Hơn 5 năm trước, bà Nguyễn Thị Thảo (65 tuổi) đã rời quê Nghệ An ra Hà Nội mưu sinh. Xuất thân từ người nông dân "chân lấm tay bùn", tuổi lại cao nên bà Thảo chẳng dễ gì xin được công việc ổn định trên thành phố. Ai thuê gì bà làm nấy, từ việc phụ quán ăn đến giúp việc nhà theo giờ.
Dù làm việc quần quật nhưng thu nhập của bà chẳng được là bao. Chắt bóp chi tiêu, mỗi tháng bà Thảo dành dụm được 5-6 triệu đồng. "Tôi có 3 người con đều đi làm ăn xa. Đứa làm công nhân ở Bắc Ninh, đứa làm ở Khu công Nghiệp Bắc Thăng Long và đứa út chạy xe công nghệ ở Hà Nội.
Trước đây, vợ chồng tôi ở nhà làm ruộng. Sau khi chồng tôi bị tai nạn qua đời, một mình tôi không thể làm nông, cũng không thể trông chờ vào các con nên tôi quyết định lên Hà Nội xin việc làm thêm. Cũng phải mất hàng tháng trời, nhờ nhiều người quen giới thiệu, tôi mới có thể xin được chân rửa bát tại một quán ăn", bà Thảo chia sẻ.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, bà Thảo đã dần quen với nhịp sống ở Thủ đô và tự tìm cho mình công việc mới, phù hợp hơn. Hơn 5 năm qua, bà Thảo đã "nhảy việc" nhiều nơi và hiện tại, bà nhận vận chuyển đồ ăn tại một khu chung cư ở quận Hoàng Mai.
Ngày 8 tiếng, bà Thảo đi vận chuyển đồ ăn, tối đến, bà đi phụ ở quán chè. Một ngày làm việc của bà kết thúc vào lúc 23h. "Phải làm việc 10-12 tiếng/ngày thực sự rất vất vả. Nhiều hôm quán đông khách hay đơn hàng nhiều, tôi không có một phút để nghỉ ngơi. Những hôm như thế mệt rã rời, về đến phòng trọ, tôi chẳng kịp ăn uống gì đã lăn ra ngủ.
Ngoài bệnh đau lưng mạn tính, mấy năm gần đây, tôi còn bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Ngày nào tôi cũng phải uống thuốc. Tôi chỉ mong tích cóp đủ tiền để mổ lưng", người phụ nữ 65 tuổi tâm sự.
Cũng như bà Thảo, ở "tuổi xế chiều", bà Đặng Thị Hương (61 tuổi) vẫn phải làm lụng vất vả để mưu sinh. Bà Hương cho biết, chồng bà bị tai biến, không thể lao động. Mấy năm nay, một mình bà hằng ngày đi khoảng 15km từ xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ra quận Hà Đông để làm công việc đóng gói sản phẩm cho một công ty thời trang.
"Tuổi của tôi không thể đi làm công nhân, công việc hiện tại cũng nhờ người quen xin giúp mới có được. Sáng 6h, tôi đã ra khỏi nhà và trở về nhà lúc 7h tối. Đáng ra tuổi này phải được nghỉ ngơi nhưng hiện tôi vẫn là lao động chính để lo cho cuộc sống 2 vợ chồng. Mấy năm nay sức khỏe bắt đầu giảm sút, nhiều hôm trời mưa gió, nghĩ đến quãng đường đi làm, tôi cũng thấy ngại", bà Hương nói.
Mới đây, trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng là người từ đủ 60 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp.
Theo quy định hiện hành, người từ 80 tuổi trở lên mà không hưởng trợ cấp hằng tháng thì được trợ cấp xã hội và phát thẻ BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trong khi đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp xã hội và có thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đóng.
Đối với người từ 60 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi mà không hưởng lương hưu, trợ cấp thì không có thẻ BHYT do nhà nước đóng. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, từ thời điểm 1/7/2025 đưa nhóm đối tượng từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi được nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng thẻ BHYT để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật.
Trước đề xuất này, bà Nguyễn Thị Thảo bày tỏ: "Tôi đã mua thẻ bảo hiểm y tế để phòng khi ốm đau bệnh tật nhưng nếu được nhà nước hỗ trợ đóng thẻ bảo hiểm thì thật là tốt. Tôi không có lương hưu, cũng chưa đến tuổi để nhận trợ cấp xã hội. Tôi mong đề xuất của đại biểu Quốc hội sẽ được thông qua".
Bà Đặng Thị Hương cũng cho hay: "Được biết, quy định của thành phố Hà Nội là hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi đang thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Hoàn cảnh tôi rất khó khăn và tuổi này cũng bắt đầu xuất hiện nhiều bệnh. Nếu được Nhà nước hỗ trợ BHYT từ tuổi 60, đó sẽ là niềm vui lớn đối với cá nhân tôi".
Ông Nguyễn Xuân Lập, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi (Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho rằng, BHYT là "giá đỡ" tốt nhất để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã mua BHYT cho tất cả đối tượng này và nhiều tỉnh, thành khác đã sử dụng ngân sách, có những mức hỗ trợ khác nhau cho người cao tuổi. Tại Hải Phòng, người từ đủ 60 tuổi đến 79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội hàng tháng được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Ngoài ra, Thái Bình hỗ trợ 50% mức đóng BHYT cho người từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, người từ đủ 65 tuổi trở lên có đăng ký thường trú và đang sinh sống thực tế, thường xuyên trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ bằng 100% mức đóng BHYT theo quy định…
Theo ông Lập, kiến nghị của đại biểu Quốc hội là có cơ sở vì nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện và rất hiệu quả. Ý kiến này cũng nằm trong chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam khi đơn vị này đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và giao cho Hội đồng nhân dân các tỉnh cần có Nghị quyết và tiến tới 100% người cao tuổi có BHYT.
"Tôi rất đồng tình với đề xuất của đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Vừa qua, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã giảm số tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội của người không được hưởng lương hưu xuống còn 75 tuổi, thay vì 80 tuổi như trước đây. Nếu đề xuất của đại biểu được thông qua, sẽ có thêm một chính sách thiết thực, ý nghĩa đối với người cao tuổi.
Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký kết với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thúc đẩy quỹ BHYT để quản lý hồ sơ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi ở cơ sở", ông Lập chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn