Những người đam mê blockchain đang khao khát một trang mạng xã hội phi tập trung, những người ủng hộ ông Donald Trump quay trở lại sử dụng Twitter, những người mong muốn tự do ngôn luận trên mạng xã hội, và những fan hâm mộ trung thành của Elon Musk có lẽ sẽ là 4 nhóm người vui sướng nhất khi thương vụ mua bán Twitter trị giá 44 tỷ USD của vị tỷ phú giàu nhất thế giới kết thúc tốt đẹp vào ngày 27/10.
Quãng thời gian sáu tháng như một chuyến đi tàu lượn siêu tốc, một câu chuyện buồn và một cơn ác mộng đối với nhiều người. Tuy nhiên trong suốt quá trình đó, thương vụ mua bán này cũng tạo ra sự phấn khích cho những người khác với nhiều lý do khác nhau. Bằng cách thu hút sự chú ý của hàng loạt người nổi tiếng, nhà phê bình và cả cộng đồng thế giới, Twitter đã thực sự nâng cao vị thế của mình hơn bao giờ hết.
Tương lai của trang mạng xã hội dưới thời của Elon Musk đã trở thành một nơi chứa đựng kỳ vọng của nhiều người, về một thế giới theo cách mà họ mong muốn.
Có mấy vị giám đốc điều hành về lĩnh vực công nghệ lại tạo nên sự tôn thờ có thể nói là “mù quáng" như Musk? Những người hâm mộ của vị giám đốc điều hành Tesla này sẵn sàng bảo vệ và ủng hộ ngay cả những động thái bất ổn nhất của vị tỷ phú.
Thương vụ mua lại này đã vấp phải vô số chỉ trích đến từ nhân viên công ty, những nhà lập pháp hay các nhà nghiên cứu. Nhiều người lo sợ rằng Musk sẽ tạo ra điều tồi tệ đối với nền tảng mà hiện nay ông đang nắm quyền lực gần như tuyệt đối. Nhưng bất chấp tất cả những vấn đề tiêu cực đó, đây có thể vẫn là một chiến thắng đối với đa số người dùng.
Bryce Paul, người dẫn một chương trình liên quan đến blockchain chia sẻ: “Hành động mua lại Twitter thật tuyệt vời. Tôi không phải là fan của ông ấy nhưng phải khẳng định rằng vị tỷ phú này là một thiên tài, một da Vinci thời hiện đại”.
Kể từ khi công bố kế hoạch tiếp quản hồi tháng 4, Elon Musk đã thảo luận về kế hoạch chuyển đổi đối với Twitter bao gồm việc sa thải một số nhân viên, nới lỏng các chính sách kiểm duyệt nội dung, kết hợp với công nghệ blockchain, tính phí đăng ký thành viên và biến nó thành một “ứng dụng có tất cả mọi thứ”.
Các học giả ủng hộ Tu chính án thứ nhất (hay văn bản sửa đổi) Hiến pháp Hoa Kỳ về việc tự do ngôn luận và tự do báo chí đã cổ vũ cho kế hoạch nới lỏng chính sách kiểm duyệt của Musk đối với nền tảng mạng xã hội này.
Jonathan Turley, giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington tin rằng “Twitter là một ví dụ thảm hại về hậu quả của việc kiểm duyệt nội dung", đồng thời ông cũng cho rằng việc điều chỉnh những phát ngôn trên nền tảng này sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ kéo dài về sau.
Những người dùng bị cấm trên Twitter (bị ẩn bài viết với những người theo dõi) cũng đã cổ vũ cho sự tiếp quản của vị tỷ phú, và chính Elon Musk cũng tuyên bố rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm được ban hành đối với ông Trump trước đó.
Bình luận viên Dinesh D’Souza cũng dự đoán rằng số lượng người theo dõi tài khoản Twitter của ông sẽ tăng gấp đôi nếu ông Musk có những bước “cải cách" đối với khâu kiểm duyệt: “Tôi nghĩ rằng Elon Musk sẽ làm tốt việc sa thải những nhân viên cũ và sau đó sắp xếp lại những nhân sự có cùng mục tiêu là chia sẻ tầm nhìn về việc tự do ngôn luận".
Thậm chí có những người, như ông Jano le Roux, giám đốc tiếp thị của công ty truyền thông Likeflare tại khu vực vịnh San Francisco bày tỏ sự khó hiểu về lý do khiến nhiều người phản đối hành động của ông Musk. Jano le Roux thậm chí còn ủng hộ vị tỷ phú tiết lộ những thuật toán tạo nên một tweet xu hướng, thu hút được nhiều người thảo luận.
Jamie Dimon, giám đốc của công ty dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan Chase chia sẻ với CNBC rằng ông hy vọng Musk sẽ “làm sạch Twitter" bằng cách loại bỏ “tất cả những tài khoản ảo".
Tuy nhiên, đây lại là cơn ác mộng đối với một số nhân viên Twitter: “Có gì vui khi nhìn vào mặt của một người sẽ nói với mình rằng: Cô đã bị sa thải?”, kỹ sư Stephanie Guevara thuộc Twitter đã viết. Bài đăng này đã nhanh chóng trở nên phổ biến, và các fan của Elon Musk đã kêu gọi thần tượng của họ sa thải cô kỹ sư này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn