Nguy cơ gia tăng 30% bệnh nhân đột quỵ trong ngày Tết: Cần làm gì để phòng tránh?

08:10 | 08/01/2021;
Theo thống kê từ các bệnh viện trong những năm trước, thời điểm những ngày cận Tết Nguyên Đán, cộng thêm thời tiết lạnh sẽ làm gia tăng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ thêm 15-30%. Chế độ ăn uống và sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ đột quỵ trong ngày Tết.

Một nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ cũng cho rằng thời tiết lạnh giá kết hợp với độ ẩm cao có liên hệ mật thiết với những cơn đột quỵ. Phòng tránh đột quỵ trong ngày Tết khi trời lạnh và độ ẩm cao, tiêu thụ nhiều rượu bia là cần thiết bởi nguy cơ đột quỵ dễ tăng cao.

Ngoài yếu tố thời tiết, các thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh cũng khiến những đối tượng nguy cơ dễ xảy ra đột quỵ hơn. Bạn có thể kiểm tra xem mình có thuộc nhóm nguy cơ bị đột quỵ cao không theo một số kết luận của nghiên cứu này.

Dung nạp nhiều chất béo, cholesterol, đường ngọt qua những món ăn nhiều đạm và nước uống có gas, bia, rượu. Nếu chỉ số mỡ máu tăng quá cao trong động mạch sẽ khiến hệ thống tuần hoàn máu bị ứ đọng, tắc nghẽn gây ra đột quỵ…

Một khảo sát vừa được công bố trên tạp chí Stroke, nếu một người uống trên 2 ly rượu mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ đột quỵ thêm 34%.

Hơn thế nữa, những ngày trong Tết nguyên đán sẽ đảo lộn đồng hồ sinh học của chúng ta dẫn tới nguy cơ đau đầu, mất ngủ, tăng tỷ lệ bị đột quỵ.

1. Phòng ngừa đột quỵ trong ngày Tết

- Sinh hoạt lành mạnh: Trong thời gian nghỉ lễ, bạn cần đặt mục tiêu tập thể dục mỗi ngày, duy trì thói quen ngủ - thức đúng giờ, ăn uống điều độ.

- Duy trì trạng thái lạc quan, tinh thần sảng khoái, hạn chế thức khuya và tránh tiệc tùng. Thói quen sinh hoạt này có thể khiến bạn suy giảm sức đề kháng, dễ bị cảm lạnh.

- Tránh ăn ngọt và mặn: Thiết lập thói quen ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh và uống nước, hạn chế đố ăn nhanh, đồ ăn mặn và nhiều dầu mỡ.

Gia tăng 30% bệnh nhân đột quỵ trong ngày Tết, hướng dẫn ăn uống sinh hoạt lành mạnh trong kỳ nghỉ lễ - Ảnh 1.

Ăn nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm nhiều muối có thể là gia tăng nguy cơ đột quỵ trong ngày Tết (Ảnh: Internet)

- Giữ ấm cơ thể: Những ngày tết thường đi kèm rét đậm và mưa, vì vậy những người trung niên cần phải lưu ý hơn trong những buổi tiệc rượu. Không đột ngột trở dậy sau khi ngủ, mặc đủ ấm khi ra ngoài.

2. Ăn uống lành mạnh trong dịp Tết

- Chọn thực phẩm ít béo, ít calo

Khi nấu ăn, hãy cố gắng giảm một nửa lượng dầu mỡ, lựa chọn các cách chế biến lành mạnh như hấp, luộc. Hạn chế các đồ ăn chiên rán có hàm lượng calo và dầu mỡ cao. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, chỉ cần chọn các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng calo thấp, bạn đã có thể giảm đáng kể lượng chất béo và lượng calo tiêu thụ.

- Tập trung vào chất đạm

Trong số các nhóm chất dinh dưỡng thì chất đạm là giúp no lâu nhất, ăn nhiều đạm giúp giảm sự thèm ăn, giảm cân, duy trì cân nặng và giúp cân bằng lượng calo nạp vào. Ăn nhiều đạm bạn sẽ có cảm giác no lâu và ít thèm ăn hơn.

- Cân bằng bữa ăn với nhiều trái cây và rau quả

Trái cây hoặc rau, ngũ cốc nguyên hạt cũng cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa. Nhóm thực phẩm này sẽ có công dụng bảo vệ đường tiêu hóa của bạn khỏi những áp lực của việc ăn uống ngày lễ tết. Kích thích sự hoạt động của nhu động ruột, hạn chế táo bón, đầy hơi chướng bụng.

Gia tăng 30% bệnh nhân đột quỵ trong ngày Tết, hướng dẫn ăn uống sinh hoạt lành mạnh trong kỳ nghỉ lễ - Ảnh 2.

Phòng tránh đột quỵ trong ngày Tết bằng chế độ ăn uống lành mạnh với rau xanh và trái cây (Ảnh: Internet)

- Cẩn thận với các món bánh mứt

Nên hạn chế các loại bánh mứt hoặc hoa quả sấy bởi nhóm thực phẩm này chứa nhiều calo và đường, không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, có một số lời khuyên giúp bạn bảo vệ sức khỏe toàn diện trong dịp lễ Tết, cụ thể:

- Đừng đi chúc tết với bụng đói, tránh uống bia rượu nhiều

- Bia rượu làm tăng sự thèm ăn, giảm khả năng kiểm soát trên bàn ăn

- Uống nước lọc xen vào mỗi ly bia rượu bạn uống nhằm làm loãng nồng độ cồn trong rượu

Đôi khi cơ thể gửi tín hiệu đói đến não khi bạn thực sự khát. Hãy uống đủ nước có thể chống lại các cơn đói giả và ngăn chặn việc ăn quá nhiều.

Việc tập thể dục cũng rất quan trọng trong những ngày nghỉ lễ. Để thiết lập trạng thái cân bằng của cơ thể, ngoài việc ăn uống điều độ, bạn cũng cần chú ý rèn luyện thường xuyên trong Tết.

Những việc cần làm khi gặp người bị đột quỵ

1. Xác định thời gian khởi phát của bệnh

Cần lưu ý bắt đầu phát bệnh để tính thời gian vàng 3-6 tiếng kể từ sau khi đột quỵ. Nếu qua 6 tiếng không được sơ cứu kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ tử vong hoặc liệt suốt đời.

2. Sơ cứu người bị đột quỵ

Giữ người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng, kê cao đầu bệnh nhân lên 30 độ so với mặt đất. Sau đó đưa bệnh nhân đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để xử lý cơn đột quỵ kịp thời.

Tuy nhiên, đừng vội vàng mà bỏ qua những Sai lầm thường gặp khi sơ cứu người bị đột quỵ.

3. Nếu người bệnh hôn mê

Kiểm tra nhịp hô hấp, thở bình thường, thở nhanh hay chậm. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo để đảm bảo oxy được vận chuyển đầy đủ lên não và tim

4. Không sử dụng thuốc

Tuyệt đối không sử dụng thuốc hạ huyết áp. Nếu đột quỵ do tắc mạch máu, cơ thể chúng ta sẽ tự động bảo vệ bằng cách khơi thông dòng máu. Sử dụng thuốc hạ huyết áp sẽ làm tăng độ nguy hiểm của bệnh.

Trong trường hợp cục máu đông lớn, các bác sĩ có thể can thiệp bằng cách sử dụng thuốc làm tan máu não. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được dùng trong vòng 4,5 giờ sau khi khởi phát bệnh.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn