Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, gọi tắt là OCD, có nguy cơ tử vong sớm cao hơn tới 82% so với những người không mắc hội chứng này.
Nguyên nhân của hiện tượng đến từ việc người mắc OCD có tỷ lệ tự tử thành công cao hơn - cao gấp 5 lần so với mặt bằng chung dân số. Họ cũng có nguy cơ tử vong do tai nạn, bao gồm tai nạn giao thông và té ngã cao hơn 92% so với người bình thường.
Ở mặt tích cực, nghiên cứu mới cho thấy người OCD có nguy cơ tử vong vì ung thư thấp hơn 13% so với mặt bằng chung. Nhưng họ lại có nguy cơ mắc bệnh phổi, bệnh tâm thần và bệnh chuyển hóa cao hơn.
Trung bình, hội chứng OCD có thể làm giảm 9 năm tuổi thọ của những người mắc phải chúng.
Các nhà khoa học cho biết thống kê mới của họ là một cảnh báo đối với những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng hầu hết các nguyên nhân tử vong sớm ở người mắc OCD là có thể phòng ngừa được.
Nghĩa là họ chỉ cần kiểm soát lối sống và hành vi của mình, là sẽ hạn chế được tác dụng tiêu cực mà OCD mang lại.
OCD là từ viết tắt của "Obsessive-Compulsive Disorder", tức là "Hội chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế". Đây là một loại rối loạn tâm thần mà người mắc thường trải qua những suy nghĩ không kiểm soát và buộc phải thực hiện những hành động lặp đi lặp lại để giảm bớt sự căng thẳng hoặc lo lắng mà não bộ họ tạo ra.
Những người mắc OCD thường có các hành vi như ngăn nắp quá độ, phải sắp xếp mọi thứ theo đúng thứ tự, chẳng hạn như sách trên giá, bát đĩa trong tủ, các biểu tượng (icon) trên màn hình điện thoại…
Họ cũng thường sợ bẩn, nên rất hay rửa tay, tránh tiếp xúc với người khác, thậm chí bày tỏ thái độ hung hăng, gây tổn thương với người muốn bắt tay hay vô tình chạm vào người họ (các hành vi này được cho là phản ứng vô điều kiện mà người OCD không cố ý).
Thống kê cho thấy trên thế giới có khoảng 2% dân số mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế ở một mức độ nào đó. Những người này thường có chất lượng cuộc sống suy giảm vì khó hài lòng với mọi thứ xung quanh mình. OCD cũng ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội và khả năng hòa đồng của người mắc phải nó.
Nghiên cứu trước đây cho thấy hội chứng ám ảnh cưỡng chế thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần và khiến người OCD suy giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, nguyên nhân của hiện tượng này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhằm mục đích điều tra kỹ càng hơn, một nhóm nhà khoa học đến từ Viện Karolinska Thụy Điển đã tiến hành một khảo cứu trên nhóm thuần tập dân số gần 700.000 người. Trong đó, họ thu thập được hồ sơ y tế của 61.378 người mắc OCD để so sánh với hồ sơ của 613.780 người khác không mắc hội chứng này.
Kết quả quá trình đối chiếu từ năm 1973 đến năm 2020 cho thấy: Người mắc OCD có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh cao hơn mặt bằng chung dân số:
Ví dụ như bệnh về phổi (tỷ lệ mắc cao hơn 73%), bệnh tâm thần, rối loạn hành vi (tỷ lệ mắc cao hơn 58%), các bệnh về cơ quan tiết niệu và sinh sản (cao hơn 55%), các bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa (cao hơn 47%), các bệnh liên quan đến mạch máu (33%), bệnh thần kinh (21%) và bệnh đường tiêu hóa (20%).
Một điểm sáng duy nhất cho thấy người OCD có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư thấp hơn 13% so với người không vướng phải hội chứng này. Mặc dù vậy, khi tổng hợp lại, nguy cơ tử vong sớm do các nguyên nhân tự nhiên của họ vẫn cao hơn 31% so với nhóm đối chứng.
Đó là còn số mà nhóm nghiên cứu rút ra sau khi họ kết hợp tất cả các dữ liệu tử vong vì nguyên nhân không tự nhiên trong hai nhóm khảo sát.
Kết thúc thời gian theo dõi kéo dài 53 năm, đã có 4.787 người trong nhóm mắc OCD và 30.619 trong nhóm người bình thường tử vong. Trung bình, người mắc OCD chỉ có tuổi thọ là 69, so với 78 tuổi ở nhóm người không mắc. Nguy cơ tử vong sớm của họ cao hơn tới 82%.
"Kết quả vẫn giữ nguyên ngay cả khi chúng tôi trừ hao các rối loạn sức khỏe tâm thần khác ngoài OCD – ví dụ như hội chứng lo âu, trầm cảm và các rối loạn liên quan đến chất gây nghiện mà người OCD cùng mắc phải", tiến sĩ Lorena Fernández de la Cruz, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
"Ngoài ra, khi chúng tôi so sánh nhóm OCD với các anh chị em của họ không mắc hội chứng này, kết quả hầu như không biến chuyển. Điều này xác nhận nguy cơ tử vong sớm ở người mắc OCD không xuất phát từ bất kỳ rối loạn sức khỏe tâm thần đi kèm hoặc các yếu tố môi trường và di truyền nào được chia sẻ trong gia đình. Tuổi thọ thấp ở người mắc OCD liên quan đến chính hội chứng OCD mà họ đang mắc phải".
Nhưng tại sao người mắc OCD lại có tỷ lệ tử vong sớm tăng lên tới 82%, trong khi tỷ lệ mắc bệnh cao nhất của họ chỉ dừng lại ở con số 72%. Với bệnh ung thư, người mắc OCD thậm chí còn có tỷ lệ mắc thấp hơn 13% trong nhóm dân số.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguy cơ tử vong vì các nguyên nhân không tự nhiên trong nhóm người OCD. Nghiên cứu cho thấy người OCD thường dễ gặp tai nạn hơn người bình thường, bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước, ngộ độc…
Chỉ tính riêng các loại tai nạn này đã khiến tỷ lệ tử vong trong nhóm người OCD tăng thêm 92%. Đặc biệt, một nguy cơ tăng tới 230%, đó là nguy cơ tự tử.
"Trong số các nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên, tự tử là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong. Những người mắc OCD, so với những người không mắc, có nguy cơ tử vong do tự tử cao hơn gần gấp 5 lần", tiến sĩ Lorena cho biết.
Các nhà khoa học nghĩ rằng có rất nhiều yếu tố tham gia thúc đẩy tỷ lệ tự tử cao trong nhóm bệnh nhân OCD. Căng thẳng, rối loạn cảm xúc, trầm cảm vì cô lập xã hội là một trong số các nguyên nhân chính.
Ngoài ra, yếu tố gen, tư duy tự hại, mất kiểm soát cũng góp phần vào hành vi tự tử của người mắc hội chứng OCD.
Để có thể phòng ngừa các nguy cơ tử vong sớm vì hội chứng OCD cho mình, đầu tiên, bạn phải biết mình có thuộc nhóm này hay không?
Các bác sĩ cho biết có 3 yếu tố để chẩn đoán một người có mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hay chỉ là người có tính cách ngăn nắp, sạch sẽ.
Đầu tiên, đó là sự ánh ảnh.
Người mắc OCD thường có nhiều nỗi ám ảnh, ví dụ như họ sợ vi khuẩn, sợ bụi bẩn. Họ thường sẽ không dám chạm vào những đồ vật mà người khác đã chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa, nút thang máy, hoặc trước khi chạm vào phải lau sạch chúng.
Một nỗi ám ảnh khác thường thấy của người mắc OCD là ám ảnh về trật tự. Họ cảm thấy cực kỳ khó chịu khi các đồ vật không ở đúng chỗ hay sắp xếp theo thứ tự. Ví dụ, họ phải xếp bát đĩa trên chạn, sách vở trên kệ, icon ứng dụng trong điện thoại theo đúng phân loại kích thước và màu sắc.
Ngoài ra còn có các nỗi ám ảnh như sợ đám đông, sợ bệnh tật, sợ bản thân vô tình gây lỗi hoặc làm hại người khác. Các nỗi sợ này thường bị phóng đại, chẳng hạn như người OCD sợ nếu họ bật lửa thắp hương sẽ vô tình gây cháy nhà và không bao giờ thắp hương, họ sợ đánh rơi con hoặc em bé nên sẽ không bao giờ bế trẻ em…
Yếu tố thứ hai để nhận biết OCD là hành vi cưỡng chế.
Đây là các hành vi lặp đi lặp lại để đáp ứng với sự ám ảnh mà người mắc OCD gặp phải. Ví dụ, một người mắc OCD bị ám ảnh bởi vi khuẩn sẽ liên tục rửa tay một cách không cần thiết.
Nỗi ám ảnh về trật tự thôi thúc người OCD làm mọi thứ theo sắp xếp. Chẳng hạn, họ sẽ ăn các món ăn trong bữa theo thứ tự nhất định, làm một danh sách việc luân phiên và lặp đi lặp lại chúng từ ngày này qua ngày khác không sai một lần nào.
Một số hành vi cưỡng chế khác bao gồm: kiểm tra lại khóa cửa, van nước, bếp nấu nhiều lần để đảm bảo chúng an toàn, nhẩm đếm số hoặc từ ngữ trong đầu, tích trữ những đồ vật không cần thiết trong nhà…
Cuối cùng, để có thể khẳng định ai đó mắc OCD chứ không phải có tính ngăn nắp, cẩm nang y khoa Merck Sharp & Dohme nói rằng hành vi cưỡng chế và suy nghĩ ám ảnh phải gây tốn thời gian, ví dụ 1 giờ/ngày hoặc gây ra tình trạng đau khổ, suy giảm chức năng đáng kể mới được định nghĩa là OCD.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình hoặc người thân có đủ 3 yếu tố trên, hãy đi khám bác sĩ tâm thần để được điều trị kịp thời.
Có một tin xấu, đó là OCD sẽ khiến chất lượng cuộc sống của bạn suy giảm, bao gồm cả sức khỏe và tuổi thọ - theo như nghiên cứu kể trên. Nhưng có hai tin tốt:
Một là, OCD hiện đã có thể điều trị bằng thuốc và liệu pháp hành vi. Hai là, các nguyên nhân gây tử vong sớm cho người mắc OCD đều liên quan đến bệnh không lây nhiễm (ví dụ: bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, rối loạn tâm thần, rối loạn thần kinh). Có nghĩa là các căn bệnh này đều có thể phòng ngừa được nếu người bệnh OCD có lối sống lành mạnh.
"Điều quan trọng là những người mắc chứng OCD cần nhận thức được rủi ro mà họ phải đối mặt. Điều này có thể thúc đẩy những thay đổi hành vi - chẳng hạn như chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục nhiều hơn - có thể đóng vai trò ngăn ngừa bệnh tật và tử vong sớm", tiến sĩ Lorena cho biết.
Cuối cùng, trong số các nguyên nhân gây tử vong sớm ở người mắc OCD, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tới hành vi tự tử, thứ đóng góp tới 230% nguy cơ tử vong sớm của họ.
Các bác sĩ khuyến cáo bản thân người mắc OCD nên đi khám, tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì nhiều mối quan hệ xã hội để được hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Nếu bạn có người thân mắc OCD, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo hành vi tự tử của họ bao gồm: Rút lui khỏi các hoạt động xã hội, tự cô lập bản thân, từng thể hiện ý định muốn kết thúc cuộc sống…
"Chúng ta nên có chiến lược giám sát, phòng ngừa và can thiệp sớm đối với người mắc OCD để giảm nguy cơ tử vong sớm ở họ", các nhà nghiên cứu cho biết. "Cuối cùng, chúng tôi hy vọng, những kết quả từ nghiên cứu này sẽ thúc đẩy nhiều chuyên gia sức khỏe vào cuộc, làm sao để chăm sóc những bệnh nhân OCD ngày một tốt hơn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn