Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể

12:07 | 05/09/2022;
Một bộ phim truyền hình nổi tiếng mới đây đã nỗ lực nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ ở Hàn Quốc, nhưng nó thực sự giúp được bao nhiêu?

Khi Yoon Wn-ho, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Inha, Hàn Quốc, lần đầu tiên xem được bộ phim "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo", anh đã tắt luôn TV. Khắc họa của một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng về một luật sư trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đã làm phiền Yoon, người có hội chứng tương tự.

Anh cho rằng nhân vật chính có vẻ không thực tế nếu đem so với người có tập hợp các đặc điểm liên quan đến chứng tự kỷ. Một ví dụ, anh nói, là chế độ ăn nghiêm ngặt của cô ấy với kimbap, cơm cuộn rong biển được sắp theo từng lát mà cô cảm thấy thoải mái vì tất cả các thành phần đều có thể nhìn thấy được.

"Những người xem phim có thể nghĩ rằng tất cả những người bị rối loạn phổ tự kỷ chỉ ăn kimbap như Woo Young-woo", Giáo sư Yoon nói.

Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể - Ảnh 2.

Ảnh giáo sư Yoon (bên trái) tại một workshop cho các nghệ sĩ khuyết tật ở Seoul. Anh cho biết mình mong mọi người nghĩ người tự kỷ là kém cỏi và không có khả năng giao tiếp.

Một số người Hàn Quốc khác biết rõ về chứng tự kỷ cũng có những dè dặt tương tự về bộ phim, một series thú vị đã chiếu suốt vài tuần trong mùa hè này, là chương trình không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên một nền tảng online. Nhưng họ hoan nghênh nó vì đã thúc đẩy cuộc thảo luận về chứng tự kỷ ở Hàn Quốc, nơi mà đối với nhiều người, khuyết tật phát triển là một chủ đề cấm kỵ.

Có thời điểm, theo Nielsen Korea, một công ty phân tích thị trường và thông tin, gần 1/5 tổng số TV ở nước này đã bật xem bộ phim, được truyền trên mạng cáp của Hàn Quốc cũng như online. Bộ phim, và bản thân chứng tự kỷ, đã trở thành chủ đề thảo luận trực tuyến, thậm chí các trung tâm dịch vụ tự kỷ đã nhận được sự chú ý từ các cơ quan báo chí địa phương.

Nạn phân biệt đối xử vẫn dai dẳng

Min Huh, 26 tuổi, một cư dân Seoul, cho biết: "Không người quen nào của tôi mắc chứng tự kỷ, nên tôi không thực sự hiểu nó là gì". Nhưng bộ phim đã "cho anh thấy người tự kỷ có thể làm gì", Min Huh nói.

Theo số liệu gần đây nhất của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, 34.000 người được xác nhận là mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ ở Hàn Quốc, đất nước có hơn 51 triệu dân. Tuy nhiên, con số đó có lẽ thấp hơn nhiều so với con số thực vì sự kỳ thị vẫn tồn tại xung quanh chứng tự kỷ và các khuyết tật khác, khiến mọi người không muốn làm hoặc báo cáo chẩn đoán tự kỷ, theo Son Da-eun, Giám đốc Tổ chức Đối tác Tự kỷ Hàn Quốc.

Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể - Ảnh 3.

Một em nhỏ tại Tổ chức Đối tác Tự kỷ Hàn Quốc.

(Để so sánh, tại Hoa Kỳ, khoảng 1 trong số 44 trẻ em 8 tuổi được xác định là mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ vào năm 2018, theo ước tính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh).

Cô Son, cũng là chủ một trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ nhỏ bị rối loạn phổ tự kỷ cho biết: "Người Hàn Quốc thường liên hệ chứng tự kỷ và khuyết tật với nỗi xấu hổ". Một số phụ huynh có con theo học tại trung tâm che giấu chẩn đoán với bạn bè và người thân, còn một số tự trách bản thân về điều đó, cô nói thêm.

Cũng may là, giờ đã có nhiều cuộc thảo luận cởi mở hơn về tình trạng bệnh và nhiều lựa chọn điều trị hơn so với trước đây. Theo số liệu của chính phủ, số lượng các trường hợp được chính thức thừa nhận cao hơn khoảng 20 lần so với 2 thập kỷ trước. Hơn nữa, các trung tâm điều trị mới còn đang được xây dựng ở Seoul.

Shin Yee-jin, giáo sư Đại học Y thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, người làm việc với trẻ em khuyết tật phát triển, nói rằng người Hàn Quốc bị khuyết tật thuộc mọi loại phải đối mặt với sự phân biệt đối xử đáng kể do "văn hóa ít dung thứ cho sự khác biệt".

Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể - Ảnh 4.

Cô Son tại trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ.

Phân biệt đối xử với người khuyết tật, bao gồm cả chứng tự kỷ, là bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nhưng nó vẫn tồn tại.

Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cho biết người khuyết tật đã bị từ chối cơ hội việc làm, từ chối bảo hiểm và bị ngăn cản tham gia các kỳ thi với bạn học. Hơn một nửa số người được phỏng vấn xin việc bị hỏi liệu tình trạng khuyết tật có cản trở năng suất của họ hay không. Theo số liệu của chính phủ, trung bình những người Hàn Quốc bị rối loạn phổ tự kỷ chỉ kiếm được hơn 800 USD (hơn 18 triệu đồng) một tháng, gần 1/3 mức trung bình của cả nước.

Giáo sư Yoon - người sử dụng cách viết chữ La tinh độc đáo của tên anh, Wn-ho - được cho là người Hàn Quốc đầu tiên được chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ đã có bằng Tiến sĩ. Anh được chẩn đoán khi còn là một đứa trẻ mới biết đi. Giáo sư Yoon, 35 tuổi, nói: "Không hề nói quá khi cho rằng tất cả trẻ tự kỷ ở Hàn đều bị bắt nạt, tôi cũng không phải ngoại lệ".

Cha mẹ Yoon đã cho anh vào một trường phổ thông truyền thống, không phải trường dành riêng cho trẻ tự kỷ. Anh nói rằng việc đó thật khó khăn, nhưng cũng tin rằng nó đã góp phần vào thành công trong học vấn và sự nghiệp của mình.

"Học trường riêng hạn chế cơ hội vào đại học và kiếm việc làm", anh cho biết, đồng thời chia sẻ thêm rằng anh phải học cùng một chương trình giảng dạy và học nhiều giờ như các học sinh khác. Từng có lúc, việc bắt nạt trở nên tồi tệ đến mức anh ấy phải chuyển trường.

Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể - Ảnh 5.

Một em nhỏ được dạy học tại trung tâm của cô Son.

Ngay cả khi cha mẹ của Giáo sư Yoon muốn anh học ở một trường chuyên biệt, các lựa chọn của họ cũng rất hạn chế. Theo Bộ Giáo dục Hnà Quốc, có ít hơn 200 trường chuyên biệt như vậy ở Hàn Quốc, và con số đó thậm chí còn ít hơn đáng kể khi Yoon còn là học sinh.

Yoon có chuyên môn học liên quan đến nghiên cứu văn hóa và truyền thông, cho hay cách nói chuyện và tương tác với mọi người của anh đã ảnh hưởng đến đánh giá hiệu suất của mình vì nó không phù hợp với những gì mọi người mong đợi từ một giáo sư.

Theo Giáo sư Shin, người có nhiều bệnh nhân là người trưởng thành đang đi làm, lưu ý rằng phổ tự kỷ bao gồm một loạt các triệu chứng và nhiều người tự kỷ hay có các khuyết tật phát triển khác hoàn toàn có khả năng làm việc, đặc biệt nếu họ được điều trị và hỗ trợ.

Cũng theo Giám đốc Son của Tổ chức Đối tác Tự kỷ Hàn Quốc, cô đã thấy trẻ tự kỷ tại trung tâm phát triển đáng kể các kỹ năng xã hội của các em. Cô kể, một em không thể nói cuối cùng đã giao tiếp được sau 2 năm điều trị.

Cần những thảo luận cởi mở

Cả cô Son và Giáo sư Shin đều tin rằng "Luật sư kỳ lạ Woo Young-woo" đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về chứng tự kỷ. Bộ phim theo chân Woo Young-woo khi cô điều tra các vụ án phức tạp tại công ty luật của mình, khám phá chuyện tình lãng mạn trong văn phòng và đấu tranh chống lại những người phân biệt đối xử với cô.

Yoo In-sik, đạo diễn của bộ phim cho biết: "Tôi không ngờ bộ phim sẽ nhận được nhiều tình cảm như vậy". Đã có tiền lệ cho việc này; "Good Doctor", một bộ phim ngắn năm 2013 của Hàn Quốc về một bác sĩ bị rối loạn tự kỷ, đã trở thành tiền đề cho một loạt phim Mỹ sắp chiếu tới mùa 6.

Woo Young-woo, giống như nhân vật chính của "Good Doctor" và một số nhân vật tự kỷ khác trên phim điện ảnh hoặc truyền hình, mắc hội chứng bác học. Trong trường hợp của Woo, cô ấy có khả năng ghi nhớ và phân tích lượng lớn thông tin. 

Người tự kỷ ở Hàn Quốc: Câu chuyện đằng sau mà "cổ tích truyền hình" chưa kể - Ảnh 6.

Cho Hyeon-seung, một nghệ sĩ tự kỷ tại workshop.

Cô Son là một fan hâm mộ của series trên, nhưng cô lo lắng rằng người xem có thể kết luận là tất cả những người bị rối loạn phổ tự kỷ đều có đặc điểm đó. Cô cũng cho rằng họ có thể nhầm lẫn là một đứa trẻ tự kỷ có thể dễ dàng phát triển các kỹ năng tương tác và giao tiếp như nhân vật chính.

Trước các ý kiến, đạo diễn Yoo cho biết nhân vật này không phải đại diện cho tất cả mọi người mắc phổ tự kỷ. Anh cho biết mình hy vọng loạt phim sẽ khuyến khích thảo luận về sự đa dạng và tạo ra một xã hội bình đẳng hơn.

Giáo sư Yoon, mặc dù vẫn không thích bộ phim này, lại cho rằng nó đã làm được điều đó. "Nếu không có bộ phim, mọi người có thể đã không chú ý đến (người bị rối loạn phổ tự kỷ)", anh nói.

Nhưng anh cũng muốn mọi người thấy rằng những người bị rối loạn phổ tự kỷ không quá khác biệt. "Tôi muốn mọi người ngừng nghĩ chúng tôi là người kém cỏi và không có khả năng giao tiếp. Chúng tôi cũng có thể làm được tất cả".

Nguồn: NYT

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn