Bà là vợ kế của danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), họ Nguyễn (không rõ tên), người thôn Nhân Trạch, xã Thắng Lãm, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội). Dòng dõi nhà bà trải qua nhiều đời làm quan các triều nên cha bà được hưởng lệ tập ấm Thị hậu quân, mẹ bà họ Nguyễn, người làng Phương Quế, huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội).
Bà sinh năm Nhâm Tuất 1742. Lớn lên tư dung xinh đẹp kiều diễm, vóc người nhỏ nhắn, da tóc sáng tươi, dáng dấp cử chỉ uyển chuyển mềm mại, trang điểm vào lại càng thêm quý phái. Bà tính trầm tĩnh, ít nói, vẻ người nét mặt đoan chính, phong độ cẩn trọng nghiêm trang nhưng hóm hỉnh mẫn tuệ, không điều gì là không biết.
Thấy bà xinh đẹp, người cô ruột là phi tần muốn tiến bà vào cung nên mời nữ sư về dạy múa hát, gảy đàn. Bà hát hay múa khéo, chơi đàn giỏi, thích đọc sách, cắt may dệt thêu rất khéo léo tinh xảo.
Năm bà 14 tuổi, mẹ bà sợ bà bị đem tiến cung nên đưa về tránh ở nhà người dì ruột tại Phố Hiến (Hưng Yên). Tại đây bà sống kín đáo, chỉ ở trong nhà dệt may làm lụng. Khi ngoài 16 tuổi, nhiều đám cao sang dạm hỏi nhưng bà đều không ưng thuận.
Bấy giờ Ngô Thì Sĩ đang làm quan trong kinh, vợ vừa mất 3 năm, gia cảnh tiêu điều, khó khăn chồng chất. Ngô Thì Nhậm là con cả nhưng cũng chỉ mới 17 tuổi, 5 người em trai em gái đều còn nhỏ, việc nhà không người giúp đỡ, Ngô Thì Sĩ vừa phải làm cha vừa làm mẹ.
Năm 1763, có người làm mối, bà được đón về kinh cho ông xem mặt. Vừa gặp mặt, ông đã biết ngay là người hiền, bèn đưa lễ hỏi. Mùa xuân năm 1764, lễ cưới được cử hành, năm ấy bà 22 tuổi.
Khu lăng mộ của danh nhân Ngô Thì Sĩ. |
Từ đó mọi việc trong nhà đều do một tay bà xếp đặt. Bà luôn giữ đúng đạo làm vợ, hiếu kính thờ phụng tổ tiên, hiền từ rộng lượng với con chồng. Trong gia đình ngoài tông tộc, cư xử không khiếm khuyết chỗ nào. Một thời gian sau, Ngô Thì Sĩ dần có danh vị trong triều, các con chồng đều học hành tấn tới. Các con đến tuổi dựng vợ gả chồng, bà bàn bạc với ông chọn nơi xứng đáng mà tác thành, từ lễ vật ăn hỏi đến lễ cưới, bà đều hết sức lo lắng chu toàn với tấm lòng thương yêu chân thật. Vì vậy, đối với bà, Ngô Thì Sĩ vừa yêu vừa trọng.
Khi Ngô Thì Sĩ được thăng Giám sát Ngự sử Sơn Tây, chuyển làm Đốc đồng Thái Nguyên rồi Hiến sứ Thanh Hoa, bà đều mang các con đi theo. Chồng có quyền thế nhưng bà luôn ý tứ giữ thể diện cho ông, không bao giờ lợi dụng điều đó để mưu lợi cho mình. Năm 1768, gặp khoa thi hương, có sĩ tử nhờ người đến lo lót, chỉ xin nói hộ một lời để gặp mặt quan giám khảo. Bà trách mắng người đó, từ chối thẳng rằng “Tôi lẽ nào vì chút lợi nhỏ mọn mà làm hại đến tiết tháo và đức thanh liêm của chồng tôi!”.
Bà thể chất vốn yếu, trong 5 năm sinh liền 5 đứa con nhưng chỉ giữ được một nên luôn ốm đau phiền não. Năm 1770, bà lại sinh con trai Ngô Thì Hoàng. Bấy giờ Ngô Thì Sĩ được thăng Tham chính Nghệ An muốn đưa bà đi cùng đến nhiệm sở nhưng bà bị hậu sản nặng nên không thể đi cùng.
Sau khi ông đi, bệnh bà ngày thêm nặng nhưng bà không cho báo tin vì sợ ông lo lắng. Ngô Thì Nhậm đang ở xứ Hải Dương nhận được tin giữa đêm, đội mưa gió về nhà thì bệnh bà đã trầm trọng rồi. Hỏi bà muốn trăn trối điều gì thì ngoài chuyện mong nhớ chồng ra, không có lời gì khác. Bà ra đi khi mới 29 tuổi. Ngô Thì Sĩ về đến nơi không kịp nhìn mặt vợ.
Bà được đưa về an táng ở quê nhà – làng Tả Thanh Oai. Do Ngô Thì Sĩ có quan hàm Tòng tam phẩm nên bà được triều đình tặng Thuận nhân.
Sau khi bà mất, Ngô Thì Sĩ chìm trong đau buồn. Với ông, bà là một báu vật mà ông may mắn có được. Ông ý thức sâu sắc mất mát của mình, rồi như người mộng du, ông viết về bà qua các tác phẩm Khuê ai lục, Thập tư (Mười nhớ), Thập bất tất tư (Mười không cần nhớ).
Tất cả những tác phẩm này đều chỉ nói về những phẩm chất tuyệt vời của bà và tình yêu say đắm ông dành cho bà. Đó là điều rất hiếm có ở thời phong kiến. Trong lời dẫn ở bài Thập bất tất tư, ông viết “Hiền thục như thế mà không thể có nhau lâu dài, yêu nhau đến thế mà không thể ở cùng nhau mãi mãi…”. Với những vần thơ như:
Thương nhớ đành xem lại sách nàng,
Mau thưa bút tích vẫn hàng hàng.
Giờ đây còn quyến răn điều lễ,
Lời dịch, nàng ơi! Bật tiếng vàng.
…
Thương nhớ khôn nguôi mặc áo nàng,
Hãy còn sực nức đượm hương lan.
Đường kim mũi chỉ xem tường tận,
Tôi đấy, người đâu, lòng nát tan…
Thập tư và Thập bất tất tư của Ngô Thì Sĩ xứng đáng được xếp vào hàng những bài thơ tình hay nhất trong thơ ca cổ điển Việt Nam.
Ngô Thì Nhậm khi viết văn tế thứ mẫu cũng bày tỏ tình cảm thương yêu kính trọng sâu sắc của các con đối với bà. Với các con “tấm lòng cẩn thận chu đáo của thứ mẫu, người thường không thể sánh kịp”.
Các con trai của bà, Ngô Thì Trí và Ngô Thì Hoàng về sau đều trở thành những tác gia có nhiều đóng góp cho những thành tựu của văn học Việt Nam thời trung đại.