Người phụ nữ xây dựng thương hiệu Việt nổi tiếng đầu tiên ở Sài Gòn

10:04 | 02/06/2017;
Có một người phụ nữ của đất Nam Kỳ lục tỉnh dù ít được đề cập tới nhưng tên tuổi bà gắn với thương hiệu Việt nổi tiếng đầu tiên ở Sài Gòn và một trong những phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20.

Đó là bà Nguyễn Thị Xuyên, chị ruột của chí sĩ yêu nước Nguyễn An Khương - một trong ba trụ cột của phong trào Đông Du, cha của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh.

Bà Nguyễn Thị Xuyên sinh trưởng ở Gia Định, nay thuộc huyện Hóc Môn của thành phố Hồ Chí Minh, con của ông Nguyễn An Nghi và bà Dương Thị Tiền. Là chị cả trong một gia đình trí thức có ba người con, bà Nguyễn Thị Xuyên được cha mẹ cho học hành, giỏi nữ công gia chánh và có năng khiếu kinh doanh.

Năm 1899, ông Khương đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đầu thuê hai căn nhà phố liền nhau trên đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ) thử mở tiệm may. Tiệm ngày càng đông khách không chỉ nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của bà Xuyên và vợ ông, mà còn nhờ vào nhan sắc mặn mà, nét nền nã, duyên dáng của bà Xuyên. Họ đặt tên tiệm may là Chiêu Nam Lầu có nghĩa nôm na là “lầu mời gọi người nước Nam”, với ý tứ sâu xa là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của những nhà ái quốc Bắc, Trung lưu lạc vào Nam trong phong trào Đông Du, Duy Tân... Tiệm may nằm tại số 49 đường Boulevard Charner trên Kinh Lấp, nay là đường Nguyễn Huệ thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Lần giở các tờ báo ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX, nhất là tờ Lục tỉnh tân văn, cái tên Chiêu Nam Lầu thường được  nhắc đến bởi đây là  một thương hiệu nổi tiếng đương thời của hai chị em Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn An Khương. Lúc đầu chỉ là tiệm may nhỏ, về sau hai chị em bà mở rộng thêm bán quán ăn và cho thuê phòng trọ. Cụ thể, tầng trệt một phần dùng làm tiệm may, một phần nhỏ làm nơi tiếp khách, phần diện tích lớn còn lại dùng để bán ăn điểm tâm sáng với các món bánh mì, bánh bao, cà phê… Tầng một thì dành toàn bộ cho việc kinh doanh ăn uống, lầu cao rộng rãi thoáng mát, giá rẻ, lại rất phong phú các món ăn truyền thống Việt Nam nên lúc nào cũng đông khách và thường xuyên nhận đặt tiệc tùng. Còn tầng trên cùng dùng làm phòng trọ cho thuê.

1.jpg
 Đầu đường Boulevard Charner (phía bến Bạch Đằng) nay là phố Nguyễn Huệ, nơi trước đây từng có thương hiệu Chiêu Nam Lầu nổi tiếng.

Chiêu Nam Lầu được xem là cơ sở kinh doanh có qui mô và đa dạng đầu tiên của doanh nhân người Việt ở Sài Gòn. Bởi vì, theo nhà nghiên cứu Lý Thị Mai: “Bấy giờ, dịch vụ cho thuê phòng trọ và đặc biệt là kinh doanh ăn uống gần như chỉ do người Hoa nắm giữ, người Việt chẳng những không làm mà còn đánh giá rất thấp vị trí của ngành kinh tế này. Bởi vậy, hai chị em bà Nguyễn Thị Xuyên rất xứng đáng được xếp vào hàng những người tiên phong. Sau bà chút ít mới có thêm Nam Trung khách sạn (ở Sài Gòn) và Minh Tân khách sạn (ở Mỹ Tho) của Trần Chánh Chiếu”.

Như vậy có thể thấy sự nhạy bén và tầm nhìn xa của hai chị em Nguyễn Thị Xuyên- Nguyễn An Khương. Bà Nguyễn Thị Xuyên sống độc thân suốt đời, chỉ toàn tâm toàn ý cho công việc kinh doanh. Dưới sự quản lý điều hành trực tiếp của bà, cùng sự phối hợp của vợ chồng ông Nguyễn An Khương, Chiêu Nam Lầu đạt nhiều thành công trong kinh doanh, trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh và cả nước. Có lẽ vì thế mà đương thời mọi người quen gọi bà Nguyễn Thị Xuyên là bà Chiêu Nam Lầu.

Sự xuất hiện thương hiệu Chiêu Nam Lầu và hình thức kinh doanh của chị em bà Nguyễn Thị Xuyên cho thấy tính tự tôn dân tộc và tinh thần Á Đông rất cao trước hoàn cảnh nước nhà đang dần bị lai căng văn hoá phương Tây do sự thống trị của người Pháp. Chính vì vậy mà “lầu mời gọi người nước Nam” này nhanh chóng trở thành một điểm hội ngộ của nhiều chí sĩ yêu nước từ Nam chí Bắc, cụ thể là phong trào Duy Tân và Đông Du.

Sử liệu cho thấy, năm 1903 tại Quảng Nam, theo đề xuất của cụ Tiểu La Nguyễn Thành, cụ Sào Nam Phan Bội Châu đã rời xứ Quảng vào Nam kỳ lục tỉnh vận động cho phong trào Đông Du và Chiêu Nam Lầu trở thành điểm dừng chân quan trọng nhất của nhà chí sĩ khi đến Sài Gòn.

Bằng sự hỗ trợ nhiệt tình của hai chị em Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn An Khương, Chiêu Nam Lầu trở thành điểm liên lạc, gặp gỡ, hội họp giữa lãnh tụ Phan Bội Châu với nhiều yếu nhân của Nam kỳ lục tỉnh, vận động được hàng trăm du học sinh sang Nhật Bản học, quyên góp được một nguồn tài chính quan trọng cho phong trào Đông Du, trong đó có sự đóng góp đáng kể của riêng Chiêu Nam Lầu.

Do tham gia trực tiếp và là một trong những nhân vật trọng yếu của phong trào Đông Du ở Nam kỳ lục tỉnh nên chí sĩ Nguyễn An Khương hay được sử sách đề cập, còn danh tính bà Nguyễn Thị Xuyên ít được nhắc tới. Tuy nhiên, bằng cách xây dựng Chiêu Nam Lầu trở thành thương hiệu Việt nổi tiếng đầu tiên ở Sài Gòn cùng sự đóng góp về hậu cần cho phong trào Đông Du, bà Nguyễn Thị Xuyên xứng đáng được tôn vinh là doanh nhân yêu nước, một nữ sĩ đích thực của đất Nam kỳ, một trong những tổ sư của ngành kinh doanh khách sạn, dịch vụ ăn uống lẫn may mặc của Sài Gòn lẫn đất phương Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn