Mọi năm, đến 27, 28 Tết tôi mới bắt đầu mua sắm, để mua rau củ, thực phẩm tươi mới, dùng trong mấy ngày Tết. Nhưng năm nay, dịch phức tạp thế này, đằng nào cũng phải mua sắm, mua trước cho yên tâm. Bà Trần Thị Thơm (TP. Nam Định) thở dài, không biết con cháu ở xa có về ăn Tết được không, nhưng vẫn phải sắm sửa đầy đủ.
Chị Nguyễn Thanh Trà (Q. Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Dù chưa nhận được lương thưởng Tết, nhưng tranh thủ cuối tuần mua sắm hàng Tết luôn, vì nếu chẳng may khu chung cư có bị cách ly, cũng yên tâm có đủ đồ trong nhà đón Tết.
Tại chợ truyền thống, không khí sắm sửa tấp nập. Chị Thanh Huyền, tiểu thương bán cá tại chợ Cống Vị (Hà Nội) cho biết: Từ hôm thông báo có ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh, chị em mua sắm nhiều hơn hẳn. Bình thường, họ chỉ mua đủ ăn một, hai bữa, thì nay, họ mua cả con cá to, để dành ăn qua Tết luôn.
Những mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều là thực phẩm các loại: thịt lợn, thịt bò, thịt gà; thủy hải sản; các loại rau củ để được lâu như khoai tây, cà rốt...
Khu chợ Linh Lang, Hà Nội tấp nập người sắm Tết sớm
Chị Nguyễn Thị Anh (Thường Tín, Hà Tây) cho biết: Lượng thịt lợn chị bán ra tăng gấp đôi, còn thịt gà tăng gấp 3 vài ngày trước. Khách hàng ai cũng mua nhiều hơn, để dự trữ dùng trong dịp Tết.
Ghi nhận trên thị trường, hàng hóa, sản phẩm tại các chợ truyền thống phong phú, đủ chủng loại, giá bán ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.
Tại các siêu thị, những ngày này cũng tập trung đông khách đến mua sắm. Những mặt hàng bán chạy là bánh, mứt kẹo, đồ uống... phục vụ Tết. Để kích cầu mua sắm, nhiều chương trình khuyến mại đang được áp dụng trong dịp này. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng kéo dài thời gian mở cửa đến 23h hàng ngày để phục vụ khách hàng.
Siêu thị thu hút đông khách hàng mua sắm Tết
Nhu cầu mua sắm Tết tăng cao vào đúng thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế để an toàn cho mình và những người xung quanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn