Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có 14 người mắc bệnh than, cụ thể tại Hà Giang (1 ca) và Điện Biên (13 ca).
Trên gia súc đã phát hiện 4 ổ dịch bệnh than tại Hà Giang (1 ổ dịch) và Điện Biên (3 ổ dịch). Đây là bệnh thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch, bệnh lây truyền giữa động vật và người, bệnh động vật cấm giết mổ và chữa bệnh.
Cục Thú y nhận định nguyên nhân gây bệnh than chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin bệnh than.
Khi trâu, bò chết, người dân không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương và tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh.
"Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên và lây lan sang các tỉnh khác do buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia súc, thịt gia súc bị bệnh trong thời gian tới là rất cao" - Cục Thú y cảnh báo.
Theo ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, khoa Nhi – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng do vi khuẩn than có tên khoa học là Bacillus anthracis gây nên. Khi tiếp xúc với mầm bệnh than, cả người và động vật đều có thể bị bệnh nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
BS Trường cho hay vi khuẩn than có ở trong đất, nước, cây cỏ bị nhiễm bẩn. Ở ngoài môi trường, vi khuẩn than tồn tại dưới dạng nha bào hay còn gọi là bào tử. Vi khuẩn than chủ yếu gây bệnh cho động vật, đặc biệt phổ biến là các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu, hươu, nai… Động vật bị bệnh do chúng hít hay nuốt phải các bào tử trong môi trường sống. Hầu hết gia súc mắc bệnh than sẽ chết.
Vi khuẩn than có sức đề kháng kém, rất dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất sát khuẩn thông thường, nhưng bào tử của vi khuẩn có sức đề kháng rất cao, chúng có thể tồn tại ở điều kiện thông thường trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà vẫn duy trì được khả năng gây bệnh.
"Con người bị bệnh than hầu hết do tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh. Bào tử của vi khuẩn than có thể xâm nhập vào cơ thể con người. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, bào tử vi khuẩn hoạt hóa trở thành vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở lan ra khắp cơ thể, sinh ra các chất độc và gây ra các biểu hiện bệnh", BS Trường nói.
BS Trường phân tích khi vi khuẩn than xâm nhập vào cơ thể người sẽ khiến da bị tổn thương. Sau khoảng 1 đến 7 ngày, bệnh nhân xuất hiện nốt dát sẩn sau đó chuyển màu đỏ tím rồi loét lớn, trên vết loét có một vảy cứng màu đen trên bề mặt, xung quanh vết loét phù nề và nổi hạch to gần vết loét. Vết loét thường xuất hiện ở vùng da hở như cổ, mặt, tay, chân.
Sau khi hít phải bào tử khoảng 1 đến 5 ngày, cá biệt có những trường hợp sau 2 tháng, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, ho, khó thở, nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, toát mồ hôi, vô cùng mệt mỏi và nhanh chóng dẫn đến tử vong.
"Bệnh than được xem là đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh mắc phải thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp. Sau khi có các biểu hiện hô hấp, bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân với biểu hiện nhiễm trùng máu, viêm màng não và khiến bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ tử vong ở thể bệnh này rất cao, lên đến 90%. Trong trường hợp được điều trị tích cực, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh. Ngoài ra, thể bệnh nhiễm qua da và qua đường tiêu hóa nếu không được điều trị kháng sinh đúng và kịp thời, cuối cùng bệnh đều có thể lan ra khắp cơ thể dẫn tới nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân và tử vong", BS Trường nhấn mạnh.
Phòng tránh vi khuẩn than
BS Trường cho hay việc phòng tránh bệnh than cũng rất dễ dàng, đó là:
- Nên tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh than cho con người, tuy nhiên vắc-xin này có số lượng giới hạn và thường chỉ tiêm cho những người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn.
- Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách, sau khi chôn sâu xác động vật nên rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
- Không buôn bán và sử dụng da của những súc vật nhiễm bệnh than. Không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn