Giữa trưa, chị Định vừa đi cắt cỏ cho bò về. Trút bỏ khẩu trang và áo chống nắng, khuôn mặt chị Định lộ rõ vẻ hồng hào, nụ cười tươi, dáng vẻ nhanh nhẹn, ở tuổi 40, chị vẫn nguyên vẻ đẹp thắt đáy lưng ong quyến rũ.
Nhắc tới những ngày đã qua, chị nghẹn ngào: “Tôi từng bị nỗi đau chồng phụ bạc gặm nhấm, dày vò hàng chục năm trời, là người theo Đạo công giáo, tôi không thể thay đổi, không thể phá vỡ quy định của Đạo giáo đề ra. Có dạo chỉ trong 1 tháng, tôi gầy sọp mất gần 5 kg, đi không vững, mắt nhoè nhẹt, khóc mà không thành tiếng, thậm chí có lúc tôi chán nản, chỉ muốn kết thúc cuộc sống này. Mãi khi chính thức ly hôn với chồng, tôi mới có thể ngủ những giấc sâu, ăn bát cơm biết vị ngon và ngửi thấy mùi thơm của thức ăn khi đến bữa”.
Chuyện xảy ra đã 5 năm, trái tim chị Nguyễn Thị Định (SN 1975) ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tưởng đã chai sạn khi nhắc về bố bọn trẻ, giờ lại nhói buốt.
Chị Định đã tìm thấy niềm vui cuộc sống, đã ăn ngon, ngủ ngon hơn từ khi ly hôn chồng |
Ngày ra toà hôm ấy, chị vẫn choáng váng, dù đã sống ly thân với chồng gần 20 năm. Nghe cán bộ toà hoà giải, trái với sự im lặng, sụt sùi trong đau đớn của chị, anh quả quyết: “Tôi và cô ấy không còn tình cảm vợ chồng, chúng tôi ly thân đã lâu, mong toà giải quyết cho chúng tôi được ly hôn”.
Cả 3 lần, anh không nói một câu nào khác, dù chị và vị cán bộ toà hy vọng khi phân tích, hoà giải điều hơn thiệt, lý trí của anh sẽ suy chuyển. Ngày cuối cùng, chị run rẩy ký vào đơn thuận tình ly hôn. Chị được quyền nuôi 2 con, vì cả 2 con đã lớn và lựa chọn ở với mẹ, anh cũng không giành quyền nuôi con với chị. Anh đồng ý để lại cho 3 mẹ con chị căn nhà đang xây dở, vừa đổ mái và khoản nợ gần trăm triệu vay mượn xây nhà rồi lặng lẽ ra về.
Lấy chồng năm chị mới 17 tuổi, vì chưa đủ tuổi kết hôn, chị nghe anh làm lại lấy khai sinh, tăng thêm 1 tuổi cho hợp pháp. Anh làm nghề giáo viên, là người cao ráo, đẹp trai, ăn nói hoạt bát, vui tính. Anh mê vẻ đẹp chân quê, mộc mạc của chị, nên dù học vấn của chị chỉ hết phổ thông, nhưng anh vẫn quyết nắm tay chị cùng bước vào tổ ấm (năm 1993).
Hồi đầu, cuộc sống mới còn khó khăn, đồng lương giáo viên của anh cũng chỉ đủ ăn, chị làm thêm nhiều nghề chăn nuôi, trồng rau, chạy chợ để trang trải cuộc sống gia đình. Căn nhà nhỏ đi thuê chỉ có 1 phòng lợp mái tôn nóng bỏng mùa hè, nhưng vợ chồng chị vẫn thương yêu nhau, cùng đồng cam cộng khổ.
Một năm sau chị sinh con gái đầu lòng, rồi 3 năm kế tiếp vợ chồng chị lại có thêm cậu con trai khôi ngô. Gánh nặng nuôi 2 con nhỏ ngày càng đè nặng lên mối lo cơm áo gạo tiền của vợ chồng chị. Anh làm giáo viên, cũng không kiếm thêm được đồng nào, chị đành bỏ chạy chợ, xin làm công nhân bao bì ở nhà máy gần địa phương. Đồng lương không nhiều, nhưng ổn định.
Đúng lúc chị mải mê làm trong làm ngoài kiếm tiền để cuộc sống đỡ khốn khó thì nghe tin anh phải lòng người bạn nữ đồng nghiệp. Chị nhẹ nhàng hỏi han, khuyên bảo tất cả những điều hơn thiệt với gia đình nhỏ bé này, anh nghe rồi hứa sẽ sửa chữa, sẽ quay về cùng chị chăm nuôi 2 con khôn lớn. Nhìn con gái 5 tuổi và cậu con trai 2 tuổi bi bô ôm cổ bố mỗi khi anh đi làm về, anh đành vùi quên những điều xa vời.
Lời hứa của anh với vợ con không thể thực hiện được quá 3 tháng. Anh và người phụ nữ đã có chồng con vẫn tìm đến với nhau, công khai hơn trước. Mặc cho gia đình họ hàng 2 bên can ngăn, xỉ vả, mặc cho nhà trường phê bình, tước bỏ các chỉ tiêu thi đua của 2 người.
Anh chị đều theo Đạo công giáo, anh không thể rời bỏ vợ con được, nhất là khi chị không gây ra tổn thất hay có lỗi lầm gì với anh, nhưng anh trả lời ngạo nghễ: “Tôi không thể chung sống với cô nữa, tôi không muốn một người vợ như cô, vì vậy đừng cản trở tôi”.
Sau buổi nói chuyện đó với chồng, chị và anh sống như 2 cái bóng trong căn nhà này. Con gái lớn tuổi trăng rằm thấy mẹ điêu đứng, mắt sưng húp vì khóc nhiều đã rỉ tai mẹ: “Mẹ đừng nghĩ gì nữa, bố không muốn ở với mẹ con mình thì mẹ để bố đi đi, chị em con dựa vào mẹ là đủ rồi”. Vậy là 18 năm sống với người chồng bội bạc, có chồng mà như không, anh đi đâu, về giờ nào, chị không hay biết, giờ đã đến lúc phải đặt dấu chấm cuối cùng.
Cất giấu nỗi đau nhói buốt vào quá khứ, chị gạt nước mắt cố đi vay mượn anh em, họ hàng tiền hoàn thiện căn nhà để 3 mẹ con có chỗ ở ổn định. Để có tiền trả nợ, chị vay Ngân hàng chính sách 10 triệu đồng mua 6 con lợn con, vay nguồn vốn xoá đói giảm nghèo 20 triệu đồng. Cứ thế, chị gây lên đàn lợn thịt 30 con, 4 con lợn nái, 2 còn bò. Lứa nọ gối lứa kia, mỗi lần suất chuồng chị lại có chút vốn trả nợ.
“Nỗi đau vơi dần, chai sạn, tôi thấy con người thoải mái, đầu óc không phải mệt mỏi, u sầu nữa. Tôi không muốn nghĩ đến chuyện đã qua, chỉ nghĩ ngày hôm nay sẽ làm gì, sẽ nấu bữa cơm cuối tuần có món gì để mẹ con tôi sum họp khi các con từ trường Đại học về thăm nhà” – chị Định cười nhẹ nhàng, đôi mắt ướt, nhưng vẫn ánh lên sự mạnh mẽ, tự tin đầy sức sống.