Thông tin được bà Hà Thị Quỳnh Anh – Chuyên gia về giới và nhân quyền – Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra tại buổi Tập huấn cung cấp nội dung, kỹ năng truyền thông về chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới diễn ra ngày 14/7 tại Hạ Long, do UNFPA phối hợp với Tổng cục dân số tổ chức.
Tại buổi tập huấn, bà Hà Thị Quỳnh Anh đã dẫn kết quả điều tra về dân số mới nhất tại Việt Nam (năm 2019), thì tỉ lệ giới tính khi sinh đạt mức là 111.5 trẻ trai sinh ra trên 100 trẻ em gái trong khi tỉ lệ sinh "tự nhiên" là 105 đến 106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Việt Nam là nước có tỉ số giới tính khi sinh cao thứ ba tại Châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới có sự khác biệt giữa các khu vực. Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỉ số giới tính khi sinh tăng nhanh nhất. Đặc biệt, 3 tỉnh có tỉ số giới tính cao hơn 125 trẻ trai/100 trẻ gái là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh- đây là tỉ số cao nhất trên thế giới.
Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới có sự khác biệt về kinh tế và học thức. Theo đó, tỉ số giới tính khi sinh thấp hơn ở nhóm 20% dân số nghèo nhất và các nhóm thiệt thòi khác (như các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm có học vấn thấp). Tỉ số này gần với mức sinh học bình thường ở nhóm 20% dân số nghèo nhất, và cao hơn ở các nhóm dân số khá giả hơn.
Tỉ số giới tính khi sinh tăng lên cùng với số năm đi học của người mẹ: 108 đối với những người học 3 đến 5 năm; 111 đối với những người học từ 6 đến 8 năm; 112 đối với những người học từ 9 đến 10 năm; đạt đỉnh ở 113 đối với những người học trên 12 năm.
Theo dự đoán, hàng năm có khoảng 45,900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam. Nếu tỉ số giới tính không giảm, dự kiến đến năm 2034, trong độ tuổi 15–49, chúng ta sẽ thừa khoảng 1,5 triệu nam giới và con số này sẽ tiếp tục tăng đến năm 2059 là 2,5 triệu nam giới (tương ứng với 9,5% dân số nam).
TS. Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho rằng, kết quả của Tổng điều tra 2019 cho thấy 5 xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam rất đáng lo ngại.
Thứ nhất, tỉ số giới tính khi sinh khá cao và vẫn có xu hướng tăng lên. Năm 1999 – 107, 2009 - 110,5 và 2019 - 111,5. Điều này cho thấy giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh còn khó khăn hơn cả giảm sinh.
Thứ hai, tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn và tăng nhanh hơn thành thị. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn.
Thứ ba, tỉ số giới tính khi sinh tăng nhanh nhất ở các tỉnh vùng núi và cao nguyên. Như vậy, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm sinh được con trai đã lan tỏa nhanh đến những vùng có trình độ phát triển chưa cao.
Thứ tư, tỉ số giới tính khi sinh ở 4 vùng tăng lên, chỉ có 2 vùng giảm nhẹ. Vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ đều tăng. 02 vùng giảm: Đồng bằng sông Cửu Long; và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm ít hơn.
Thứ năm, việc tăng nhanh số tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh rất cao. Năm 2009, chỉ có 9 tỉnh hầu hết tập trung ở Đồng bằng sông Hồng có tỉ số giới tính khi sinh rất cao, từ 115 trở lên. Đến năm 2019, đã có 17 tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh cao như vậy cả ở 6 vùng kinh tế - xã hội.
"Những xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh nói trên cho thấy những thách thức to lớn trong việc đưa tỉ số này xuống "dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống" vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết 21 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về Công tác dân số trong tình hình mới đề ra" - TS. Đinh Huy Dương nhận định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn