Người "sửa sai" cho bà Mụ

09:33 | 02/07/2024;
GS.TS.Trần Thiết Sơn - Trường ĐH Y Hà Nội - đã giúp những người gặp những bất thường về cơ quan sinh dục, giới tính "chỉnh trang", "chuẩn hóa" và được sống với chính lựa chọn của mình.

GS.TS. BS. Trần Thiết Sơn bắt đầu làm phẫu thuật tạo thình và thẩm mỹ can thiệp các dị dạng cơ quan sinh dục từ năm 1989 cho đến nay. Trong 35 năm gắn bó với nghề, TS. Trần Thiết Sơn dành đến 27 năm cho phẫu thuật can thiệp các dị tật cơ quan sinh dục của cả hai giới. Không chỉ nhận được sự tôn trọng và tin tưởng từ người bệnh, vị giáo sư còn là người thầy hướng dẫn cho nhiều lứa học trò để họ có thể cống hiến cho lĩnh vực này.

Người sửa sai cho bà Mụ- Ảnh 1.

Những gì bác sĩ Sơn làm được là thành tựu đáng tự hào của ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam

Đối với bác sĩ Trần Thiết Sơn, không chỉ có những kỹ năng chuyên môn cần thiết là đủ, nghề còn đòi hỏi "tính nghệ thuật" với các kỹ thuật và con mắt thẩm mỹ.

Công việc của ông còn có thể coi là công việc "giúp ước mơ của người không chuẩn về giới tính được trở về đúng với giới tính của chính họ", giải quyết các bất thường về cơ quan sinh dục của cả nam và nữ. Đây thường là những dị tật bẩm sinh mà người bệnh không mong muốn do sự rối loạn nhiễm sắc thể làm ảnh hưởng tới các hormone sinh dục.

Để giải thích rõ hơn, bác sĩ Thiết Sơn có đưa ra một số ví dụ. "Có những người bệnh đến khám với vẻ ngoài hoàn toàn là nữ nhưng cơ quan sinh dục nữ bất thường, đồng thời có tinh hoàn và nhiễm sắc thể nam giới XY. Phần lớn những bệnh nhân như thế muốn chuyển giới thành nữ, tái tạo thêm âm đạo và được trở thành người phụ nữ hoàn chỉnh". Hoặc cũng có trường hợp người có cả 2 cơ quan sinh dục nam và nữ, cần lựa chọn chuyển đổi giới tính tùy thuộc vào mức độ trội giữa hai tính và vào mong muốn của người bệnh.

Các trường hợp dị âm đạo hay dương vật không phải là hiếm gặp, có ở các mức từ nhẹ đến nặng, trong đó mức độ nhẹ ít được chú ý và dễ bị bỏ qua hơn. Dù ở mức độ nào, những bất thường này đều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí ảnh hưởng đến cả khả năng sinh sản và quan hệ tình dục. Ở nữ giới, có các hiện tượng dị dạng cơ quan sinh dục ngoài như phì đại âm vật, hẹp âm hộ, màng trinh dày, dính âm đạo bán phần, không âm đạo… Còn ở nam giới, có các hiện tượng như dương vật nhỏ, cong hoặc lún; lỗ đái thấp, tinh hoàn lạc chỗ…

Về mặt tâm lý, các dị tật này gây cho bệnh nhân cảm giác mặc cảm, không thích giao tiếp, không muốn có bạn tình và thậm chí không lập gia đình. Ngoài ra, chúng còn dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu, ảnh hưởng đến quá trình kinh nguyệt và nhiều tác động xấu tới sức khỏe khác.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ y học hiện đại, các dị tật này đều có thể can thiệp bằng hormone liệu pháp hoặc phẫu thuật nếu được phát hiện sớm. Có thể nói, đây chính là giải pháp để "tái sinh" những mảnh đời bất hạnh, không được sống đúng với cơ thể, giới tính của mình.

Bác sĩ Thiết Sơn cho rằng: "Có thể coi kết quả phẫu thuật của mỗi bệnh nhân là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt và không có sự trùng lặp. Sự am hiểu thấu đáo về các phương pháp tạo hình, sự sáng tạo đưa đến sự kỳ vọng về kết quả phẫu thuật".

Ông cũng chia sẻ thêm, thông thường các cuộc phẫu thuật không cho kết quả ngay mà phải đợi khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng mới biết được kết quả thực. Mặc dù vậy, không phải lúc nào đội ngũ y bác sĩ cũng nhận được sự phản hồi tích cực đến từ bệnh nhân. Có những bệnh nhân không hài lòng với kết quả phẫu thuật và không đủ kiên nhẫn để chờ kết quả khả quan hơn.

Người sửa sai cho bà Mụ- Ảnh 3.

GS Sơn từng rong ruổi cùng các đoàn từ thiện khắp cả nước, thực hiện hàng trăm ước nguyện thay đổi cuộc đời cho những người nghèo không dám mơ đến bệnh viện

"Đã có rất nhiều trường hợp mà tôi không thể phẫu thuật được. Chẳng hạn như người bệnh mong muốn có kết quả quá mức. Việc can thiệp ngoại khoa lên các bất thường của cơ quan sinh dục không thể có kết quả hoàn hảo hơn cái vốn có mà tạo hóa sinh ra. Mặt khác, những dị dạng thường kèm theo các bất thường của bàng quang, trục quang… khiến cho việc phẫu thuật tái tạo sẽ khá khó khăn và không thể tránh các biến chứng có thể xảy ra", bác sĩ Trần Thiết Sơn chia sẻ thêm.

Mỗi trường hợp bệnh nhân đều có một tình huống cụ thể để bác sĩ đưa ra các lời tư vấn khác nhau. Để người bệnh có thể tiếp tục lạc quan, tự tin với hình hài của chính mình, bác sĩ Thiết Sơn khuyên họ nên chấp nhận những bất thường vốn có bởi chẳng có gì hoàn hảo hơn là điều mà tạo hóa ban tặng. Hơn hết, hãy cải thiện những dị dạng với điều kiện có thể của y khoa và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Ông hy vọng, những kỹ năng chuyên môn của mình có thể tạo cho các bệnh nhân điều kiện thoải mái nhất để chia sẻ về vấn đề của bản thân. Không chỉ về mặt sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý cũng là điều mà các bác sĩ cần quan tâm để có thể đưa ra các giải pháp và lời khuyên tốt nhất, giúp bệnh nhân tiến đến gần hơn với "ước mơ được sống là chính mình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn