức linh đình thông báo cho gia đình, bè bạn. Họ có với nhau 3 người con.
 
Năm 1965, ông Ferdinand được bầu làm tổng thống. Bà Imelda, với vẻ đẹp và sự đĩnh đạc, nhanh chóng thu hút được sự chú ý của dư luận, nên được so sánh với đệ nhất phu nhân Mỹ nổi tiếng thời đó là Jacqueline Kennedy.
 
Sống xa hoa bằng tiền bạc bất minh
 
Trong vai trò đệ nhất phu nhân, bà Imelda tìm ra cơ hội chính trị cho chính mình ngoài việc hỗ trợ phu quân. Vào những năm 1970, bà từng là Thống đốc Metro Manila - vùng đô thị đông dân nhất tại Philippines. Bà cũng đứng đầu nhiều chương trình làm đẹp và phát triển tốn kém. Sau này, bà Imelda làm Bộ trưởng Định cư.
 
imelda-marcos-1.jpg
Sống trong xa hoa

 

Khi chồng bà vơ vét, tham ô nhiều tiền bạc thì bà Imelda thỏa sức chi tiêu. Khi đã trở thành một Đệ nhất phu nhân quyền lực và xa hoa bà dường như xóa hết mọi dấu vết về quá khứ đau buồn, cơ cực của mình. Năm 1972, Imelda đã cho phá hủy tất cả ngôi nhà nơi bà từng sống. Bà Marcos còn nổi tiếng vì sở hữu khối tài sản khổng lồ với những bộ sưu tập hơn 3.000 đôi giày hàng hiệu, trang sức đắt tiền cũng như các tác phẩm nghệ thuật.
 
imelda-marcos-2.png
Say mê sưu tập giày hàng hiệu

 

Imelda có sở thích mua sắm theo catalog. Năm 1981 bà mua toàn bộ tác phẩm tại một phiên đấu giá nghệ thuật trị giá 5 triệu USD của hãng đấu giá nổi tiếng Sotheby’s. Một trong số những cuộc dạo chơi tốn kém được ghi vào lịch sử thế giới là hành trình 90 ngày của Imelda tại New York (Mỹ), Rome (Ý) và Copenhagen (Đan Mạch) với con số tiêu tốn lên tới 7 triệu USD. Chưa hết, Imelda còn từng gây sốc khi chi 10 triệu USD cải tạo hoàn toàn một thị trấn tại Philippines để tổ chức đám cưới thế kỷ cho con gái.
 
Năm 1986, trong cuộc chạy trốn khỏi Philippines cùng chồng, bà mang theo một lượng hành lý khổng lồ: 23 chiếc rương gỗ chứa đầy những đồ quý hiếm. 12 chiếc vali và túi xách lớn. Hàng trăm hộp quần áo đủ các nhãn hiệu. Hơn 400 món đồ trang sức, bao gồm cả 70 cặp khuy cài áo đính đá quý, tượng chúa Jesus bằng ngà voi với chuỗi hạt kim cương... Tại một trong các rương có chứa món quà của đệ nhất phu nhân Imelda tặng cho chồng mình: 24 thỏi vàng có khắc dòng chữ “Tặng người chồng của tôi nhân kỷ niệm 24 năm ngày cưới”, một nhân viên hải quan Mỹ, người đã cùng các đồng nghiệp đón và làm thủ tục cho vợ chồng Marcos, nhớ lại.
 
imelda-marcos-4.jpg
Ngồi giữa bộ sưu tập giày

 

 
Chưa kể hai vợ chồng họ còn mang theo lượng tiền mặt 27 triệu peso Philippines, theo tỉ giá lúc đó vào khoảng 15 triệu USD. Trong khi vào thời điểm đó, gần nửa dân số Philippines chỉ sống với mức chi phí chưa đầy 2 USD mỗi ngày.
 
Tháng 11/2015, một Ủy ban chính phủ được lập ra để trao nhiệm vụ phục hồi những tác phẩm nghệ thuật và khối tài sản khổng lồ từ nhà Ferdinand Marcos. Khoảng 200 tác phẩm nghệ thuật bị mất tích thuộc sở hữu của cựu đệ nhất phu nhân gồm các bức tranh của Van Gogh, Picasso và Rembrandt. Ngoài ra, bà còn có bộ sưu tập trang sức có giá trị khổng lồ với những viên đá quý hiếm mà đến nay vẫn chưa định giá hết được. Trong đó, có một viên kim cương màu hồng của Ấn Độ được chế tác vào thế kỷ 18 trị giá ít nhất là 5 triệu đô, quý ngang với viên kim cương Hy vọng nổi tiếng thế giới và một vương miện đính kim cương của Cartier ước tính trị giá hơn 100.000 USD.
 
imelda-marcos-6.jpg
Đồ trang sức gắn nhiều kim cương đắt giá của bà Imelda Marcos

  

Năm 1993, một phiên tòa tại Manila ra phán quyết cựu đệ nhất phu nhân phạm tội lừa đảo với mức án 18 năm tù. Imelda đã nộp đơn kháng án và 5 năm sau được phán quyết hoàn toàn vô tội. Theo các nhân chứng, bà Imelda đã bước ra khỏi toàn án với cái đầu ngẩng cao. Sau sự kiện này, cựu đệ nhất phu nhân còn chuyển sang hoạt động chính trị và đã khá thành công: Bà có tới 3 lần được bầu vào quốc hội từ năm 1995 - 1998 sau 2 lần thất bại trong các cuộc tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống (1992, 1998). Bà là chính trị gia giàu có thứ hai tại Philippines với tổng tài sản trị giá 22 triệu USD vào năm 2011.
 
Bà Imelda, hiện là nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, đã đăng ký tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử thống đốc sắp tới để kế nhiệm con gái bà là Imee Marcos (62 tuổi) tại tỉnh Ilocos Norte, vốn được coi là thành trì của gia đình Marcos. Người con cả Imee chính là đương kim thống đốc tỉnh này và đang chạy đua vào thượng viện. Trong khi đó, người con trai cũng có tên là Ferdinand thua sát sao trong cuộc tranh cử chức phó tổng thống năm 2016 và dự tính tranh cử tổng thống vào năm 2022.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn