Sinh ra tại Hà Tĩnh, 3 tuổi, Phạm Thị Thu Hằng theo bố mẹ đi làm kinh tế mới tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Chị tốt nghiệp cử nhân Sư phạm, ngành Sinh học tại trường Đại học Tây Nguyên và trở thành giáo viên. Lớn lên ở xứ sở của cà phê, Thu Hằng đã dành trọn tình yêu cho những sản vật của vùng đất này, đặc biệt là trái bơ.
Nhận thấy diện tích trồng bơ được mở rộng nhưng giá bơ tươi lại giảm đáng kể, Thu Hằng luôn trăn trở làm thế nào để thay đổi. Từ đó, chị nung nấu ý tưởng xây dựng thương hiệu bơ Krông Pắk. Lấy tên Pơ Lang, một loài hoa gần gũi với đồng bào Tây Nguyên để đặt tên cho dự án khởi nghiệp của mình, Thu Hằng bắt đầu nghiên cứu chế biến quả bơ.
Năm 2016, chị bắt tay vào thực hiện những sản phẩm đầu tiên. Sản phẩm ban đầu gồm bột bơ và dầu bơ, sau đó phát triển thêm các sản phẩm khác như: son dưỡng, muối tắm, dầu rửa mặt, xà bông... Năm 2018, chị Hằng mạnh dạn đăng kí hộ kinh doanh cá thể để sản xuất kinh doanh. Đến năm 2019, chị quyết định nghỉ công việc giảng dạy để tập trung cho dự án bơ Pơ Lang. Năm 2020, chị thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại Pơ Lang.
Dự án Pơ Lang do Thu Hằng sáng lập và điều hành luôn hướng đến các sản phẩm từ thiên nhiên. Sau nhiều năm nghiên cứu, dòng sản phẩm đầu tiên ra đời chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Pơ Lang phát triển sản phẩm từ nguyên liệu chủ đạo là quả bơ tươi, loại quả được nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao trong việc sử dụng làm mỹ phẩm. So với các đối thủ trong ngành mỹ phẩm, Pơ Lang có lợi thế về vùng nguyên liệu đầu vào và chất liệu vượt trội của vùng nguyên liệu gốc.
Thu Hằng cho biết, khách hàng mà Pơ Lang hướng tới là phụ nữ, có thu nhập ổn định, quan tâm đến làm đẹp, yêu thích sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên. Do công ty thành lập đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên chị Thu Hằng định hướng bán sản phẩm qua hình thức online.
Việc liên kết trực tiếp với các hộ nông dân không qua trung gian đã giúp người dân tiêu thụ được bơ với giá cao hơn. Giá thu mua bơ của Pơ Lang thường cao hơn 2.000đ/kg so với giá thị trường. Dự án Pơ Lang cũng góp phần xây dựng thêm một hướng đi cho quả bơ tươi, đa dạng hóa sản phẩm từ nông sản, gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Việc tham gia vào chuỗi sản xuất của Pơ Lang cũng góp phần cải thiện kinh tế của các nông hộ tham gia sản xuất. Từ việc thấy được hiệu quả kinh tế, người nông dân sẽ thấy được hiệu quả của việc liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, từ đó thay đổi dần tập quán canh tác cũ, chất lượng thấp thành sản xuất chất lượng cao, có tính liên kết và bền vững lâu dài.
"Nhân sự của Pơ Lang hiện nay có đến 80% là nữ. Hoạt động sản xuất của Pơ Lang đã tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ địa phương, giúp họ tự tin hơn", chị Thu Hằng chia sẻ thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn