Nguồn gốc của lễ Phật Đản

15:35 | 03/05/2017;
Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là một thái tử tên Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, Vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày Rằm tháng Tư năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8/4 âm lịch (theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

3.jpg
 Phật Đản là ngày lễ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước Đông Nam Á theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu, thường rơi vào tháng 4 hoặc tháng 5 theo dương lịch. Vì vậy, theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng Tư, ở hầu hết những nước có Phật giáo, các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đây là ngày lễ trọng đại của cả 2 hệ phái Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa, nguyên thủy) và Bắc tông (Đại thừa, phát triển).

Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo (Tích Lan) từ 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư âm lịch.

diu-hnh.jpg
 Diễu hành.
th-hoa-ng.jpg
 Thả hoa đăng trên sông trong lễ Phật Đản.

Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận lễ Phật Đản tổ chức vào ngày 15/4 âm lịch là lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Và Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak, gồm lễ Phật Đản, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn. Những hoạt động kỷ niệm ngày này sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.

Năm nay, lễ Phật Đản diễn ra vào ngày 15/4 âm lịch tức nhằm ngày 10/5/2017.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn