Vào chiều tối mỗi ngày, dọc trên vỉa hè tuyến Quốc lộ 50 (quận 8, TPHCM) xuất hiện nhiều xe lưu động, điểm bán các loại đồ ăn, thực phẩm chế biến. Ở một xe lưu động chuyên bán các loại cá nướng tại khu vực này, mọi người dễ dàng nhận thấy những con các lóc, cá cam... được nướng sẵn treo ngay đầu xe để sẵn sàng bán cho người tiêu dùng với giá từ 130.000-180.000 đồng/con. Điều đáng nói, những con cá đã được chế biến này không được che đậy mà để ngay ngoài không gian đầy xe cộ, bụi bặm trong suốt thời gian dài.
Tình trạng thực phẩm chế biến như xúc xích, khoai tây chiên, thịt xông khói, gà rán, bánh mì... không được bảo quản trong điều kiện phù hợp, đảm bảo yêu cầu cũng tràn lan tại nhiều điểm bán.
Ghé vào một xe bánh mì trên đường Dương Bá Trạc (quận 8, TPHCM), chúng tôi thấy có rất nhiều loại bánh mì khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn như bánh mì trứng, bánh mì chả, nem nướng… Tuy nhiên, các loại thực phẩm làm nhân bánh mì, gia vị đều không được đậy, che chắn kỹ càng. "Tôi bán ở đây gần chục năm nay rồi. Đã ai ăn bánh mì của tôi mà bị ngộ độc đâu", người bán hàng phân bua khi được hỏi về việc bảo quản thực phẩm chưa đạt yêu cầu.
Theo các chuyên gia, các loại nhân bánh mì như thịt, patê, chả… nếu không được kiểm soát chặt chẽ, bảo quản đúng cách thì rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây ra ngộ độc.
Và vụ việc hàng trăm người dân ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị ngộ độc do vi khuẩn salmonella, E.coli sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình vừa qua tiếp tục là lời cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng xác định cơ sở bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình có nhiều hành vi vi phạm. Trong đó, quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Theo Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cơ sở kinh doanh thực phẩm càng nhỏ chừng nào thì càng khó kiểm soát chừng đó. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thì quan trọng nhất là ý thức của người dân. Theo đó, người dân hãy lựa chọn những cơ sở kinh doanh thực phẩm uy tín. Khi sử dụng thức ăn đường phố thì nên chú ý xem thức ăn có được để trong tủ kính hay không, người bán có đeo găng tay, khẩu trang hay không; không dùng tay trần để bốc thức ăn, nhận tiền.
BS.CKI. Nguyễn Thị Diễm Hà, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân nên lựa chọn thực phẩm tươi sống và đã được kiểm định an toàn vệ sinh. Đối với các loại thức ăn đã được chế biến sẵn, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, nên bảo quản thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển; các loại thịt, cá, hải sản cần phải được bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.
Theo bác sĩ, cần nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp, các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ nhiều lần trước khi ăn. Nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn. Nên loại bỏ các thức ăn dư thừa bởi đây là nguyên nhân thường gặp nhất của ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, nên rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn