Cuộc điện thoại không mong chờ nhất
Với chị Thúy, ngày 28/6/2018 có lẽ là ngày mà chị sẽ không thể nào quên. Hôm đó, nhân dịp kỉ niệm ngày gia đình Việt Nam, chồng chị là đại úy Nguyễn Đình Tài (Trinh sát thuộc Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) hẹn chị sẽ cố gắng về kịp trong ngày để cả nhà cùng ăn cơm và đi chơi. Thế nhưng, buổi trưa khi chị đang ở trong bếp thì nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nhấc máy lên, chị nghe tiếng người đầu dây bên kia giọng run run nhưng vẫn rất rõ rang: “Em có phải là Thúy, vợ Tài không? Em phải thật bình tĩnh nghe anh nói tiếp nhé...”.
Mới nghe đến đó thôi, chị thấy bủn rủn hết chân tay. Bằng linh tính của người phụ nữ, chị biết có lẽ anh đã gặp chuyện chẳng lành.
Về làm vợ anh bao nhiêu năm, đã rất nhiều lần chị Thúy lo sợ và thầm cầu mong ngày này sẽ không bao giờ đến. Cố gắng giữ bình tĩnh để nghe hết cuộc điện báo ngắn ngủi, chị Thúy chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo, gọi điện báo cho người thân rồi lên xe xuống thẳng thành phố Vinh.
Bây giờ, chị cũng không còn nhớ lúc đó mình có kịp khóc hay không, chỉ biết rằng “đau lắm”. Xuống đến Bệnh viện quân y 4, thấy đồng đội anh tập trung ngoài hành lang, mặt ai cũng căng thẳng, đôi chân của chị dường như không còn đứng vững.
Đến khi nhìn thấy anh từ một người đàn ông cao lớn, lúc nào cũng vui vẻ nay mê man trên giường bệnh, chị Thúy òa khóc nức nở. Ngay trong đêm hôm đó, anh Tài được chuyển ra bệnh viện Trung ương quân đội 108. Tại đây, anh được chẩn đoán bị vỡ một đốt sống lưng, tổn thương tủy sống và bắt đầu những tháng ngày dài nằm viện.
Khi biết rằng ít nhất anh còn sống, chị Thúy mới đỡ bình tâm hơn, dẫu biết rằng, sức khỏe của anh cũng như cuộc sống sau này của gia đình mình sẽ không còn được như trước nữa. Và mãi đến sau này, khi nghe anh kể lại chị mới biết, hôm đó, khi cùng đồng đội truy bắt đối tượng vận chuyển ma túy tại địa bàn Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, anh không may bị đạn bắn xuyên qua người.
Những tháng ngày anh Tài được điều trị ở bệnh viện quân y 108, chị Thúy đêm ngày túc trực chăm sóc. Trải qua nhiều tháng trời nằm viện điều trị với 3 lần phẫu thuật, đôi chân người trinh sát biên phòng bắt đầu teo nhỏ đi, khả năng đi lại vẫn còn nhưng rất thấp.
Có những lúc chỉ có 2 vợ chồng, nhìn đôi chân bất động, anh Tài hỏi chị “Bây giờ anh không đi lại được nữa, sau này sẽ không giúp vợ hay làm được gì nữa thì làm thế nào?”. Cố kìm những giọt nước mặt, chị động viên anh “Không sao đâu anh ạ, nay y học phát triển lắm. Và dù có thế nào đi nữa vợ con vẫn luôn ở bên anh”. Cũng có những khi nghĩ về những ngày tháng là trinh sát chuyên băng rừng lội suối để bắt giữ tội phạm nay lại nằm một chỗ, anh Tài cáu bẳn nhưng chị vẫn luôn thông cảm và nói sang chuyện ở nhà, chuyện các con để cho anh khuây khỏa hơn.
Rồi bằng những cố gắng của cả anh và chị, sau quá trình điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của anh đã ổn định, anh được xuất viện về nhà và thực hiện tập vật lý trị liệu để hi vọng một ngày nào đó có thể đi lại được như cũ.
Còn anh là còn tất cả
Dồn sức gồng đôi cánh tay chắc nịch của người lính đã từng bao lần quật ngã đối tượng vận chuyển ma túy, anh Tài cẩn thận bám vào thanh sắt hình chữ U dùng tập đi những bước tập tễnh trước sân nhà.
Sau một thời gian dài tập luyện, đến nay anh đã có thể co duỗi được một chân và chập chững có những bước đi đầu tiên nhờ vào công cụ hỗ trợ. Thấy chồng bắt đầu thở dốc, khuôn mặt hơi nhăn nhó vì đau buốt, chị Thúy vội vã chạy lại đỡ anh ngồi xuống xe lăn nghỉ ngơi.
Lúc nào cũng vậy, dẫu không thể chịu đau thay anh, nhưng chị vẫn luôn đồng hành cùng anh từ những việc nhỏ nhất. Mấy hôm trước, trời mưa rét, vết thương của anh lại âm ỉ, thi thoảng lại co rút, giấc ngủ của anh cũng chập chờn. Có những đêm, chị Thúy thức trắng ngồi bóp chân cho chồng và cùng động viên anh gắng lên.
Trước Tết, anh được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và gia đình chị cũng được bàn giao căn nhà tình nghĩa có một phần hỗ trợ của đồng đội anh. Chị Thúy biết, vậy là sự hi sinh của anh đã được ghi nhận nhưng có lẽ với chị, những tấm bằng khen, những sự ngợi ca cũng không thể bì được với hạnh phúc giản dị mà chị đang có ngay lúc này. Hai cậu con trai của chị vừa đi học về, sà vào lòng anh líu lo kể đủ thứ chuyện ở trường, rồi chẳng ai bảo bảo ai, một đứa xoa đầu còn một đứa bóp chân cho anh – với chị vậy là đủ, như câu chị vẫn thường nói với anh những ngày còn ở viện “Còn anh là còn tất cả”.
Lấy chồng là lính, đặc biệt khi anh là lính trinh sát chống tội phạm ma túy, thường xuyên đi vào những địa bàn vùng sâu vùng xa, đối đầu với những đối tượng cực kỳ nguy hiểm và manh động, chị lo nhiều lắm nhưng chị biết chị có cản anh vẫn cứ đi, bởi đó là tâm nguyện, là lý tưởng của anh.
Trong những đêm xa chồng khi cả tháng anh mới về nhà một lần, hay những cái Tết anh phải ở lại trực cơ quan, chị cũng chỉ biết cầu mong và thậm chí có lúc ích kỉ khi chỉ cần anh được bình an về với mẹ con chị. Sau này, chẳng biết liệu anh Tài có thể đi lại bình thường được nữa không, nhưng bây giờ chị biết, những ngày tăm tối nhất đã qua, những ngày tháng phía trước, cả gia đình cùng cố gắng, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, vì chị còn anh, còn các con ở bên.