Người vợ dám hy sinh tính mạng mình vì đại nghĩa

21:28 | 03/10/2016;
Một đêm, khi tướng quân Lê Lợi đang mơ màng ngủ thì chợt thấy một vị thần đến bảo “Tướng quân hãy nhường cho tôi một người thiếp, tôi sẽ âm phù cho tướng quân đánh thắng giặc, giữ vững nghiệp đế”. Lê Lợi tỉnh giấc nằm ngẫm nghĩ mãi về giấc mộng này.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi phải kể đến sự hy sinh của những tấm gương sáng ngời mà lịch sử và nhân dân muôn đời ngợi ca. Một trong số đó là bà Phạm Thị Trần, người vợ trân quý của Bình Định vương Lê Lợi.

Bà Phạm Thị Trần người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương, phủ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa), cha là Phạm Hoành, anh trai Phạm Vận đều là những võ tướng hàng đầu của nghĩa quân Lam Sơn. Bà là vợ thứ 2 của Lê Lợi, kết hôn với ông khi khởi nghĩa Lam Sơn vừa bắt đầu.

Trong những ngày đầu khởi nghĩa, căn cứ của nghĩa quân đóng tại Như Áng, Lam Sơn. Đây là thời kỳ nghĩa quân gặp muôn vàn khó khăn. Năm 1418, nghĩa quân bị quân Minh đánh úp, chật vật lắm bà Phạm Thị Trần mới cùng bà cả là Trịnh Thị Lữ mới thoát được hiểm nguy. Tiếp đó 3 tháng liền, quân của Lê Lợi bị vây khốn ở Linh Sơn, không có lương thực, chỉ ăn toàn măng tre, rễ cỏ.

Những ngày gian khổ đó, bà Phạm Thị Trần lăn lộn cùng chồng chia sẻ khó khăn, tích cực động viên mọi người sản xuất trồng cấy để lấy lương ăn, lại ngầm đi về vận động phường đánh cá Đa Mỹ dùng thuyền ngược sông Chu lên tiếp tế lương thực, giúp nghĩa quân vượt qua khó khăn.

Năm 1442, khi bà đang mang thai, nghĩa quân lại bị vây hãm ở Chí Linh. Tình cảnh khốn khó đến mức không chỉ phải ăn rau cỏ, măng tre, đến con ngựa duy nhất dùng cho Lê Lợi cưỡi cũng bị làm thịt lấy lương ăn. Khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nhưng bà luôn động viên Lê Lợi cố gắng chịu đựng vượt qua thử thách.

Năm 1423, bà sinh con trai là Nguyên Long (sau này là vua Lê Thái Tông). Trong thời kỳ này, nghĩa quân liên tục di chuyển đánh giặc ở nhiều nơi, gian khổ vô cùng nhưng bà vẫn ôm theo con nhỏ vừa nuôi con vừa chăm sóc chồng. Năm 1424, theo lời bàn của tướng quân Lê Chích, nghĩa quân Lam Sơn chủ động tiến vào Nghệ An xây dựng căn cứ kháng chiến mới, bà Phạm Thị Trần lại ôm con nhỏ theo chồng vào Nghệ An.

thi-miu-nh-hu-l-lng-kiu-i-nay-l-qung-x-phng-ng-v-tp-thanh-ha.jpg
 Thái miếu nhà Hậu Lê, làng Kiều Đại (nay là Quảng Xá), phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa là nơi thờ các vị vua và hoàng thái hậu của nhà Hậu Lê

Năm 1425, nghĩa quân vây đánh thành Nghệ An, giặc Minh cố sức chống giữ rồi cố thủ trong thành gọi quân đến cứu viện. Tình thế giằng co bất phân thắng bại. Lúc đó, Lê Lợi cho đóng tạm quân doanh cạnh đền thần Phổ Hộ thuộc làng Trào Khẩu, huyện Hưng Nguyên bên dòng sông Lam để bàn tính cách. Một đêm, khi ông đang mơ màng ngủ thì chợt thấy một vị thần đến bảo “Tướng quân hãy nhường cho tôi một người thiếp, tôi sẽ âm phù cho tướng quân đánh thắng giặc, giữ vững nghiệp đế”.

Lê Lợi tỉnh giấc nằm ngẫm nghĩ mãi về giấc mộng. Hôm sau ông gọi các bà vợ đến kể lại và nói: “Nếu trong các nàng, ai dám vì đại nghĩa hy sinh thì sau này ai lấy được nước, ta sẽ lập con của người đó làm thiên tử”. Không một ai lên tiếng. Lúc đó, bà Phạm Thị Trần quỳ xuống thưa: “Vì việc lớn thiếp nguyện xả thân”.

Sáng ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ 1425, đàn tế được lập lên bên dòng sông Lam, bà Phạm Thị Trần ôm đứa con trai bé bỏng vào lòng lần cuối rồi trao vội cho một người hầu gái, quả quyết bước lên đàn tế hy sinh cho đại cuộc. Sử chép: “Quả nhiên sau đó việc đánh thành dễ như trở bàn tay”.

Sau khi đánh đuổi xong quân Minh lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi cho người rước quan tài bà về táng ở Quần Lai. Khi đoàn rước về đến làng Mía (làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa hiện nay) thì trời tối, cả đoàn tạm dừng ngủ lại chờ hôm sau đi tiếp.

Sáng hôm sau, mọi người vô cùng kinh ngạc khi thấy nơi đặt linh cữu của bà mối đã đùn lên làm thành một nấm mồ. Sự việc được tâu lên, vua lệnh cho cứ để nguyên như vậy và dựng điện Hiếu Nhân bên cạnh để thờ. Rồi lại cho dựng miếu, đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế.

Giữ lời hứa với bà, ngay khi vừa lên ngôi, vào niên hiệu Thuận Thiên năm thứ nhất 1428, Lê Lợi phong Nguyên Long - con trai bà làm Lương quận công rồi năm 1429, Nguyên Long được lập làm Hoàng thái tử.

Năm 1434, Lê Lợi băng hà, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi. Tháng 6 năm đó, Lê Thái Tông dâng kim sách truy tôn mẹ là Cung từ Quốc thái mẫu, cho đưa thần chủ mới vào thờ phụ ở Thái miếu, rồi lại cho dựng miếu Thái mẫu ở Lam Kinh, Thanh Hóa. Năm 1437, bà được truy tôn làm Cung từ Quang mục Quốc thái mẫu, liền sau đó được truy tôn là Hoàng thái hậu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn