Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2

22:23 | 31/03/2022;
SARS-CoV-2 là loại virus dễ bị đột biến, sinh ra các biến thể Covid-19 mới. Các chuyên gia cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những triệu chứng Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới tăng cao. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã thay đổi "cách nhìn" về virus SARS-CoV-2 và thay đổi các biện pháp phòng chống dịch trong đó có Việt Nam. Dù vậy, trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn Omicron.

Thực tế, thời gian gần đây các tổ chức quốc tế đã ghi nhận thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận sự tồn tại của biến thể lai giữa Omicron và Delta được gọi là "Deltacron", có nguồn gốc từ Pháp. Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2022, Israel cũng đã phát hiện biến thể mới lai giữa hai biến thể phụ của Omicron BA.1 và BA.2…

GS Chris Whitty, Giám đốc y tế vùng England (Anh), cảnh báo thế giới có thể hứng chịu làn sóng dịch Covid-19 mới trong 2 năm tới do sự xuất hiện của một biến thể gây hậu quả khó lường hơn cả Omicron và kêu gọi thế giới cần phải thận trọng với đại dịch này. GS Chris Whitty cũng cho rằng, những hậu quả liên quan đến Omicron không hề nhẹ và đại dịch kết thúc bởi một biến thể gây hậu họa nghiêm trọng hơn Omicron.

Biến thể mới có thể gây những triệu chứng Covid kéo dài

Theo WHO, từ tháng 10/2020, các biến thể của virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện, làm tăng tốc độ lây nhiễm của virus, tăng nguy cơ tái nhiễm bệnh. WHO cho rằng, việc virus SARS-CoV-2 xuất hiện các biến thể là điều đã được dự đoán trước. Bởi lẽ, các virus có cấu trúc rất đơn giản, bao gồm một vỏ protein bao bọc vật liệu di truyền trong nó. Trong khi đó, SARS-CoV-2 là một loại virus ARN, dễ bị đột biến vì cấu trúc mạch đơn, kém bền vững. Các nhà khoa học đã phát hiện SARS-CoV-2 có đặc điểm ARN sợi đơn-dương dài nhất trong các loại virus, khiến các đột biến dễ xảy ra hơn, sinh ra các biến thể Covid-19 mới.

Câu hỏi được nhiều nhà khoa học quan tâm là các biến thể virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện có nguy hiểm hay không? Tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu, diễn ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) vào ngày 24/3/2022, một nghiên cứu đã kết luận các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những triệu chứng Covid kéo dài (Long Covid) khác với các chủng virus trước đó.

Theo nghiên cứu, từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021, những triệu chứng Covid-19 kéo dài phổ biến nhất ở người mắc bệnh này là khó thở và mệt mỏi mạn tính; tiếp theo là các vấn đề về giấc ngủ và thị lực cũng như hiện tượng sương mù não. Các nhà khoa học cho rằng, vào thời điểm biến thể Alpha là biến thể chủ đạo, các triệu chứng đau nhức cơ, mất ngủ, lo lắng và trầm cảm cũng rất phổ biến. Trong khi đó, với chủng virus gốc, xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, các triệu chứng mất khứu giác, khó nuốt và mất thính giác phổ biến hơn.

Nghiên cứu cho thấy có tới một nửa số bệnh nhân hồi phục sau đợt mắc Covid-19 ban đầu bị di chứng cấp tính hậu Covid, hay còn gọi là Covid-19 kéo dài. Hiện tượng này xảy ra ở mọi nhóm đối tượng bất kể tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Căn cứ dữ liệu sẵn có, các triệu chứng Covid-19 kéo dài dường như gây ảnh hưởng lâu dài đến chức năng não, tim và phổi.

Thời gian qua, các biến thể virus SARS-CoV-2 phổ biến xuất hiện trên thế giới bao gồm biến thể Delta, Alpha, Gamma, Beta và Omicron. Trong đó, những nghiên cứu phát hiện các biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm như Beta, Delta và Omicron có thể làm tăng khả năng tái nhiễm cho những người từng mắc Covid-19 trước đó. Khi Covid-19 vẫn lây nhanh trong cộng đồng, các đột biến sẽ tiếp tục xảy ra. Do đó, các chuyên gia cảnh báo thời gian tới thế giới sẽ còn phát hiện ra nhiều biến thể virus SARS-CoV-2. Trong đó, sẽ có những biến thể "nguy hiểm" cho sức khỏe con người.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn