Louise Arner Boyd sinh ngày 16/9/1887 tại Mỹ trong một gia đình danh tiếng ở New York. Ngay từ thuở nhỏ, bà Boyd đã đam mê những câu chuyện liên quan đến thám hiểm địa cực. Bà tích cực hoạt động xã hội và làm từ thiện cộng đồng. Hai anh trai của bà đều qua đời lúc còn bé. Bà thừa hưởng tài sản khổng lồ của gia đình sau cái chết của cha mẹ mình năm 1919 và năm 1920 vì cha bà làm giám đốc công ty đầu tư Boyd. Thay vì tận hưởng cuộc sống giàu sang trong nhung lụa từ số tài sản thừa kế, Louise Arner Boyd đã thực hiện một số chuyến thám hiểm đến những vùng xa xôi nhất thế giới. Bà Boyd còn gây chú ý khi từng đến nhiều nơi ở châu Âu, Ai Cập và làm y tá trong thời gian diễn ra đại dịch cúm năm 1918.
Louise Arner Boyd được biết đến như là nhà thám hiểm Bắc Cực và cũng là nhà địa lý học hàng đầu thế giới. Bà đã tổ chức thành công 6 chuyến thám hiểm hàng hải tới phía Đông của Greenland, lãnh nguyên Franz Josef, lãnh nguyên Jan Mayen và hòn đảo Spitsbergen. Những chuyến thám hiểm của bà có sự tham gia của nhà địa lý học kiêm nhà leo núi tài năng Noel Odell, người duy nhất sống sót khi chinh phục đỉnh Everest vào năm 1924. Bà mời được nhiếp ảnh gia Ansel Adams và nhà thực vật học Alice Eastwood của Viện Hàn lâm khoa học California (CAS).
Năm 1926, bà đi đến Franz Josef Land, một nhóm đảo phía Bắc Siberia, cùng các nhà thám hiểm Roald Amundsen và Lincoln Ellsworth. Bà trở về cùng hàng nghìn thước phim, 700 bức ảnh. Tiếp đến, chuyến thám hiểm Bắc Cực trọn vẹn đầu tiên của bà Boyd đã diễn ra vào mùa Hè năm 1928 tại thành phố Tromso (Na Uy). Bà Boyd được nhiều quốc gia như Mỹ, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp tôn vinh cùng những thành tựu khoa học. Tinh thần thám hiểm quả cảm của người phụ nữ này đã trở thành tiêu đề ăn khách của cánh báo chí và giúp tên tuổi của bà nổi tiếng thế giới. Nhờ những chuyến thám hiểm, bà Boyd đã khám phá ra nhiều điều kỳ lạ, nhất là việc phát hiện ra dải núi ngầm ở biển Bắc Cực. Với đam mê và đóng góp cho khoa học, bà được bầu làm đại biểu dự Đại hội Địa lý Quốc tế năm 1934.
Chuyến khởi hành năm 1941 trên chiếc tàu Effie M. Morrissey của bà Louise A. Boyd mang tiêu đề "Chuyến thám hiểm tới Greenland từ Washington D.C". Bà đi dọc theo duyên hải Tây của Greenland và Đông Bắc Cực của Canada. Đây cũng là chuyến thám hiểm lần thứ 7 của bà. Như những chuyến đi trước, bà Boyd đã thúc đẩy việc phá vỡ các ranh giới kiến thức địa lý và những chuyến thám hiểm kỳ lạ tới những xứ sở nguy hiểm. Bà cũng đem theo những nhà khoa học trẻ đầy triển vọng cùng tham gia nghiên cứu Bắc Cực. Từ đó, bà được mệnh danh là "Người thuần hóa Bắc Cực" hay "Nữ hoàng băng giá".
Nguồn kiến thức vô giá cho đời sau
Những thông tin mà bà Boyd thu thập được trong chuyến thám hiểm Greenland trở nên vô cùng giá trị khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra. Vì vậy, chính phủ Mỹ đề nghị bà không xuất bản cuốn sách về nơi này. Theo đó, bà Boyd được chính phủ Mỹ cử đi thực hiện nghiên cứu về các hiện tượng từ tính và vô tuyến điện ở Bắc Cực năm 1940. Phải đến năm 1948, cuốn sách "The Coast of Northeast Greenland" của bà mới được xuất bản. Trong và sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, bà Boyd còn tham gia các nhiệm vụ bí mật của quân đội Mỹ. Bà được trao Giấy chứng nhận về các thành tích cao trong công việc một cố vấn về chiến lược quân sự ở Bắc Cực.
Bà Boyd đã để lại cho đời một kho ảnh tư liệu về Greenland hiện vẫn được các nhà khoa học dùng để theo dõi những biến đổi khí hậu tại các băng hà ở Greenland. Bà Boyd cũng là người tiên phong về sử dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị đo thủy triều, đo tiếng vang dưới nước sâu và thiết bị quang điện ảnh để tiến hành các khảo sát thăm dò ở những nơi không thể tiếp cận. Bà Boyd đã khám phá ra một băng hà ở Greenland, một bãi ngầm dưới đáy biển Na Uy và có nhiều giống loài thực vật mới. Hơn 70 năm sau, dữ liệu thu thập từ các chuyến thám hiểm của bà Boyd vẫn được ngợi ca bởi những nhà khoa học đương thời trong các lĩnh vực như bản đồ địa chất, hải dương học và thực vật học. Đó cũng là cơ sở cho nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu tác động lên Greenland.
Năm 1955, ở tuổi 67, bà Boyd đã đạt được khát vọng trở thành người phụ nữ đầu tiên bay qua bầu trời Bắc Cực trên chiếc máy bay DC-4 suốt 16 tiếng cùng phi công Thor Solberg.
Những năm cuối đời, bà Boyd tiếp tục cống hiến khi trở thành Ủy viên Hội đồng địa lý Mỹ, thành viên của Hiệp hội các nhà nữ địa lý và Hội Bắc Cực Mỹ cho đến khi bà qua đời tại San Francisco ngày 14/9/1972. Trước khi qua đời, bà đã quyên tặng hầu hết tài sản dành cho việc khám phá, thám hiểm Bắc Cực. Bà cũng đã tặng thư viện sách nghiên cứu đồ sộ của mình cho Đại học California, Đại học Alaska và WildCare ở San Rafael. Bảo tàng Lịch sử Marin ở Novato cũng sở hữu nhiều hình ảnh, sách nghiên cứu và tạp chí của bà. Theo ước nguyện, tro cốt của bà được rải trên khu vực Bắc Băng Dương mà bà đã gắn bó trọn đời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn