Người thu nhập thấp mòn mỏi với giấc mơ an cư tại Hà Nội

15:05 | 28/04/2022;
Hơn 10 năm lập nghiệp ở Hà Nội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh (quê ở Thanh Hóa) đã tích cóp được gần 1 tỉ đồng, với hy vọng tìm mua được một căn nhà ở xã hội phù hợp. Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm trời, chị Oanh vẫn chưa mua được nhà vì giá liên tục “leo thang”. Điều này khiến giấc mơ an cư lạc nghiệp của vợ chồng chị càng trở nên xa vời.
Giá nhà không ngừng "leo thang"

Chị Oanh cho biết: "Năm 2015, vợ chồng tôi cũng tham khảo vài căn hộ nhà ở xã hội có giá khoảng 800-900 triệu đồng/căn nhưng lúc đó chúng tôi xếp hàng mà không đến lượt mua. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn tìm kiếm nhưng cơ hội ngày càng ít. Trong khi những căn hộ trước đây giá khoảng 800-900 triệu đồng thì nay đã lên đến 1,5 tỉ đồng. Giấc mơ an cư lạc nghiệp của chúng tôi cứ ngày càng xa vời".

Còn vợ chồng chị Thuỳ Linh (quê ở Nghệ An) vừa mua hụt một căn chung cư trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, do giá tăng nhanh. Chị Linh cho biết, trước Tết, căn hộ được báo giá 28 triệu đồng/m2. Căn hộ có diện tích hơn 70m2, tính ra giá gần 2 tỷ đồng. Do gần Tết bận bịu nên vợ chồng chị hẹn ra Tết sẽ liên hệ lại với người môi giới. "Nào ngờ, ra Tết, khi gọi lại người môi giới thì chúng tôi được biết giá đã lên 32 triệu đồng/m2, giá căn hộ tăng khoảng 300 triệu đồng so với thời điểm trước Tết", chị Linh buồn bã nói.

Từ đầu năm đến nay, giá căn hộ chung cư hạng thứ cấp tại Hà Nội đang được rao bán với mức giá tăng vài trăm triệu đồng/căn. Đơn cử, tại dự án Rose Town (quận Hoàng Mai), giá căn hộ từng được rao bán ở mức 1,9 - 2,4 tỷ đồng giờ đã tăng lên mức 2,1 tỷ đồng - 2,6 tỷ đồng. Hay dự án The Terra - An Hưng (quận Hà Đông) vào thời điểm mở bán năm 2019 có mức giá 22 triệu - 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí căn hộ. Đến nay, mức giá nhà được sang nhượng đang là 27 triệu - 30 triệu/m2. Việc tăng giá nhà chung cư tại Hà Nội diễn ra rầm rộ ở phân khúc 30 triệu đồng/m2, tức phân khúc chung cư thứ cấp.

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của CBRE Việt Nam (công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản) cho thấy, trên thị trường thứ cấp (giai đoạn từ sau khi nhận quyền sử dụng đất, nhà đầu tư tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sau đó thực hiện các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng - PV), giá bán nhà trung bình đạt 1.278 USD/m2 (tương đương khoảng 29,35 triệu đồng/m2), tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Người thu nhập thấp mòn mỏi với giấc mơ an cư tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cần tạo lập quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Theo các chuyên gia, thời gian qua, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giảm thu nhập của người dân nhưng giá nhà vẫn tăng. Một trong những nguyên nhân giá tăng là do nguồn cung bị giảm. Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung trong quý I/2022 giảm gần 40% so với quý IV/2021. Dự báo trong 2 năm tới, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 54.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì… Tuy nhiên, đối với đô thị lớn như Hà Nội, nguồn cung sản phẩm như vậy được đánh giá là thấp hơn so với nhu cầu khá nhiều. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định: "Trước những diễn biến cung - cầu của thị trường, dự báo trong năm 2022 kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục đẩy giá căn hộ tăng cao".

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng, khó để kìm giá nhà bởi khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Trước tình trạng đó, người thu nhập thấp sẽ càng khó khăn trong việc tạo lập chỗ ở. "Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất cần phải tạo lập được quỹ đất để phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào cơ quan quản lý Nhà nước", TS Sử Ngọc Khương nhìn nhận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn