Người vợ giản dị của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

07:57 | 16/01/2017;
Đó là bà Đoàn Thị Giàu, người con của vùng sông nước Tiền Giang thơ mộng.

Bà Đoàn Thị Giàu sinh năm 1898 tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bà vốn là một cô giáo ở làng quê hiền hòa.

Ngày đó, anh Hai Thắng (tức Chủ tịch Tôn Đức Thắng) 32 tuổi nhưng đã có hơn 14 năm tham gia đấu tranh vì quyền lợi của người công nhân Việt Nam và người lao động ở một nước thuộc địa. Anh chưa bao giờ nghĩ đến một mái ấm gia đình cho riêng mình, mối lương duyên đến với hai người như một sự an bài của duyên phận.

Gia đình cô giáo Đoàn Thị Giàu vì cảm kích trước tấm lòng nghĩa hiệp của Tôn Đức Thắng vì đã giúp đỡ và đứng ra lo ma chay cho một người thân của gia đình không may mất ở xứ người nên đã gả người con gái nết na, hiền lành cho anh. Đám cưới được tổ chức vào năm 1921 tại ngôi nhà của ông bà ngoại cô giáo Giàu ở xã Vĩnh Kim, Tiền Giang.

ch-tch-tn-c-thng.jpg
 Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Sau khi kết hôn, cô giáo Giàu theo chồng lên Sài Gòn đi học thêm nghề may để phụ giúp chồng, còn anh Hai Thắng vẫn đi làm ở xưởng đóng tàu và hoạt động cách mạng. 8 năm trôi qua, ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng tuy nghèo khó nhưng thật hạnh phúc với sự ra đời lần lượt của 2 cô con gái Tôn Thị Hạnh và Tôn Thị Nghiêm.

Sang năm 1925, tình hình đất nước ta ngày càng đen tối dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cuộc sống của người dân lao động ngày càng thống khổ, phong trào đấu tranh lan rộng trong quần chúng. Lúc này, Tôn Đức Thắng đứng ra tổ chức Công hội bí mật, lãnh đạo công nhân Ba Son bãi công chống thực dân đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân lao động. Thời gian này, Tôn Đức Thắng cũng bắt được liên lạc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Như hầu hết những người vợ có chồng đi làm cách mạng, bà Giàu đã tự mình lo liệu quán xuyến hết việc nhà. Bà còn dành dụm tiền mở hiệu bán thuốc Bắc để đóng góp kinh phí cho tổ chức hoạt động, giúp chồng yên tâm công tác. Bà tích cực tham gia những hoạt động tuyên truyền cho các phong trào bình đẳng giới, vận động quần chúng tiến bộ chống kẻ thù.

ngi-nh-gn-vi-thi-nin-thiu-ca-bc-tn.jpg
 Ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Hạnh phúc đơn sơ của gia đình bà Giàu chỉ tồn tại đến khi bà mang thai người con thứ 3. Thời gian bà đang về Mỹ Tho thăm gia đình cũng là lúc chồng bà bị thực dân Pháp bắt ở chân cầu Kiệu ngày 23/7/1929.

Vừa mới sinh con trai thứ 3, hay tin chồng bị bắt, bà vội ôm con trở lên Sài Gòn, vào tận Khám Lớn tìm chồng, cho cha được gặp mặt con. Sau đó thực dân Pháp đưa Tôn Đức Thắng ra tòa đại hình xét xử rồi kết án ông 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ngày gặp mặt con trai ở tòa án cũng là lần cuối hai cha con được gặp nhau bởi không lâu sau đó, người con trai nhỏ của ông đã chết vì bệnh trong cảnh đói nghèo.

Chồng bị tù đày ra Côn Đảo, một mình bà vừa phải tần tảo để nuôi dạy các con nhỏ, vừa phải chống chọi với sự o ép và những âm mưu thâm độc của kẻ thù đối với những gia đình có chồng con đi làm cách mạng. Điều kiện sinh sống của gia đình ngày càng khó khăn nên bà quyết định mang các con lên tận Nam Vang bán hàng rong kiếm sống.

Mười 7 năm đằng đẵng trôi đi, mãi đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí mới từ Côn Đảo được trở về đất liền. Vợ chồng cách biệt bao năm nhưng ông vừa về đến quê nhà Vĩnh Kim gặp được vợ con trong chốc lát lại phải lên đường đi ngay qua Đồng Tháp dự Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ. Ngay sau đó, ông lại được điều ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Bà lại một mình tiếp tục chờ đợi và dõi theo bước đường hoạt động cách mạng của chồng con. Lúc bấy giờ, 2 người con gái của bà đều đã trưởng thành và được đoàn thể dìu dắt tham gia cách mạng từ rất sớm. Cô Tôn Thị Hạnh và Tôn Thị Nghiêm đều tham gia trong đội tuyên truyền xung phong đi các tỉnh phía Bắc. Một mình ở lại quê nhà, bà Giàu tham gia công tác phụ nữ cứu quốc ở Mỹ Tho. Ít lâu sau, tổ chức đưa bà ra hoạt động tại căn cứ địa Đồng Tháp.

1.jpg
 Bà Đoàn Thị Giàu là người con của vùng sông Tiền trù phú.

Mãi đến năm 1954, gia đình bà mới được trùng phùng trên đất Bắc. Nếu không kể đến lần gặp mặt ngắn ngủi ở quê nhà, lúc Tôn Đức Thắng từ Côn Đảo trở về thì gia đình bà bị chia cắt suốt 25 năm. Sau này, khi trở thành phu nhân của Chủ tịch nước năm 1969, bà và gia đình vẫn tiếp tục cuộc sống vô cùng giản dị với quần nâu, áo vải, những bữa ăn thanh bần giữa Thủ đô trong những ngày cả nước còn chiến tranh.

Nhìn lại cuộc đời bà, từ một cô giáo miệt vườn cho đến lúc trở thành phu nhân của Chủ tịch nước, đáng nhớ nhất vẫn là những ngày tháng sát cánh cùng chồng đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc; những ngày tháng cô đơn, vật lộn với cuộc sống tha hương chờ chồng, nuôi con. Xuyên suốt cuộc đời bà là một cuộc sống đời thường hết sức giản dị, thủy chung với chồng, tận tụy vì con, hết lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc.

Bà Đoàn Thị Giàu ra đi ngày 25/5/1974 sau một cơn bệnh nặng. Có lẽ trong lòng bà chỉ còn một niềm nuối tiếc vì chưa kịp thấy ngày giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn