Từ thành phố Hà Giang, di chuyển dọc theo quốc lộ 4C khoảng gần 150km, qua những cung đường quanh co uốn lượn, huyện Đồng Văn đang là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tận dụng những lợi thế của cao nguyên đá, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa phương, qua đó tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển du lịch của huyện. Nhờ vậy, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ quốc ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin mở các dịch vụ du lịch với ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Tiếp sức cho họ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền và có sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc cùng với sự giúp đỡ của các Sở, ngành của tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, các chính sách về tín dụng chính sách xã hội được triển khai, tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả, tạo bước đột phá để bà con cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Nằm ở một bản nhỏ mang tên Lũng Hoà B, xã Sà Phìn, nơi trung tâm của Cao nguyên đá Đồng Văn, Chai To homestay được vợ chồng anh Sùng Mí Phìn và chị Thào Thị Dính gây dựng với mong muốn đưa tới những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Chính thức đón khách từ năm 2019, homestay là lựa chọn của những du khách thích khám phá, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người H'Mông trắng ở cao nguyên đá Đồng văn như: đi nương rẫy khám phá cách làm nông nghiệp trên đá, đi chặt củi, săn mây; giao lưu, thưởng thức tiêng khèn Mông trắng, thưởng thức ẩm thực vùng cao…
Giới thiệu về cơ ngơi hai vợ chồng gây dựng được sau hơn 5 năm, chị Thào Thị Dính cho biết, hàng tuần, vợ chồng chị đều đặn đón khách du lịch ngước ngoài đến trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Với dịch vụ 500.000 đồng/khách cho một ngày đêm lưu trú và trải nghiệm, homestay mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
"Có được như ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực của hai vợ chồng, sự ủng hộ của gia đình, chúng tôi còn nhận được sự tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, những người trẻ như vợ chồng tôi có thêm động lực, sự tự tin để phát triển homestay. Thời gian tới, vợ chồng tôi có ý định mở rộng homestay và làm khu du lịch kết hợp với trang trại (farmstay) để mở rộng phục vụ khách du lịch Việt, nên rất mong được tiếp tục tiếp cận với nguồn vốn vay từ NHCSXH để biến ước mơ thành hiện thực", anh Sùng Mí Phìn chia sẻ.
Được tiếp cận với nguồn vốn vay từ NHCSXH, chị Thào Thị Dính (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) đã cải tạo ngôi nhà của gia đình thành khu homestay, với 6 phòng có thể đón khách. Chị Thào Thị Dính tâm sự: "Tôi đặt tên homestay là Đời Đá, cũng như thân phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số chúng tôi, quanh năm gắn bó với vùng cao nguyên đá. Trước khi mở homstay, tôi cũng đã trải qua nhiều công việc như chăn nuôi, làm nông nghiệp, đi sang Trung Quốc làm thuê, may thuê quần áo… Nhưng công việc vất vả mà không có thu nhập, nên vợ chồng quyết tâm phải thay đổi cuộc sống. Hai vợ chồng cũng ra trung tâm huyện Đồng Văn tìm hiểu cách hoạt động của các homestay, rồi tự mày mò tìm hiểu, thiết kế, tự học và tự làm các dịch vụ đón khách, nấu nướng, giao lưu với khách… Lúc dự định làm homestay, cái gì chúng tôi cũng thiếu, thiếu kiến thức kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu vốn".
Thông qua Hội LHPN xã Sủng Là, vợ chồng chị Thào Thị Dính được vay vốn tín dụng chính sách với tổng trị giá 150 triệu đồng thông qua 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. "Số tiền vay đó tôi dùng để đầu tư mua sắm đồ dùng, vật dụng, trang thiết bị cho homestay. Chính thức đón khách từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn thu nhập từ homestay dù chưa nhiều nhưng đã giúp gia đình cải thiện kinh tế. Tôi cũng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với du khách trong và ngoài nước, biết thêm được nhiều điều mới mẻ", chị Dính hào hứng.
Chị Giàng Thị Dính, Chủ tịch Hội LHPN xã Sủng Là, huyện Đồng Văn cho biết, là một trong bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội LHPN xã là "cầu nối" đưa vốn tín dụng chính sách đến với nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ trên địa bàn như gia đình chị Thào Thị Dính, giúp chị em có thể tiếp cận gần hơn với nguồn vốn tín dụng chính sách, có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển các dịch vụ du lịch, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, với những phụ nữ dân tộc thiểu số, thường chỉ ở nhà, chăm sóc con cái và làm các việc gia đình, khi tiếp cận với nguồn vốn vay, mở homestay, làm du lịch, họ đã bước ra khỏi cánh cửa của gia đình, trở thành những người phụ nữ tự tin, tự lập trong cuộc sống".
Thoát nghèo từ những chính sách nhân văn
Chủ tịch UBND xã Sà Phìn Hầu Mí Say cho biết: Trước đây, nguồn sinh kế của người dân trong xã chỉ trông vào làm nông, chăn nuôi. Xác định, muốn làm giàu, phát triển kinh tế, thì cần phải phát triển du lịch, xã Sà Phìn được định hướng là một trong những khu du lịch của huyện Đồng Văn. Thực hiện chủ trương này, huyện đã ban hành các chương trình quy hoạch, bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống của người dân tộc Mông và các địa điểm du lịch trong xã như: khu nhà Vương, Bãi đá mặt trăng… Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách để phát triển du lịch, xã đã hướng dẫn hơn 20 hộ tiếp cận nguồn vốn vay để làm du lịch với tổng dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Cùng với các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo trên địa bàn, tạo sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đồng Văn cho biết: Tính đến ngày 31/10/2024, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 427,9 tỷ đồng. Hiện nay toàn huyện có hơn 9.000 khách hàng đang có dư nợ. NHCSXH huyện thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, nhận tiền gửi tại 19/19 Điểm giao xã theo lịch cố định hàng tháng (kể cả ngày nghỉ cuối tuần) đã đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với dịch vụ ngân hàng. Việc công khai các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quy trình, thủ tục cho vay, dư nợ của người vay ngay tại xã đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và người dân biết để cùng thực hiện; đồng thời, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Mặc dù là huyện nghèo, ngân ngân sách rất hạn hẹp, tuy nhiên ngoài nguồn vốn chính sách, hàng năm huyện Đồng Văn cũng đã quan tâm dành nguồn lực từ nguồn ngân sách huyện để cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho Phòng giao dịch Ngân hàn CSXH huyện thực hiện nhiệm vụ; tính đến nay huyện Đồng Văn đã chuyển cho ngân hàng CSXH huyện với số tiền gần 6,5 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
"Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", có thể khẳng định chỉ thị đã đi vào cuộc sống và tạo nên tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ vào thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Từ kết quả nêu trên có thể khẳng định, việc ban hành và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng là chủ trương đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt phù hợp với các huyện nghèo, các huyện ở khu vực đặc biệt khó khăn như huyện Đồng Văn" Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Đỗ Quốc Hương khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn