Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến ngày 9/9, Việt Nam có 11.435.472 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.220 ca nhiễm).
Cùng ngày 9/9, số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày cho thấy số bệnh nhân COVID-19 đang thở ôxy là 138 ca. Trong đó, thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca, thở máy xâm lấn: 5 ca, thở ô xy qua mặt nạ: 131 ca. Trước đó, vào ngày 8/9, cả nước ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh.
Cũng theo Bộ Y tế, tính tới 8/9, tỷ lệ tiêm mũi 3 và 4 tại một số tỉnh vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) ở Bình Định là 57,6%; Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,9%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (59,4%). Tỷ lệ tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) ở Đà Nẵng là 49,2%; Phú Yên (60,2%); TP.HCM (51,1%); Đồng Nai (55,4%); Tây Ninh (55,4%).
Tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi, ảnh minh hoạ.
Khi được hỏi hiện có nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới hay không, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết hiện có nguy cơ gia tăng số ca mắc chứ không có nguy cơ bùng phát dịch.
Lý giải kỹ hơn về điều này, PGS cho rằng khi có nhiều người không tiêm nhắc lại mũi 3 và 4 thì có nguy cơ số ca chuyển nặng, tử vong sẽ gia tăng. Tiêm vaccine Covid-19 là quyền lợi của mỗi người, nếu tiêm đầy đủ các mũi sẽ giảm được nguy cơ mắc và chuyển nặng.
Bên cạnh đó, những người tiêm chủng vắc xin Covid-19 không đầy đủ còn làm ảnh hưởng tới người đã tiêm đầy đủ. "Không tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ chuyển nặng và tử vong, tăng nguy cơ quá tải bệnh viện. Nếu xảy ra trường hợp đó, nhà nước có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ hơn, ảnh hưởng tới hoạt động đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, giải trí…", PGS. Dũng nói.
Hiện nay, rất nhiều người truyền tai nhau rằng "tiêm vaccine Covid-19 không còn hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh nặng khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện". PGS Dũng cho rằng quan điểm này là không đúng, tiêm chủng vẫn giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, sau một thời gian, miễn dịch phòng bệnh sẽ giảm đi và người dân có thể mắc bệnh. Nhưng miễn dịch bảo vệ trước nguy cơ chuyển nặng của vắc xin vẫn còn tác dụng. Đây cũng là lý do Bộ Y tế luôn tuyên truyền việc cần thiết phải tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19.
"Tiêm vaccine Covid-19 không có nghĩa là sẽ hết Covid-19 và không mắc bệnh. Việc xuất hiện các biến chủng mới có thể sẽ khiến dễ mắc bệnh hơn, nhưng khi tiêm đầy đủ các mũi tiêm, khả năng bảo vệ trước nguy cơ chuyển nặng và tử vong vẫn còn", PGS Dũng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi mỗi người cần tiêm bao nhiêu mũi vắc xin Covid-19, PGS Dũng cho biết không phải cứ tiêm thật nhiều mũi Covid-19 là tốt. Đối với người trưởng thành, sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 là đủ. Còn đối với người cao tuổi, có bệnh lý nền nên tiêm mũi 4 do khi mắc có nguy cơ chuyển nặng cao.
"Hiện nay, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi các nghiên cứu tiếp theo vào năm sau để xem miễn dịch có giảm đi nhiều hay không để quyết định về việc tiêm nhắc lại mũi 4, mũi 5", PGS Dũng nói.
Theo các nghiên cứu đời thực, mũi nhắc lại (mũi ba) của vaccine Covid-19 của AstraZeneca và các vaccine theo công nghệ mRNA có hiệu quả cao tương đương trong việc ngăn ngừa các hệ quả nghiêm trọng do biến thể Omicron như nhập viện và tử vong, kể cả trong bối cảnh các biến thể phụ tiếp tục xuất hiện.
Kết quả đánh giá mới được công bố này cho thấy với bất kỳ một liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin nào trong đó có sử dụng vắc xin AstraZeneca đều mang lại hiệu quả bảo vệ cao đối với sự tiến triển bệnh nặng (84,8% - 89,2%). Liệu trình tiêm 3 mũi vắc xin có sử dụng vắc xin công nghệ mRNA cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ tương tự.
Đối với mũi bốn (mũi nhắc lại thứ hai) có thể giúp tăng cường mức độ bảo vệ một cách đáng kể, với kết quả của một nghiên cứu đời thực gần đây thực hiện tại Châu Á cho thấy không ghi nhận bất cứ trường hợp bệnh nặng nào do Covid-19 ở những người được tiêm mũi bốn vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin theo công nghệ mRNA trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn