Chị bước vào cuộc hôn nhân với quan niệm cổ hủ rằng: Người vợ phải hy sinh hết cho chồng. Thế nên, dù chồng có tệ bạc thế nào, chị vẫn chịu đựng và coi sự chịu đựng đó là trách nhiệm của người vợ. Chồng chị là người gia trưởng, vũ phu, ham mê rượu chè, cờ bạc nên thường trút giận lên vợ bằng việc đánh đập hay nhiếc móc. Những lúc như vậy, chị chỉ biết nín lặng. Chị chịu đựng vì nghĩ rằng "xấu chàng hổ ai".
Chị luôn nhận phần thiệt về mình. Có miếng ăn ngon, chị cũng nhường cho chồng con. Chị không dám mua quần áo mới cho mình nhưng rất hào phóng mua cho chồng những bộ quần áo đắt tiền. Tư tưởng của chị là luôn dành những thứ tốt nhất cho chồng vì anh là "bộ mặt" trong gia đình. Với tư tưởng ấy nên mọi việc trong nhà, chị "ôm" hết.
Trong khi chị quần quật làm không ngơi tay việc nhà thì anh thảnh thơi đi chơi thể thao, nhậu nhẹt với bạn bè. Nếu ở nhà, anh cũng chỉ biết quát tháo chứ không bao giờ động tay động chân vào việc gì. Chị không cho phép mình ốm, cũng không được phép buồn tủi. Thậm chí, lúc bầu bí, sinh nở, chăm con nhỏ, chị cũng tự xoay vần với những khó khăn của mình.
Ở nhà chị như có sự phân cấp rõ ràng. Anh là "ông chủ", còn chị không khác gì "người giúp việc". Chị không có chút tiếng nói nào trong gia đình. Còn lời nói của anh thì không khác gì mệnh lệnh, chị phải tuân theo. Nhưng thời điểm ấy, chị cho điều đó là đương nhiên. Chị khờ khạo tin rằng mình cứ tận tâm, chấp nhận hết đau thương để gìn giữ gia đình và "gái có công, chồng không phụ", rằng mình cứ sống tốt thì chồng sẽ thay đổi...
Thế nhưng, khi mọi thứ tồi tệ ở chồng đã vượt quá sức chịu đựng của chị, chị đã vùng lên. Lúc thoát khỏi cuộc hôn nhân đó, chị mới nhận ra, sẽ không bao giờ có sự thay đổi của người chồng mà mình phải thay đổi để cho bản thân cơ hội lựa chọn. Mình phải biết yêu bản thân mình chứ không thể làm "nô lệ" cho cảm xúc của người khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn