Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Thần kinh Phạm Thị Hằng từng thăm khám một trường hợp bệnh nhân nữ 36 tuổi, được người nhà phát hiện bất tỉnh trong nhà vệ sinh, sau 5 phút, bệnh nhân tự tỉnh. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng tỉnh táo, không nói ngọng, không yếu tay chân, không khó thở và đau ngực. Bệnh nhân kể đã từng bị ngất 2-3 lần trước đó.
Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, đeo máy Holter điện tim, phát hiện nhịp tim chậm với tần số 40l/p và nhiều dạng rối loạn nhịp khác đi kèm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện, xem xét đặt máy tạo nhịp.
Trên thực tế, nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn bệnh nhân kể trên cũng có tình trạng thường ngất, nhất là vào mùa hè.
Ngất là hiện tượng mất ý thức ngắn và đột ngột, kèm theo mất trương lực tư thế và phục hồi ngay sau đó. Bệnh nhân thường có biều hiện không cử động được, đầu chi lạnh, mạch yếu, thở nông, không nghe thấy tiếng gọi hỏi xung quanh, khác với xỉu (ngất là còn ý thức).
Trong hầu hết trường hợp, ngất xảy ra do suy giảm lưu lượng máu lên não (rối loạn chức năng tim, rối loạn nhịp tim: nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm, hạ huyết áp tư thế…) hoặc do thiếu dưỡng chất nuôi não như oxy, glucose (hạ đường huyết).
Hầu hết, ngất là lành tính như ngất sau căng thẳng hoặc sau đứng lâu, sau thay đổi tư thế đột ngột... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ngất có kèm các dấu hiệu cảnh báo sau cần lập tức nhập viện như:
- Ngất khi tập luyện, gắng sức phản ánh tình trạng cung lượng tim kém
- Ngất nhiều lần trong thời gian ngắn
- Ngất kèm dấu hiệu: Đau ngực, hồi hộp trống ngực...
- Chấn thương nặng khi ngất
- Tiền sử gia đình có người đột tử chưa rõ nguyên nhân, ngất tái diễn nhiều lần.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hằng, để xử trí một cách tốt nhất, chúng ta nên đặt người bệnh nằm trên nền phẳng, nằm ngửa, nới lỏng quần áo, dây thắt lưng, nâng cao 2 chân, thường sau vài phút bệnh nhân sẽ tỉnh. Thường sau 5 phút, nếu bệnh nhân không có dấu hiệu tỉnh lại thì nên gọi ngay xe cấp cứu.
Đối với người thường xuyên ngất không rõ nguyên nhân, cần tránh lái xe và sử dụng máy móc. Đồng thời cũng có thể tạo dựng những thói quen sinh hoạt để hạn chế hiện tượng này như:
- Uống đủ nước hàng ngày, đặc biệt trong thời tiết nóng bức, rất dễ mất nước
- Không được nhịn đói: Nhịn đói sẽ gây thiếu nguyên liệu cho não hoạt động
- Khi có cảm giác muốn ngất nên nằm xuống ngay để máu kịp lên não
- Không đứng quá lâu dưới thời tiết khắc nghiệt
- Đeo tất áp lực với người có suy giãn tĩnh mạch chân
- Tập các bài tâp bắt chéo chân và căng cơ cánh tay.
Mùa hè là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra hiện tượng ngất, bác sĩ Phạm Thị Hằng cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cho việc này:
1. Hạ huyết áp tư thế: Ngất xuất hiện khi người bệnh chuyển tư thế từ ngồi sang đứng hoặc bất động do nằm lâu. Huyết áp tụt ( HA tâm thu < 90mmHg) khi dứng dậy kèm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, choáng váng kéo dài vài phút trước đó.
2. Sau stress (cảm xúc mạnh như đau đớn, sợ hãi, hoảng loạn quá mức…) gây tình trạng cường phế vị, biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, đổ mồi hôi kéo dài 5-10 phút trước đó.
3. Đứng lâu gây ứ máu tại tĩnh mạch, dặc biệt ở người có suy giãn tĩnh mạch 2 chi dưới.
4. Mang thai: Gặp ở nữ giới khỏe mạnh, thường mang thai ở giai đoạn sớm hoặc chưa nhận ra mình mnag thái
5. Hạ đường huyết: Thường xảy ra khi cơ thể bị đói, hoặc thời điểm xa bữa ăn, gây thiếu ”nhiên liệu” cho não hoạt động, biều hiện cảm giác đói, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi lạnh.
6. Rối loạn nhịp tim: Thường gặp ở người hay có cơn hồi hội trống ngực hoặc cảm giác hẫng nhịp, đã từng ghi nhận nhiều cơn ngất trước đó. Đây là tình trang bệnh lý cần nhập viện sớm theo dõi và điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn