Hiện tại ngành chăn nuôi đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi, cấp Bộ đã có những chỉ đạo trực tiếp như thế nào để người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Trước tình hình của Thế giới là đã có trên 20 quốc gia bị nhiễm. Thứ nữa, bên cạnh ta là Trung Quốc có 105 ổ dịch với 25 tỉnh, 950.000 con lợn, cả đường biên giới dài như vậy có rất nhiều đường mòn, lối mở. Lượng khách du lịch đặc biệt trong dịp Tết và hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng rất nhiều. Trong nước, hoạt động giết mổ, vận chuyển tăng liên tục. Chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ manh mún. Tại nhiều địa phương, chuồng lợn ngay sát cạnh nhà ở, có nghĩa mật độ chăn nuôi rất cao. Tiếp đến là thời tiết thay đổi khó lường.
Đặc biệt là virus dịch tả châu Phi có thể lây chuyền qua vận chuyển, thức ăn, nước uống, tiếp xúc, vật chủ chung gian. Cho nên việc phòng tránh đã được Bộ NN&PTNT tham mưu với Chính phủ ngay từ năm 2018 là đã có những công điện, chỉ thị, hội nghị trực tuyến. Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng đã có những giải pháp, tổ chức tập huấn, có kế hoạch hành động 4527, đồng thời ra 8 đội phản ứng nhanh, 8 phòng thí nghiệm đủ năng lực để xét nghiệm. Soát toàn bộ tuyến biên giới, kiếm tra 1.000 mẫu đều âm tính và đã tham mưu Chính phủ. Sắp tới sẽ tổ chức một cuộc họp chỉ đạo riêng. Ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký 1 chỉ thị có những giải pháp cấp bách, ứng phó với vấn đề này.
Dịch tả lợn châu Phi đã đến Việt Nam, ngày 1/2/2019 đã xảy ra tại Trung Nghĩa, Hưng Yên. Bộ NN&PTNT, trực tiếp là tôi đã chỉ đạo ngay Cục Thú y thu gọn vùng dịch, cùng với tỉnh Hưng Yên tập trung xử lý một cách chặt chẽ; hủy toàn bộ và xử lý như chống dịch. Đến ngày 7/2/2019, chúng tôi đã kiểm tra 1 trong 8 phòng thử nghiệm về việc tiếp nhận mẫu trước, trong và sau Tết. Ngày 10/2/2019, tôi đã xuống trực tiếp Sở và điểm xảy ra dịch để kiểm tra, đồng thời cùng chỉ đạo với Cục Thú y, Chi Cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên để xử lý một cách triệt để. Sau khi xử lý xong lấy 14 mẫu của 5 hộ gia đình xung quanh đều âm tính. Đến bây giờ là 22 ngày thì tình hình tương đối ổn định.
Hiện nay, theo thông tin báo chí đăng tải, tại Đài Loan (Trung Quốc) đã phát hiện một du khách từ TPHCM sử dụng chiếc bánh mỳ sandwich và nghi có dịch tả lợn châu Phi, trước thông tin này, Bộ đã cùng các đơn vị liên quan đến ngoại giao vào cuộc và có sự xác minh về thông tin đó như thế nào để phản hồi?
Đây là một người Đài Loan (Trung Quốc) đi trên chuyến bay từ TP.HCM về Đài Loan, khi kiểm tra trong miếng thịt lợn của bánh mỳ sandwich của hành khách này có gene của dịch tả lợn châu Phi. Tại thông báo của phía Đài Loan cũng khẳng định chưa rõ nguồn gốc của miếng thịt lợn này ở đâu nên không thể kết luận lúc đó ở Việt Nam có dịch tả lợn châu Phi. Cục Thú y đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao để xem danh tính của người này và nguồn gốc xuất xứ của chiếc bánh này ở đâu. Sự việc này vẫn đang triển khai.
Năm 2019, Thứ trưởng đánh giá sẽ có những khó khăn gì trong công tác ATTP, đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với dịch bệnh hoành hành?
Năm 2019, dự đoán là có nhiều khó khăn, thách thức đối với nông nghiệp như sẽ thực hiện giá mới - đó vừa là động lực vừa là khó khăn, thách thức. Riêng đối với chăn nuôi, năm 2018 tăng 6% với quy mô 1 đàn 409 triệu con. Lợn tăng 2,7% với 28,1 triệu con. Với đặc điểm của virus dịch tả lợn châu Phi, chúng ta cần quyết liệt xử lý thì sẽ khoanh vùng lại được và hậu quả không đáng lo ngại.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người cho nên việc sử dụng thịt lợn vẫn có thể bình thường. Với những kinh nghiệm của cả quá trình và kết quả giám sát trong nhiều năm, chúng ta chắc chắn có kinh nghiệm và có trí tuệ cũng như có bản lĩnh để xử lý các tình huống, giải quyết khó khăn, thách thức, đáp ứng được yêu cầu về ATTP và cùng các giải pháp khác đưa nền nông nghiệp tự cấp, tự túc hướng đến xuất khẩu đạt chỉ tiêu.
Hiện nay, tình trạng nông sản được nhập khẩu gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân Việt Nam cũng như đảm bảo vệ sinh ATTP thì về phía ngành nông nghiệp có giải pháp nào?
Vấn đề nhập khẩu là hợp tác quốc tế, đồng thời kích thích để sản xuất. Riêng phần tạm nhập, tái xuất vừa rồi, Quốc hội có rất nhiều ý kiến. Vừa rồi họp Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ cho dừng tạm nhập tái xuất. Vì năm 2016 có 2,8 triệu tấn thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc động vật đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất Việt Nam. Khi rà soát ATTP tại Lạng Sơn, trong thời gian phát hiện 311 nghìn tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, Quảng Ninh 203 nghìn tấn, Nghệ An 203 nghìn tấn - như thế để thấy nó ảnh hưởng như thế nào. Có thể thấy việc tạm nhập tái xuất đã ảnh hướng đến xúc tiến thương mại và đây chính là hoạt động bất hợp pháp, tiếp tay cho nhập lậu từ Trung Quốc. Cho nên vừa rồi Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng không cho tạm nhập tái xuất nữa. Đây là sự việc tiêu biểu để chúng ta giữ được thị trường. |