Người trẻ 'ngồi đâu' nếu nâng tuổi nghỉ hưu

16:39 | 29/10/2016;
Trước dự kiến tuổi nghỉ hưu nâng lên 58 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ quan điểm về bài toán cung cầu lao động, người trẻ có trình độ sẽ “ngồi ở đâu” khi người già chưa về hưu?

Nêu quan điểm về dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ, Đại biểu Quốc hôi Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng băn khoăn khi “6 tháng đầu năm 2016 vẫn có 191 ngàn sinh viên tốt nghiệp đang thiếu việc làm, thất nghiệp”.

Áp lực xã hội lớn nhất hiện nay là quan hệ cung lao động và cầu sử dụng lao động. Theo ông Lợi, nâng tuổi nghỉ hưu thì những người trẻ là học sinh, sinh viên có trình độ ra trường sẽ “ngồi ở đâu” thì cần phải tính toán.

bieu-do-so-nguoi-that-nghiep-quy-2-nam-2016-theo-trinh-do.jpg

Bày tỏ quan điểm lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lợi khẳng định: Chính phủ cần tính toán, cân đối, đánh giá tác động để đưa ra Quốc hội xin ý kiến. “Vấn đề điều chỉnh tuổi hưu nâng lên vào thời điểm nào, đối tượng nào điều chỉnh trước, tăng lên bao nhiêu là hợp lý”... cần phải có những phương án thuyết phục, để đi trước đón đầu vấn đề áp lực già hóa dân số diễn ra nhanh, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho rằng cần tính tới 2 điều kiện là không để “chảy máu chất xám”, lãng phí nguồn lực chất lượng cao, giàu kinh nghiệm, có chuyên môn kỹ thuật; đồng thời không bỏ đi nguồn lao động sung sức, trẻ tuổi, được đào tạo, có chuyên môn hiện đang rất cần.

Ông Lợi đặt vấn đề: Chính phủ phải đánh giá được, tăng tuổi nghỉ hưu thì tác động tới cân đối thị trường lao động ra sao, các phương án tăng có khắc phục được vấn đề lãng phí nguồn lực chất lượng cao phải nghỉ hưu sớm hay không? Đồng thời cần tạo cơ hội cho lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật bước vào thị trường lao động.

Hiện tại, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đang đưa ra xin ý kiến, Quốc hội sẽ còn bàn bạc, xem xét quyết định. Ông Lợi khẳng định sẽ chưa bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu với những lao động nặng nhọc độc hại, lao động vùng sâu, xa, lao động bị suy giảm khả năng lao động. Còn với các ngành nghề có điều kiện, môi trường lao động tốt hơn “sẽ được điều chỉnh, nhưng phải tính toán đảm bảo sức khỏe của người lao động”.

lao-dong-tre-tim-viec-lam.jpg
 6 tháng đầu năm 2016, nước ta vẫn có 191 ngàn sinh viên tốt nghiệp đang thiếu việc làm, thất nghiệp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn