Bảo vệ cộng đồng LGBT
Chính quyền Pháp đang điều tra về vụ việc một phụ nữ chuyển giới đã bị tấn công và chế giễu trong một cuộc biểu tình ở trung tâm Paris ngày 31/3 vừa qua. Video này đã được xem hơn 1,5 triệu lần trên Twitter, cho thấy một nhóm người biểu tình vây quanh người phụ nữ khi cô bước ra khỏi tàu điện ngầm đến Place de la Republique, nơi diễn ra cuộc biểu tình. Những người đàn ông vuốt tóc, chế nhạo cô, nhiều người còn vung nắm đấm, đá về phía cô. Chia sẻ với báo giới, cô Juli (31 tuổi) kể lại: Có 3 người đàn ông trực tiếp tấn công cô. Hộ nhìn chằm chằm rồi sờ ngực cô, nói tục, cười nhạo và ném bia vào cô.
Các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra về “bạo lực được thực hiện với lý do xu hướng tính dục và bản dạng giới”. Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt các cuộc tấn công chống người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đang bị lên án và bày tỏ sự cảm thông cho nạn nhân. Chủ tịch của nhóm chiến dịch SOS Homophobie là Joel Deumier, kêu gọi những kẻ tấn công phải đối mặt với công lý. Theo Joel, mọi người có thể di chuyển tự do trong không gian công cộng bất kể giới tính của họ. Ngay cả nữ Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng bày tỏ sự phẫn nộ và tweet rằng “những người chịu trách nhiệm cho hành động không khoan dung này cần được xác định và trừng phạt”.
Bà Marlene Schiappa - Bộ trưởng Bình đẳng giới - cho rằng đây là biểu hiện phân biệt giới và lòng thù hận nghiêm trọng. Năm 2018, số vụ tấn công vào cộng đồng người chuyển giới Pháp đã tăng 54% lên 186 vụ việc so với năm 2017. Theo bà Schiappa, từ năm 1985, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật cấm phân biệt đối xử với người đồng tính trong công việc, vấn đề nhà ở, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công và tư.
Đến ngày 30/12/2004, luật về chống phân biệt đối xử và bình đẳng được ban hành, trong đó bổ sung thêm một số hành vi vi phạm pháp luật: hành vi gây tổn thương, lăng mạ, xúc phạm, xúi giục việc thù ghét hay bạo động hoặc kỳ thị một người, nhóm người vì giới tính, xu hướng tình dục hoặc bệnh tật của họ. Các hành vi tấn công, giết hại các nạn nhân đồng tính luyến ái sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ. Người đồng tính được gia nhập quân đội và hưởng hầu hết các quyền dân sự, kinh tế, chính trị khác giống như người dị tính.
Bước tiến lớn là hôn nhân đồng tính trở thành hợp pháp tại Pháp từ ngày 17/5/2013. Theo dự luật này, hai người cùng giới được phép cưới nhau, kể cả khi một trong hai người có nguồn gốc từ một nước không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Một trong hai người có quyền thừa kế tài sản khi người kia chết, cả trong trường hợp người chết không để lại di chúc. Các cặp vợ chồng đồng tính được nuôi con nuôi hoặc nuôi con của một trong hai người. Đứa con này có thể mang họ của bố hoặc mẹ, hoặc cả hai. Trong giấy khai sinh của trẻ có thể ghi tên bố-mẹ hoặc hai bố, hai mẹ.
Cuộc cách mạng thầm lặng về giới
Cuộc cách mạng về giới ở Pháp không chỉ dẫn đến việc thừa nhận cộng đồng người LGBT mà xã hội Pháp đang đứng trước một thay đổi lớn: Giới trẻ đang dần bình thường hóa vấn đề xuyên giới. Tuần báo L’Observateur cuối tháng 3 đã có bài viết với tựa đề “Ni fille, ni garcon” (không nam, không nữ) bàn về “cuộc cách mạng thầm lặng” trong lĩnh vực giới đang diễn ra với số lượng ngày càng đông người không chấp nhận khuôn theo mô hình truyền thống. Họ tự khẳng định mình “không là đàn ông” cũng “không là phụ nữ”.
Đây là câu chuyện của cậu sinh viên Val (20 tuổi). Từ 12 tuổi, cậu bé Val thích chơi với các bạn gái, ưa các trò đóng vai hơn là bóng đá. Val không hề chịu áp lực phải trở thành con trai. Thế nhưng, khi dậy thì, bố muốn Val chơi thể thao và yêu cầu cậu phải đàn ông hơn. Ở trường học, Val thường xuyên bị miệt thị là đồ ái nam, ái nữ. Trước áp lực đó, Val tự ti, co mình lại, tránh mọi biểu hiện có thể bị đánh giá là nữ tính, tìm mọi cách để ra dáng mày râu.
Val đã sống qua suốt thời trung học như vậy cho đến khi vào học trường sân khấu. “Em có quyền sống đúng với mình” là câu nói của thầy giáo khiến Val tỉnh ngộ. Cùng với các bài tập kịch, những xúc cảm tự nhiên bị chôn vùi lần lượt sống dậy. Từ 2 năm nay, Val tự coi mình là người xuyên giới. Val để người tiếp xúc tùy chọn đối xử như là trai hay gái. Mẹ Val rất thông cảm khi hiểu chuyện, trong lúc người bố lại hoàn toàn không chấp nhận. Tuy nhiên, Val tin tưởng trong khoảng 15 năm nữa, hiện tượng người xuyên giới sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, sẽ được xã hội thông cảm hơn.
Còn Ana (18 tuổi), học sinh trung học tại Nancy, sinh ra là gái. Thế nhưng, ngay từ khi học trung học, Ana đã cảm thấy mình là con trai. Mẹ Ana hoàn toàn ủng hộ con sống thật với chính mình. Ana thường yêu cầu các bạn nói chuyện với mình như với con trai. Tuy nhiên, đối lập giữa cơ thể phụ nữ với tính cách đàn ông dần dần biến mất, Ana không còn cảm thấy bị giằng xé. Ana không thích bị khuôn vào một giới tính nào. Ana luôn chia sẻ rằng “Hãy quan tâm đến nhân cách con người, chứ đừng nhìn vào bộ phận sinh dục của người ấy”.
Theo một điều tra của YouGov - Một công ty phân tích dữ liệu, hiện có 14% trong lứa tuổi 18-44 tự nhận mình là người xuyên giới và cảm nhận về giới tính của họ rất đa dạng: Có người cùng một lúc thấy mình là đàn ông và đàn bà; hoặc khi là nam, lúc là nữ ; có người cảm thấy ở vị trí trung gian; có người lại không cảm thấy thuộc về giới nào... Hiện tại có khá nhiều từ dùng để gọi nhóm xã hội rất đa dạng này: lưỡng giới, liên giới, phi giới; phi nam, phi nữ; xuyên giới, song giới; ái nam ái nữ... Đồng thời cũng có hàng loạt đại từ ngôi thứ ba là “ul”, “ol”, “iel”, “ele”, “ille”... thay cho “il” (chỉ nam) và “elle” (chỉ nữ).
Oliver (40 tuổi), người sáng lập nhóm người xuyên giới Pháp ngữ đầu tiên trên Facebook (năm 2013), với khoảng 4.000 thành viên chi biết: “Chúng tôi không hề có ý định áp đặt ai cả. Vẫn sẽ luôn luôn có những người rất hạnh phúc với tư cách đàn ông hoặc phụ nữ. Tuy nhiên, chúng tôi mong rằng người ta sẽ không kỳ thị những ai không chịu khép mình vào khuôn khổ giới tính do xã hội quy định. Hãy để họ sống theo bản dạng giới của họ.