Người vợ ‘cùng anh đi suốt cuộc đời’ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh

14:55 | 15/12/2016;
Trong cuộc đời mình, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh có 2 người vợ. Tuy nhiên, người được nhắc đến với những đóng góp và hy sinh lớn lao cho cuộc đời cách mạng của ông là bà Trương Thị Sáu - vốn được biết đến với tên gọi ‘cô Sáu Cầu Ông Lãnh’.

Phu nhân của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đã từ bỏ khát vọng riêng của bản thân để cùng chồng theo đuổi lý tưởng lớn. Khi chồng qua đời, bà vẫn dũng cảm một mình tiếp bước, thực hiện những hoài bão cách mạng còn dang dở của chồng.

Bà Trương Thị Sáu sinh ngày 26/6/1899 tại xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Cha bà là một người Hoa nghèo gốc Phúc Kiến, đã có một đời vợ, dạt sang Việt Nam làm ăn. Ông ngoại bà là một điền chủ giàu có, quý mến tính thật thà, siêng năng, chịu khó của ‘anh Trương’ bán vải dạo mà gả người con gái thứ 3 (tức mẹ của bà Sáu) cho cha bà. Kể từ ngày ấy, công việc làm ăn của cha mẹ bà khá phát đạt.

Cuộc sống hạnh phúc kéo dài không lâu thì cha bà đột ngột qua đời, để lại cho người vợ trẻ đàn con 5 đứa còn thơ dại. Quá buồn khổ, mẹ bà lâm bệnh hậu sản. Gia đình bà Sáu lâm vào cảnh khánh kiệt, phải tá túc trong một góc vườn của ông ngoại. Những năm tháng khốn khó đó đã thổi bùng khát vọng làm giàu trong những giấc mơ thiếu nữ của bà.

1.jpg
 Chân dung bà Trương Thị Sáu - phu nhân của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh.

Mới 15 tuổi, cô bé Sa (tên hồi nhỏ của bà) quyết tâm vượt qua cảnh nghèo khó, một mình lên Sài Gòn lập nghiệp. Với bản lĩnh và ý chí làm giàu cũng như sự cần cù, chịu khó, năm 20 tuổi, bà đã làm chủ một hiệu may nổi tiếng ở Cầu Ông Lãnh, từ đó người ta gọi bà là ‘cô Sáu Cầu Ông Lãnh’. Cô chủ trẻ xinh đẹp, giỏi giang ngày đó đã làm say lòng biết bao chàng trai xa gần tìm đến cầu thân.

Năm 1924, Nguyễn An Ninh vừa tốt nghiệp ngành luật ở Pháp về nước. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông do gia đình sắp đặt tan vỡ chỉ sau 3 tháng vì người vợ giàu có nhưng không cùng chung chí hướng. Là dân Tây học nhưng ông từ chối vinh hoa phú quý và không sợ sự đe dọa của thực dân Pháp để đi làm ‘quốc sự’.

Những bài báo chống Pháp nảy lửa của ông trên tờ Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) đã gây được tiếng vang rộng lớn trong công chúng. Cũng chính từ những bài báo này, Nguyễn An Ninh đã giành được sự khâm phục của ‘cô Sáu Cầu Ông Lãnh’. Được những người bạn đầy thiện ý vun đắp, ông Ninh đến thăm tiệm may của bà. Mến tài, trọng đức nên cuộc gặp gỡ của hai người đã dẫn đến một mối lương duyên nhiều hạnh phúc nhưng không ít chông gai, trắc trở về sau.

Nhận lời lấy ông Ninh, bà Sáu bán hết sản nghiệp được khoảng mười ngàn đồng, một số vàng và hột xoàn để về quê chồng ở  ấp Trung Chánh, xã Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn bắt đầu cuộc sống của người vợ hiền, dâu thảo. Nhờ số tiền đó mà bà ít nhiều giúp đỡ được chồng và các anh em khác hoạt động cách mạng. Kể từ đây, bà trở thành người đồng hành, người cộng sự đắc lực của ông trên từng bước đường hoạt động cách mạng đầy chông gai, nguy hiểm vì độc lập tự do của dân tộc mà ông đã chọn lựa.

v-chng-ng-nguyn-an-ninh-v-b-nguyn-th-su.jpg
 Ông Nguyễn An Ninh và bà Trương Thị Sáu.

Để ông yên tâm và có điều kiện thuận lợi hoạt động, bà tự mình lo vận động, chuẩn bị tiền bạc, vật chất. Bà còn giúp ông có thể tiếp tục duy trì và ra mắt các tờ báo La Cloche Fêlesee, L’ Annam, là vũ khí đấu tranh với quân địch và cũng là mặt trận tuyên truyền, đoàn kết dân tộc chống kẻ thù chung.

Trên con đường ‘làm quốc sự' đầy gian nguy của Nguyễn An Ninh, người vợ dũng cảm ấy đã phải quen dần với việc sinh con một mình khi chồng ngồi tù hay bôn ba trên đường tranh đấu.

Năm 1926, bà sinh người con trai đầu lòng Nguyễn An Định khi ông Ninh đang ngồi tù vì diễn thuyết đòi quyền tự do dân chủ. Năm 1929, chính quyền thực dân tuyên án ông 3 năm tù, phạt 1.000 quan tiền, 5 năm mất quyền công dân về tội lập hội kín. Trong những ngày ông phải chịu cảnh tù đày, bà đã sát cánh cùng với ông Châu Văn Liêm vận động tổ chức anh em thành lập Đảng. Ngôi nhà bà trở thành trạm liên lạc, thư viện đọc sách, chỗ nghỉ ngơi và nơi hoạt động của của nhiều đồng chí anh em của ông. Bà đã đón tiếp và chăm sóc cụ Phan Chu Trinh, Trần Thế Truyền từ Pháp về. Đây cũng là nơi hội họp, tá túc của các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Lý Tự Trọng.

Bước vào những năm 1930 - 1931, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và chính quyền tay sai nổ ra rộng khắp, sôi sục ở Nam bộ. Dù một nách 2 con nhỏ nhưng bà vẫn cùng bạn bè, đồng chí của ông đi vận động quần chúng đứng lên chống ngoại xâm, xuống cơ sở diễn thuyết, kêu gọi bà con biểu tình. Bà ôm đứa con nhỏ, trốn dưới hầm tàu tìm chồng khi ông đang bị địch đày xuống Hà Tiên (dù đã mãn hạn tù) nhằm cách ly ông khỏi phong trào quần chúng nổi dậy.

b-trng-th-su-nm-1927-v-con-trai-u-nguyn-an-nh.jpg
 Bà Trương Thị Sáu và con trai đầu Nguyễn An Định năm 1927.

Tháng 9/1939, nhằm mục đích tách ông ra khỏi phong trào quần chúng, thực dân Pháp kết án Nguyễn An Ninh tù biệt xứ. Bà lại một mình vừa tìm cách mưu sinh để nuôi con, vừa kiếm tiền để ủng hộ tổ chức hoạt động. Bà đưa các con về Mỹ Tho làm rất nhiều nghề như mở hiệu thuốc, nấu dầu cù là, buôn vải rồi lập gánh hát Kim Chung để kiếm tiền sinh sống, ủng hộ tổ chức. Bà còn thay ông thực hiện những công việc còn dang dở như xuất bản, giữ gìn từng quyển sách, trang viết tâm huyết cả đời của ông.

Khoảng cuối năm 1943, một người bạn tù về tìm bà báo tin dữ ông Ninh đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Không muốn tin vào điều khủng khiếp ấy, bà chạy đến bót Catinat hỏi, lúc ấy bọn mật thám mới xác nhận rằng ông Ninh đã chết. Bà tưởng như bị nhấn chìm trong nỗi đau quá lớn.

Vượt qua nỗi đau và mất mát, với một sức mạnh phi thường, người phụ nữ ấy vẫn trỗi dậy tiếp bước chồng. Bà Sáu tiếp tục đi vận động kinh phí để ra báo Đảng. Sau hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, bà nhận làm chủ nhiệm tờ báo Phụ nữ - một công việc đầy nguy hiểm lúc bấy giờ và tổ chức vận động thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Công thương gia, Hội Liên Việt thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Bà trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ, Ủy viên Thường vụ Hội Liên Việt cho đến lúc bị lộ, phải thoát ly ra chiến khu.

Vào chiến khu, bà tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Rạch Giá - Phụ nữ Nam bộ,  Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam bộ. Ở địa bàn và chức vụ mới, bà tiếp tục đem hết tâm sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến ngày tập kết ra Bắc. Ra đến Thủ đô, bà được phân công làm Giám đốc Trại Nhi đồng miền Nam tại Hà Nội. Trên cương vị này, bà đã đưa khoảng 500 thiếu nhi đi sơ tán an toàn ở Trung Quốc trong gian đoạn không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt năm 1966. Bà tham gia Quốc hội khóa 2, khóa 3 và là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3.jpg
 Cuốn hồi ký của bà Trương Thị Sáu.

Cả cuộc đời hoạt động với khát vọng cao cả, ngày 3/12/1983, ‘cô Sáu Cầu Ông Lãnh’ - phu nhân của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh - đã ra đi, thỏa ước nguyện "mãi mãi theo ông đi suốt cuộc đời". Cuốn hồi ký ‘Cùng anh đi suốt cuộc đời’ của bà Trương Thị Sáu nói về cuộc hành trình mang hoài bão lớn, là minh chứng rõ nhất cho tâm sự của người phụ nữ dám hy sinh cả cuộc đời mình cho lý tưởng lớn lao của chồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn