Ý tưởng sáng tạo trên của Vũ Như Quỳnh đã lọt vào vòng thi cấp vùng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo-kết nối thành công" năm 2020 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Trước đó, Như Quỳnh được Hội LHPN Hà Nội vinh danh tại Ngày hội Phụ nữ Thủ đô sáng tạo khởi nghiệp năm 2018.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 4 đời làm gốm tại làng gốm Bát Tràng, Vũ Như Quỳnh không chọn làm gốm mà chọn học ngành thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nhưng, duyên phận của người con sinh ra từ làng gốm, sau thời gian trải nghiệm, thử làm những công việc bên ngoài, Như Quỳnh nhận ra, tình yêu và niềm đam mê dành cho gốm đã ngấm sâu vào từng hơi thở của mình. Vậy là cô gái 8x quyết định về nhà và trở thành thế hệ thứ 5 làm gốm của gia đình.
Nâng tầm gốm sứ
Thương hiệu gốm sứ Vạn An Lộc của gia đình Vũ Như Quỳnh được người tiêu dùng biết đến với những sản phẩm như chén, bát, lọ hoa... Đây cũng là dòng sản phẩm phổ biến, quen thuộc của hầu hết xưởng gốm khác trong làng. Không có dấu ấn đặc trưng giữa rừng gốm sứ Bát Tràng, nên lượng khách tìm đến với cửa hàng không nhiều. Cùng với thời gian, những sản phẩm làm ra dần bị mai một. Thậm chí, có thời điểm, khách hàng thưa thớt, hàng làm ra cứ chất chồng trong nhà, không bán được.
Một chiếc lọ sứ tại sao lại chỉ có giá vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng mà không thể bán với giá vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng? Và tại sao, khi nghĩ tới bình, hoa, bát, đĩa... người ta không thể coi đó là những vật dụng trang trí cao cấp góp phần làm đẹp cho ngôi nhà, thay vì chỉ sử dụng chúng như đồ gia dụng hàng ngày? Các câu hỏi đó luôn lặp đi lặp lại hàng ngày trong suy nghĩ của cô thợ gốm Như Quỳnh.
Vũ Như Quỳnh miệt mài sáng tạo để nâng tầm gốm sứ Bát Tràng
Với thế mạnh là có kiến thức về mỹ thuật, hình khối, màu sắc, tạo hình, được trau dồi từ trong trường đại học, Như Quỳnh quyết tâm sáng tạo ra những dòng gốm sứ cao cấp cả về chất lượng và thẩm mỹ, để nâng tầm thương hiệu gốm sứ của gia đình. Dành nhiều thời gian tìm hiểu nghiên cứu tài liệu, sách vở, sưu tầm các mẫu hoa văn được sử dụng trong đồ gốm sứ, cô gái Bát Tràng đã nảy ra ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ của đời xưa bằng cách làm mới lại rồi đưa vào các sản phẩm gốm đương đại. Bằng cách đó, Như Quỳnh vừa có thể giữ gìn được hoa văn, bản sắc gốm Việt nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo mỹ thuật hiện đại để tồn tại trong đời sống hiện nay.
Những nét hoa văn trên đồ gốm sứ của vua chúa, quan lại thời xưa với họa tiết chim công, hoa đào, hoa mẫu đơn... đã được Như Quỳnh thử nghiệm, tái hiện và đưa vào các đồ gốm sứ hiện nay.
Thử sức với gốm sứ đắp nổi 3D
Để tạo điểm nhấn và sự khác biệt, Quỳnh còn đắp nổi 3D các hoạt tiết trang trí thay cho cách vẽ hoa trực tiếp truyền thống lên bề mặt gốm sứ. Tuy nhiên, số lần thất bại của cách làm này không tính được. Nào là họa tiết bị gãy, vỡ. Nào là không giữ được màu sắc của lớp men bóng sáng. Màu men cũng không giữ được nét bóng, sáng ban đầu. Rồi màu sắc sản phẩm làm ra không được đa sắc như mong muốn.
Dù bố mẹ không ít lần khuyên Như Quỳnh nên quay về với gốm sứ truyền thống nhưng cô gái 8x quyết không từ bỏ. Cô tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng từng lô sản phẩm để xem mình đã sai sót trong khâu nào. Mỗi lần bị hỏng, thất bại là một lần Như Quỳnh rút ra được kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm. Sau 3 năm, Như Quỳnh cũng đã thành công với những sản phẩm đắp nổi 3D đầu tiên.
Để tăng giá trị, đẳng cấp của sản phẩm, Như Quỳnh còn có sáng kiến dát vàng 24k lên các họa tiết. Những chiếc bình gốm họa tiết đắp nổi 3D đầy tính nghệ thuật của Như Quỳnh đã được khách hàng đánh giá cao, có sản phẩm được bán tới cả tỷ đồng. Công ty Vạn An Lộc của gia đình Như Quỳnh đã tạo việc làm cho hàng trăm công nhân với thu nhập từ 7-20 triệu đồng/tháng.
Vừa kế thừa cách làm gốm thủ công truyền thống, vừa đưa khoa học kỹ thuật vào làm gốm cho ra sản phẩm đẹp, Vũ Như Quỳnh đã nâng tầm cho gốm, đưa sản phẩm của làng nghề cất cánh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn